Ngôi cổ tự và nàng công chúa mộ đạo
Chùa Đại Giác tọa lạc ở xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên (nay thuộc TP.Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Nam bộ.
Theo tài liệu còn lưu tại Giáo hội Phật giáo TP.Biên Hòa, giữa thế kỷ 17 có 3 nhà sư thuộc phái Lâm Tế, từ miền Trung đến Đồng Nai hoằng hóa đạo Phật.
Nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử đến vùng đất ven sông Đồng Nai (nay là xã Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) dựng lên chùa Long Thiền (1664); nhà sư Thành Trí theo đoàn di dân làm nghề khai thác đá lên vùng núi Bửu Long cùng người Hoa ở đây dựng lên chùa Bửu Phong (1679); nhà sư Thành Đẳng (1686 - 1769), cùng một số người đến khẩn hoang và dựng lên chùa Đại Giác (1665).
Cuối thế kỷ 18, cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn, tiếp đến là cuộc đối đầu giữa Nguyễn Ánh và phong trào Tây Sơn, kéo dài nhiều năm. Khi quân Tây Sơn thắng thế, Nguyễn Ánh cùng gia đình trên đường trốn chạy đã dừng chân ở chùa Đại Giác và được nhà chùa cưu mang.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, đã ban lệnh trùng tu ngôi chùa. Quan quân cho binh thợ xây cất, đem đàn voi chiến vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, ngày đêm dùng chân giậm nền chùa cho bằng phẳng và chắc chắn nên chùa có tên là chùa Tượng. Chùa còn có tên khác là chùa Phật lớn vì nhà vua dâng cúng một pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít cao gần 2,5 m thờ trong chánh điện. Một tên khác của chùa là chùa Trước, vì chùa tọa lạc phía trước chùa Chúc Thọ (chùa Sau) do ông Thủ Huồng xây nên.
Tháng 10.1820, vua Minh Mạng cho trùng tu Đại Giác. Năm 1952, Biên Hòa xảy ra trận lụt lớn (năm Nhâm Thìn) chùa bị hư hại nghiêm trọng. Mãi đến năm 1959, được sự đóng góp của nhân dân trong vùng, trụ trì là Hòa thượng Thích Thiện Hỷ (1921 - 1979) đã cho dựng lại toàn bộ ngôi chùa.
Trong bầu đoàn thê tử của Nguyễn Ánh ngày đến tá túc ở chùa Đại Giác có công chúa thứ 3 tên là Nguyễn Phúc Ngọc Anh (công chúa Bảo Lộc), lúc ấy tuổi còn trẻ nhưng đã khá thông làu kinh Phật. Khi đoàn người ra đi, công chúa Ngọc Anh đã xin với Nguyễn Ánh cho được ở lại chùa, ẩn mình nơi cửa Phật.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông đã ban chiếu triệu hồi công chúa về kinh. Không thể cãi lệnh vua cha, Ngọc Anh đành hồi triều. Về Huế, công chúa Ngọc Anh nguyện không lấy chồng mà thành tâm ăn chay trường niệm Phật hiệu tại phủ riêng, cầu nguyện thái bình, thịnh trị cho triều đại và muôn dân.
OAN TRÁI DUYÊN TÌNH
Tháng 12 năm Kỷ Mão (đầu năm 1820), vua Gia Long qua đời. Tháng giêng năm Canh Thìn (1820), Nguyễn Phước Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Lúc bấy giờ, ở phương Nam có một vị thiền sư nổi tiếng là Liễu Đạt Thiệt Thành.
Sách Thiền sư Việt Nam (Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáo TP.HCM xuất bản, 1991) cùng nhiều tài liệu khác và Phật thoại cho biết:
Người đời sau chưa rõ năm sinh của vị thiền sư, nhưng mô tả ông có dáng người cao to, gương mặt phúc hậu, giọng nói truyền cảm, phong thái oai nghiêm, đĩnh đạc và có kiến thức Phật học uyên bác. Thiền sư được vua Minh Mạng triệu từ chùa Từ Ân (Gia Định) ra Huế, phong làm quốc sư để giảng kinh cho hoàng tộc, ban hiệu là Hòa thượng Liên Hoa.
