Khoe những trang
sách tiếng Việt lớp 1 từng học lên nhóm phụ huynh lớp 1, chị Tô Thị Hồng Hương (31 tuổi, quận 2, TP.HCM) viết: "Hôm nay dạy con học, thằng bé than bài học của con khó quá, rồi quay lại hỏi mẹ 'ngày xưa mẹ học thế nào?'. Vậy là ngồi tìm kiếm lại cuốn sách mình học ngày xưa. Có những bài học mình đã quên rồi, nhưng cũng có những bài khi nhìn lại cảm giác thân thương lại ùa về, kỷ niệm về những bài học đầu tiên ở ngôi trường làng ngày xưa vẫn còn đó".
Chia sẻ thêm về những ký ức của mình, chị Hồng Hương cho biết chị thuộc thế hệ cuối 8X, khi đó chị được học cuốn tiếng Việt 1 của
NXB Giáo dục Việt Nam. "Mình ấn tượng nhất bài học về vần 'am', với bài đọc là 'Bé lon ton ra ngõ đón bà. Bà cho bé quả cam' cùng hình ảnh người bà rất giống với bà nội làm mình nhớ mãi. Giờ lật trang sách ra mình lại nhớ những ngày đầu tiên đi học ở ngôi trường làng rất nhỏ bên kia cánh đồng. Mỗi ngày mình và các bạn trong xóm đều cắp sách xuyên qua cánh đồng để đến trường", chị Hương nhớ lại.
Những bài học trong sách tiếng Việt xưa
Cũng theo nữ phụ huynh này, những bài học trong sách ngày xưa đơn giản, dễ hiểu và gần gũi. "Hồi xưa,
học sinh lớp 1 bắt đầu bài học với từng chữ cái, chữ đầu tiên trong bài 1 là "o", và bài đọc là "ò ó o" kèm theo hình ảnh chú gà trống đang gáy rất dễ nhớ...", chị Hương nói.
Cuốn sách này cũng được nhiều người chia sẻ trên các trang cộng đồng và thu hút nhiều ý kiến. Trong đó, anh Trần Tuấn Anh (28 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng cho rằng chương trình học ngày xưa nhẹ nhàng, các bài đọc ngắn và có vần điệu, dễ nhớ, tranh vẽ mộc mạc, gần gũi nên in sâu trong tâm trí người học.
“Mình nhớ hồi xưa nhà nghèo, thường sẽ đi xin hoặc mượn sách cũ của các anh chị trước để học chứ hiếm khi được mua sách mới. Một cuốn sách có thể truyền qua tay nhiều lứa học sinh học. Giờ nhìn lại những trang sách xưa, một trời tuổi thơ lại ùa về, đặc biệt là những hình minh họa trong sách rất mộc mạc, làng quê, gần gũi với tuổi thơ. Như hình ảnh chú bé cưỡi trên lưng trâu cùng bài đọc Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta là cảnh quen thuộc của trẻ em ở các miền quê ngày xưa nên mình cứ nhớ mãi”, bạn trẻ Tuấn Anh chia sẻ.
Còn chị Thu Thủy (ngụ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) thì gọi đây là “bộ sách quốc dân” vì nó tồn tại gần 20 năm, nội dung rất hay và dễ nhớ.
Một số bài học trong sách tiếng Việt xưa:
Bình luận (0)