Những 'đặc sản' của TP.HCM

Trang Hiếu
Thừa Thiên-Huế
15/08/2023 15:00 GMT+7

Dòng đời xuôi ngược tấp nập đưa bước chân người tứ xứ tụ hội về vùng đất lành TP.HCM ngày một đông hơn. Như một phép màu của tạo hóa, thành phố dang tay ôm trọn người lữ khách và kẻ tha phương vào lòng, dẫu chật hẹp cũng gói ghém đủ, dẫu bộn bề lo toan vẫn chưa nhẫn tâm "bỏ rơi" mảnh đời khốn khó nào.

Nơi ấy, những "đặc sản" của riêng thành phố đã sản sinh từ trong chính những tháng ngày giao thoa văn hóa bằng tấm lòng rộng mở, cách sống hào sảng và trái tim dìu dịu yêu thương…

Những 'đặc sản' của TP.HCM - Ảnh 1.

Trà đá miễn phí, hình ảnh không lạ với người đi đường ở TP.HCM

Nhật Thịnh

Đường lớn biến thành sông, xe cộ bì bõm lội… Ái chà, ngập úng sau mỗi cơn mưa lớn bất chợt có lẽ đã không còn lạ với nhịp đời người dân TP.HCM. Vậy mà giữa những "bi hài" ấy, lòng người lại ấm áp bội phần bởi sắc phục cảnh sát giao thông xắn quần lội nước dìu đỡ người dân qua vũng sâu hay nhóm thợ chực sẵn giúp máy xe nổ giòn giã miễn phí… "Đặc sản" của tình thương mến thương cứ thế mà nảy nở giữa gian khó cuộc đời!

Có nơi đâu như đất ấy, tình người hiện diện trên từng góc phố, lân la vào hẻm nhỏ và mênh mang trải rộng trên mọi nẻo đường. Tủ bánh mì từ thiện tặng người nghèo lót dạ. Thùng nước chè miễn phí cho người dưng mát dịu giữa trưa đứng bóng. Rồi quán cơm 2.000 đồng dành bữa ngon cho người lỡ bước… Lòng tốt cứ nhân rộng và san sẻ yêu thương bằng cách nhường miếng cơm chia manh áo cho cảnh đời khốn khó. Mà lạ lắm à nghen, bởi chủ nhân của tủ bánh mì, thùng nước mát có khi chẳng giàu có gì, chỉ là dư dả chút đỉnh muốn góp thêm cho đời một nốt nhạc reo vui. "Lá lành đùm lá rách" đã quý, "lá rách ít đùm lá rách nhiều" lại càng đáng trân quý hơn!

Đặc biệt, sinh viên nghèo ngoại tỉnh và những phận đời cơ nhỡ lại càng được thương nhiều thật nhiều ở chính nơi đất khách quê người ấy. Bao người chân ướt chân ráo lên TP.HCM tìm một cơ hội, kiếm một công việc, mơ một tương lai. Bỡ ngỡ, lạc lõng, bơ vơ tưởng như quật ngã người ta vào tuyệt vọng. Tình cảnh ấy thật đáng thương, nhất là lúc ốm đau khi cháy túi, lúc hết gạo khi thất nghiệp… Thấu hiểu và cảm thông, an ủi và đỡ nâng, người dưng nước lã lại trao nhau tấm lòng và kỳ vọng. Vì lẽ ấy mà ta bắt gặp những tấm biển cưng muốn xỉu: Sửa xe miễn phí cho sinh viên, Cắt tóc miễn phí cho người bán vé số, ve chai, người nghèo, người già cô đơn…

Những 'đặc sản' của TP.HCM - Ảnh 3.

Chuyến xe mang quần áo mới đến trao cho những khu xóm nghèo

Nhật Thịnh

Tình người cứ dào dạt tuôn suốt mấy chục năm qua hun đúc nên tính cách hào sảng, tấm lòng bao dung, lối sống nghĩa tình níu người và người xích lại gần nhau, chan hòa và thân ái…

Dòng chảy cuộc sống mải miết trôi đi, những tưởng người Sài thành tình cảm đến thế là cùng, cho đi nhiều thế đã đủ. Thế mà con virus mang cái tên đỏng đảnh "cô Vy" mon men đến dải đất chữ S xinh đẹp, lấn lướt nhịp sống bình yên và nhẫn tâm tranh cướp vòng ôm ấm áp, cuộc gặp gỡ tán gẫu bên ly cà phê và sự đoàn tụ, sum vầy của bao gia đình.

Lời hiệu triệu "ở nhà là yêu nước" đặt người khốn khó vào thế bí – vừa hốt hoảng chống dịch vừa nơm nớp lo miếng ăn. Con dân Việt vốn thương người như thể thương thân sao đành ngó lơ? Thế là ATM gạo ra đời giúp người nghèo ấm bụng giữa bối cảnh giãn cách xã hội. Rồi ATM thực phẩm miễn phí mở ra cơ hội cải thiện bữa ăn. Rồi người người may khẩu trang, nhà nhà làm tấm ngăn giọt bắn tặng người dưng. Lắm lúc ta bắt gặp bà chủ nhà trọ này tốt bụng giảm phí tiền thuê nhà, ông chủ nhà trọ kia rộng rãi tặng mì tôm, trứng gà, gạo trắng cho người thuê trọ… Cách ly chứ không cách lòng là thế đó!

Danh sách "đặc sản" của TP.HCM cứ dài thêm ra, ngan ngát tỏa hương cho cuộc đời thêm rạng rỡ và lòng người rộn vui bội phần.

Cuộc sống chưa bao giờ thôi thử thách con người. Dẫu khó khăn bủa vây, khốn khó gieo rắc, lòng người vẫn tin tưởng son sắt vào sự chiến thắng của tình người. Niềm tin ấy đã, đang và sẽ luôn hiện hữu trong trái tim mỗi người con đất Việt hướng về thành phố mang tên Bác với niềm yêu mến và tự hào, chắc chắn là thế!

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Những 'đặc sản' của TP.HCM - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.