Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Nghệ sĩ đa năng của núi rừng

03/06/2024 06:47 GMT+7

Máu nghệ sĩ như chảy trong huyết quản nên cứ hễ "đụng" tới mảng nào của nghệ thuật truyền thống Cơ Tu, già làng Clâu Nhím (70 tuổi, trú thôn Gừng, TT.P'rao, H.Đông Giang, Quảng Nam) cũng tạo dấu ấn đậm sâu trong lòng người xem.

BẬC THẦY ĐIÊU KHẮC GỖ

Căn nhà sàn của già làng Clâu Nhím nằm trên một ngọn đồi cao, nhìn xuống QL14B chạy qua TT.P'rao, có lẽ là một trong những căn nhà đặc biệt khi thuộc sở hữu của một cá nhân. Đặc biệt bởi lẽ, căn nhà được già Nhím thiết kế theo dạng nhà gươl (nhà làng) đậm chất truyền thống với cột chính giữa nhà, ván thưng nguyên tấm bao quanh…

Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Nghệ sĩ đa năng của núi rừng- Ảnh 1.

Nhà gươl do già Clâu Nhím tự dựng để làm nơi giáo dục truyền thống cho con cháu

Hoàng Sơn

"Mang tiếng là nghệ nhân điêu khắc, mình phải có cái gì đó để khoe với bè bạn chớ. Căn nhà từng là nơi nghỉ ngơi của nhiều nghệ sĩ ở dưới xuôi lên. Mỗi lần có dịp ghé chân, ai cũng tấm tắc khen căn nhà đẹp, trang trí độc đáo… Tất cả do chính tay tôi làm đó!", già Clâu Nhím không giấu được niềm tự hào.

Già Nhím kể, khoảng năm 1972 - 1973, vì chiến tranh, già cùng nhiều người trong làng tản cư lên các xã vùng cao của H.Tây Giang. Ở mảnh đất mới, nhớ quê hương, Clâu Nhím cùng trai làng đi sâu vào rừng, tìm những khúc gỗ về làm tượng. Già Nhím nhớ như in, bức tượng đầu tiên mình tạc là con chim nhồng - loài chim xuất hiện nhiều ở mảnh đất Trường Sơn. Dù chỉ là những nhát đẽo thô sơ từ rựa nhưng tác phẩm đầu tay của già Nhím đã nhận được nhiều lời khen của mọi người. Từ đó, ông tiếp tục tạc thêm nhiều bức tượng về các loài chim, con mang, heo rừng, voi… Tác phẩm của ông ngày càng hoàn thiện, tinh xảo.

"Điêu khắc truyền thống của người Cơ Tu chúng tôi thường phụ thuộc rất nhiều vào đôi tay khéo léo và óc tưởng tượng, sáng tạo của người thợ chứ chẳng qua trường lớp gì. Tôi cũng vậy, tự mày mò trên từng khúc gỗ, đi từ chủ đề dễ như muông thú đến khó hơn như hoa văn, phù điêu trên nhà mồ… rồi khó hơn nữa là tượng gỗ tròn khắc hình người", già Nhím nói.

Theo già, tượng người khó là vì ngay từ khi nện nhát đục xuống, người thợ điêu khắc phải hình dung đâu là tay, đâu là chân, đâu là đầu… Muốn làm được những tượng phụ nữ giã gạo, mẹ bồng con, người đàn ông nhảy múa…, người thợ phải có quá trình rèn luyện tay đục trong nhiều năm, còn làm sao để tượng có hồn thì tùy vào năng khiếu của mỗi người.

Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Nghệ sĩ đa năng của núi rừng- Ảnh 2.

