Người anh hùng khai lập nước Vạn Xuân
Lý Nam Đế (503 - 548), tên thật là Lý Bôn (Lý Bí) là vị vua sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử Việt Nam.
Năm Kỷ Mùi (479), đất Giao châu (Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày nay) là nội thuộc nhà Lương, người dân Giao châu tiếp tục bị ngoại bang cai trị.
Lúc bấy giờ, Lý Bôn tuổi còn trẻ nhưng tài kiêm văn võ nên được các bậc hào trưởng tôn làm thủ lĩnh một vùng. Nghe danh tiếng ông, Thứ sử Tiêu Tư (nhà Lương) mời ông ra làm chức Giám quân ở Đức châu (H.Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay). Một thời gian ngắn, bất bình với chính sách hà khắc của Tiêu Tư và sự tàn ác của đám quan lại đô hộ, Lý Bôn bỏ quan, về quê chiêu binh, tích trữ lương thảo chờ ngày nổi dậy.
Cuối năm 541, Lý Bôn khởi binh chống nhà Lương. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư - Tướng nhà Lương khi đó, liệu thế không chống nổi quân Lý Bôn, phải sai người mang của cải đến đút lót để được mở đường cho chạy thoát về Quảng Châu. Quân Lý Bôn thừa thế đánh chiếm thành Long Biên, thủ phủ Giao châu. Cuối năm 542, quân nhà Lương đại bại, Lý Bôn làm chủ cả một vùng rộng lớn, gồm cả Giao châu và quận Hợp Phố thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay.
Tháng giêng năm 544, Lý Bôn tự xưng là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diên (nay thuộc Hà Nội). Sử gọi là nhà Tiền Lý.
Tháng 6 năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu làm Thứ sử Giao châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột đem quân đánh Vạn Xuân. Khi quân của Trần Bá Tiên đến Giao châu, Lý Nam Đế đem 3 vạn quân ra đánh, bị thua ở Chu Diên và ở cửa sông Tô Lịch, tướng Tinh Thiều tử trận, ông chạy về thành Gia Ninh (nay thuộc TP.Việt Trì, Phú Thọ).
Tháng giêng năm 546, Trần Bá Tiên chiếm thành Gia Ninh, tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Sau một thời gian tập hợp và củng cố lực lượng, ông đem 2 vạn quân từ đất Lạo sang đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, H.Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày nay). Quân Lương dừng lại ở cửa hồ không dám tiến đánh ngay. Đến đêm, mưa lũ, nước sông lên mạnh, tràn ngập vào hồ. Trần Bá Tiên nhân đó đem quân theo dòng nước tiến vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ. Lý Nam Đế phải lui về động Khuất Lão (nay thuộc xã Văn Lương, H.Tam Nông, Phú Thọ), giao binh quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục chống lại Trần Bá Tiên.
Ngày 20.3 (tức ngày 13.4 dương lịch), năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (544 - 548), thọ 46 tuổi, thi hài của ông được an táng tại Khuất Lão.
"CÔNG CHÚA NI CÔ"
Theo bản Sự tích thành hoàng làng An Ninh, viết bằng chữ Hán (tương truyền do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Nhâm Thân - 1572), các bản ghi chép về lịch sử nhà chùa và nhiều giai thoại còn lưu lại trong dân gian, chuyện rằng:
Cùng thời Lý Nam Đế khởi binh dấy nghiệp, ở trang Vân Lộng xứ Đông (nay thuộc H.Nam Sách, Hải Dương) có ông Phạm Lương là người có chí khí. Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi người con gái tên là Phạm Thị Toàn lớn khôn và luôn nhắc nhở con về nỗi đau mất nước.
Năm Tân Dậu (541), khi nghe tin Lý Bôn dựng cờ khởi nghĩa, cha con ông Phạm Lương liền bán tài sản, nhà cửa để mộ quân, tham gia ứng nghĩa cùng với hào kiệt, thủ lĩnh các địa phương hợp sức giúp Lý Bôn. Vì có công lao, ông Phạm Lương được phong làm Bộ chủ châu Hoan (nay là Nghệ An, Hà Tĩnh) nhưng chỉ được vài năm thì mất, thi hài được đưa về an táng tại quê nhà.
Bà Phạm Thị Toàn, con gái ông Phạm Lương, tuy là phận nữ nhi, nhưng trong các trận đánh luôn dũng cảm xông pha và trở thành một nữ tướng nổi danh. Sau khi đất nước giành được quyền tự chủ không lâu, tháng 12 năm Nhâm Tuất (542), Phạm Thị Toàn lại tham gia phá giặc Lương nơi địa đầu biên giới. Đến tháng 4 năm Quý Hợi (543) nàng theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía nam. Thủ lĩnh Lý Bôn từng nhiều lần khen ngợi và tỏ ra rất mến phục người con gái tài sắc xứ Đông.
Về chuyện hôn nhân của Lý Nam Đế, theo thần tích cổ, ông có người vợ là Hứa Trinh Hòa, con ông Hứa Minh và bà Bùi Thị Quyền, người làng Đông Mai, H.Yên Phong, Bắc Ninh. Bà được Lý Nam Đế lập làm hoàng hậu, cùng chồng chinh chiến và tử trận cuối năm 546. Về sau, Triệu Việt Vương đã lập đền thờ bà tại quê nhà.
Khi đất nước đã tạm yên, nghĩ đến người con gái xinh đẹp, nết na, lại giỏi văn lẫn võ, từng lập không ít công trạng, Lý Nam Đế liền cho người về Nam Sách đón Phạm Thị Toàn vào cung để lập làm hoàng hậu. Thế nhưng, dù rất mến phục Lý Nam Đế, bà Phạm Thị Toàn một mực chối từ mà nói rằng:
"Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ".
Biết khó lay chuyển ý định của bà, Lý Nam Đế đã chấp thuận lời thỉnh nguyện của người con gái mà ông đã không giấu niềm cảm mến và đã nhiều lần thổ lộ tình riêng cùng tả hữu. Từ đó Phạm Thị Toàn bình tâm sống với quê hương, lập chùa tịnh tu cho đến khi mất.
Sau khi bà Phạm Thị Toàn qua đời, người dân lập đền thờ, tôn bà làm Thành hoàng. Năm Quý Mùi (1103) niên hiệu Long Phù thứ 3, đời vua Lý Nhân Tông, nhà vua ban sắc phong là "công chúa ni cô", cho lập đền thờ riêng, quanh năm hương khói.
Ngôi chùa do bà lập ra còn tồn tại cho đến tận ngày nay, được nhiều lần trùng tu qua các đời. Chùa có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Vĩnh Khánh, chùa Trăm Gian, chùa An Ninh, tọa lạc tại làng An Ninh, xã An Bình, H.Nam Sách, Hải Dương.
(còn tiếp)
Bình luận (0)