Ngay khi gặp thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, công chúa Ngọc Anh đã đem lòng say đắm. Dù biết thiền sư là người nhà Phật, không được phép dính vào duyên trần, nhưng công chúa vẫn đề nghị thiền sư phá giới để kết mối lương duyên. Thiền sư đã dùng Phật pháp ngày ngày giảng giải cho công chúa, với hy vọng người con gái lá ngọc cành vàng sớm tỉnh ngộ, rời bỏ mối tình oan trái.
Khi còn chưa biết gỡ những rối rắm ra sao thì sư phụ của thiền sư là Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc - trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định viên tịch (năm 1821), thiền sư nhân cơ hội này xin về chùa Từ Ân chịu tang sư phụ, rồi làm trụ trì.
Từ khi thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành rời khỏi kinh thành Huế, công chúa Ngọc Anh ngày đêm nhớ thương, không thiết ăn ngủ. Sau đó công chúa xin với nhà vua cho vào chùa Từ Ân cúng dường, để thỏa lòng thành tâm với Phật.
Hay tin công chúa sắp đến, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành chuyển đến chùa Đại Giác (Trấn Biên) để nhập thất trong 2 năm. Công chúa Ngọc Anh đến chùa Từ Ân không gặp thiền sư vô cùng hụt hẫng. Sau biết thiền sư đang nhập thất ở chùa Đại Giác, công chúa Ngọc Anh quyết định lên chùa này để cúng dường. Công chúa đã nhờ người đưa đến tịnh thất của thiền sư, đứng ngoài xin được gặp mặt nhưng ngài im lặng.
Đau khổ tột cùng, nàng công chúa quỳ trước tịnh thất, không ăn không uống, đòi gặp bằng được mới thôi. Thiền sư vẫn im lặng.
Cuối cùng, công chúa Ngọc Anh dập đầu lạy trước tịnh thất mà rằng: "Nếu hòa thượng không tiện ra để gặp tiện thiếp, xin hòa thượng cho đệ tử nhìn thấy bàn tay của hòa thượng, đệ tử sẽ hân hoan ra về".
Cảm động trước tấm lòng của nàng công chúa nhà Nguyễn, thiền sư đưa bàn tay qua ô cửa nhỏ cho công chúa nhìn. Nào ngờ nàng công chúa si tình đã không kìm lòng, nắm chặt lấy tay thiền sư vừa hôn vừa khóc, nước mắt ướt đẫm bàn tay bậc chân tu.
Nửa đêm hôm đó, khi mọi người đang yên giấc, tịnh thất của thiền sư phát hỏa. Khi mọi người chạy ra dập lửa thì tịnh thất đã cháy rụi, nhục thân của thiền sư cũng đã thành tro. Điều kỳ lạ là trên vách chánh điện của tịnh thất vẫn còn bài kệ của thiền sư:
Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần
Thành không vẩn đục vẫn trong ngần
Liễu tri mộng huyễn chơn như huyễn
Đạt đạo mình vui đạo mấy lần.
Phía dưới có dòng chữ: Sa môn Thiệt Thành hiệu Liễu Đạt.
Thiền sư đã dùng ngọn lửa thiêu mình để thức tỉnh công chúa Ngọc Anh. Sau khi thiền sư tự thiêu, công chúa vô cùng đau khổ. Nàng ở lại chùa Đại Giác lo xong xuôi lễ nhập thất cho thiền sư. 3 ngày sau, công chúa uống thuốc độc tự vẫn ngay tại hậu viên chùa Đại Giác, kết thúc một chuyện tình đơn phương oan trái. (còn tiếp)
Bình luận (0)