Bức tượng sao la do già Clâu Nhím tạc để nhắc nhớ mọi người cùng bảo vệ thiên nhiên

Hoàng Sơn

Là người điêu khắc có tiếng trong cộng đồng Cơ Tu miền Trung và từng giành giải 3 với tác phẩm Bắn nỏ tại Trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ Tu năm 2019 do UBND H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) tổ chức, với già Clâu Nhím, chủ đề ông đam mê nhất vẫn là động vật hoang dã. Bởi vậy, từ cặp sừng sao la (loài vật đặc hữu ở Trường Sơn), già Nhím đã liên tưởng và tạc nên hình con vật này. Già muốn nhắc nhớ người dân chung tay bảo vệ sao la gần như bị tuyệt chủng. Vẫn là nét tạc thô mộc và cách tô màu giản dị nhưng khi nhìn vào bức tượng, ai cũng dễ dàng nhận ra đó là con sao la với nét mặt ngộ nghĩnh.

"CUỐN TỪ ĐIỂN SỐNG"

Tôi từng có dịp chứng kiến già Clâu Nhím trong trang phục truyền thống, cổ đeo chuỗi cườm đính nanh thú, đầu đội mũ lông chim… khoan thai bước ra đám đông của ngày hội làng. Với chòm râu dài, dáng vóc quắc thước…, già cầm chiếc tù và rồi ngước mặt lên trời, thổi một hơi dài để mở màn cho chương trình lễ hội. Nhiều người tò mò nhìn ông, cứ như ông là một diễn viên vậy.

Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Nghệ sĩ đa năng của núi rừng- Ảnh 3.

Già Clâu Nhím luôn tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống

Hoàng Sơn

Tất nhiên già Clâu Nhím là một già làng thứ thiệt, được người dân bầu chọn là người có uy tín từ năm 2018 chứ không phải là người được mời để vào vai. Phong thái uy nghiêm khi làm nghi thức "gọi thần" mà già có được chính là nhờ rất nhiều lần già Nhím được người làng, ban tổ chức các lễ hội giao trọng trách này.

Từng là cán bộ ngành điện ảnh của địa phương, già Clâu Nhím có rất nhiều kinh nghiệm trong trình diễn văn hóa truyền thống Cơ Tu. Cộng với việc từng tham gia nhiều sự kiện giao lưu văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước, cứ có lễ hội, già Nhím lại đứng ra chỉ huy các phần lễ, phần hội như một "tổng đạo diễn". Khi hóa thân thành nhạc công, già lại khiến nhiều người sửng sốt vì chơi khèn bè, đàn h'jưl, đánh trống, cồng chiêng… hết sức điêu luyện.

"Thanh niên ai thích học là tôi dạy ngay. Cũng may mắn là giữa đời sống hiện đại vẫn còn một số người trẻ đam mê văn hóa truyền thống, thích thú với những âm điệu, làn điệu, đường nét điêu khắc truyền thống…", già Nhím nói.

Trong lòng nhiều người dân Cơ Tu vùng thấp ở Đông Giang, già Clâu Nhím như "cuốn từ điển" văn hóa để mỗi lần chưa rõ việc này việc kia, họ lại tìm đến nhờ già giải đáp. Nhờ tài dựng nhà truyền thống, như: duông, moong, gươl… mà trong các sự kiện làm nhà cho cộng đồng, già đóng vai trò như một "công trình sư", đứng ra chỉ bảo thanh niên thi công nhà đúng với từng đường nét xưa cũ. Già cùng một số nghệ nhân, người dân đã phục dựng thành công nhà sàn truyền thống, nhà dài và nhà gươl, cây nêu… nguyên bản tại Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu của H.Đông Giang. Dựng nhà xong, già lại góp sức mình cho cộng đồng bằng những tác phẩm tượng, phù điêu gỗ…

Không chỉ là người chơi thành thạo các nhạc cụ mà chính già Clâu Nhím còn là nghệ nhân có thể chế tác nhiều loại trống, như: ch'gân, par'lư, k'thur hay các loại đàn như abel, h'jưl… Tất cả những nhạc cụ này đều được già Nhím treo trang trọng trong nhà gươl của gia đình, bên cạnh những vật dụng từ nghề đan lát truyền thống, như: gùi, mâm, oi đựng cá… cũng do một tay già chế tác. Nói già Clâu Nhím là "nghệ sĩ đa năng" hẳn không sai chút nào… (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.