Những dấu hiệu nghi vấn trẻ mầm non bị bạo hành

26/04/2024 11:06 GMT+7

Mấy ngày trước, chị B.H, một trong 2 phụ huynh có con bị bạo hành ở lớp mẫu giáo độc lập Tí Bo, TP.Thủ Đức, TP.HCM thấy con bị hoảng loạn, la khóc, ngủ là bị giật mình, la hét. Chị không biết con bị làm sao, cho tới khi toàn thân run lên khi xem được clip con trai mình bị chính cô chủ lớp mẫu giáo bạo hành.

Chủ lớp mẫu giáo Tí Bo bạo hành trẻ em gây phẫn nộ

Chủ lớp mẫu giáo Tí Bo bạo hành trẻ em gây phẫn nộ

CẮT TỪ CLIP

Đâu là những dấu hiệu có thể đặt ra nghi vấn con mình bị bạo hành ở các trường, lớp mầm non? Phụ huynh nên làm gì khi nghi vấn, đâu là những cách có thể bảo vệ con em mình trước các nguy cơ mất an toàn?

4 dấu hiệu phụ huynh nghi vấn trẻ bị bạo hành

Ông Nguyễn Minh Phụng, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý và phát triển kỹ năng New Life, TP.Đà Nẵng cho biết với những trẻ em mầm non đã quen với việc đến trường, ngày thường các con vui vẻ đến trường mà sau đó có một số bất thường về cơ thể, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của các con thì phụ huynh có thể đặt ra các nghi vấn.

  • Thứ nhất, khi đón trẻ về từ cơ sở giáo dục mầm non, phụ huynh thấy con có những vết lạ trên cơ thể như bị bầm, chấn thương ở đâu đó trên cơ thể bé.
  • Thứ hai, tâm lý của bé có nhiều bất thường. Bé đi học về và khóc nhiều, khó chịu, giật mình khi ngủ, gặp ác mộng, khóc trong giấc ngủ, hay bị hoảng sợ, có thể hoảng sợ ngay cả khi ba mẹ nói lớn.
  • Thứ ba, bỗng nhiên sợ cô giáo, sợ đi học, nhắc tới việc đi học thì rất sợ, chỉ muốn ở nhà, đưa trẻ tới trường trẻ quấy khóc, không muốn vào lớp.
  • Thứ tư, bỗng nhiên có thể biếng ăn, không tích cực với các hoạt động. Trong những trường hợp nghi vấn trẻ bị bạo hành nặng, bị stress lâu ngày thì nhắc tới việc đi học, trẻ bỗng nhiên bị sốt cao, bị nôn ói...

Phụ huynh nên làm gì khi thấy những bất thường của con, ở cả sức khỏe thể chất và tinh thần? Ông Nguyễn Minh Phụng cho biết trước tiên phụ huynh hãy dành nhiều hơn sự quan tâm, an ủi con mình, dành nhiều hơn sự ân cần, quan tâm, xoa dịu tâm lý cho con.

Chủ lớp mẫu giáo Tí Bo đánh 2 bé trai

Chủ lớp mẫu giáo Tí Bo đánh 2 bé trai

ẢNH CẮT TỪ CLIP

Sau đó, phụ huynh hãy tìm hiểu, xác minh các nguyên nhân xảy ra những bất thường ở tâm lý, cơ thể của con là xảy ra ở trường lớp mầm non, do con bị bạo hành, hay do con đi chơi với bạn bè gặp các vấn đề... Phụ huynh nên hỏi ngay giáo viên trả trẻ, giáo viên phụ trách lớp về các vết bầm, vết thương trên cơ thể bé, làm việc trực tiếp với nơi trẻ học. Nếu cần hãy tìm gặp cả hiệu trưởng/chủ trường/chủ lớp mầm non được trích xuất các camera ở trong lớp học, khu vực vui chơi của trẻ. Khi thấy các dấu hiệu nghiêm trọng của việc bạo hành, phụ huynh cần liên hệ với các cơ quan chức năng có thể can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ con em mình và cũng là phòng ngừa, bảo vệ các trẻ em khác khỏi nguy cơ mất an toàn.

"Nhiều người lo lắng là nếu trẻ chưa biết nói, không thể nói được, không thể diễn tả được những gì đã xảy ra ở lớp học, trường học thì có khó khăn để phát hiện nguy cơ con bị bạo hành không? Sẽ có khó hơn, tuy nhiên khi phụ huynh quan tâm con, sẽ quan sát các biểu hiện tâm lý, hành vi của con, sẽ có thể phát hiện những thay đổi bất thường trên cơ thể hay trong sinh hoạt của các con", ông Nguyễn Minh Phụng nói.

Lớp mẫu giáo Tí Bo bị đình chỉ hoạt động từ ngày 25.4.2024

Lớp mẫu giáo Tí Bo có giấy phép thành lập, nhưng chủ lớp bạo hành trẻ em. Lớp bị đình chỉ hoạt động từ ngày 25.4.2024

TRANG THƯ

Hãy tìm hiểu kỹ về nơi gửi trẻ

Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh hoàn toàn có thể tìm hiểu và chọn lựa được nơi uy tín gửi con em mình học tập, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời của trẻ vô cùng quan trọng.

Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ trung tâm, cơ sở giáo dục mầm non mà con em mình sắp học tập, can thiệp… có đầy đủ giấy tờ pháp lý hay không, bằng cách tra cứu các giấy phép, quyết định thành lập… trên cổng thông tin điện tử ngành giáo dục TP.HCM. Đồng thời, phụ huynh nên tìm hiểu trực tiếp ở trường vào đầu giờ, giờ trả trẻ, để xem nơi mình sắp gửi con đi học có thật sự yêu thương, quan tâm trẻ hay không.

Hiện nay ngành giáo dục TP.HCM công khai cơ sở dữ liệu của hàng ngàn trường, lớp, nhóm trẻ mầm non khắp thành phố. Chỉ vài thao tác trên thiết bị kết nối internet, phụ huynh dù ở bất cứ đâu có thể xem thông tin về giấy phép, chương trình giảng dạy… của các cơ sở.

Từ vụ bạo hành ở lớp mẫu giáo Tí Bo: Nâng cao nhận thức của giáo viên mầm non

Từ tháng 11.2023, ngành giáo dục TP.HCM công khai thông tin như giấy phép hoạt động, chương trình giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tổng số trẻ… của tất cả trường mầm non công lập và ngoài công lập, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập ở tất cả quận, huyện, TP.Thủ Đức. Dữ liệu được công bố trên cổng thông tin điện tử của ngành giáo dục tại địa chỉ https://hcm.edu.vn/.

Trang web sẽ hiển thị tất cả thông tin cần thiết như: loại hình trường công lập hay tư thục, địa điểm, số điện thoại, tổng số giáo viên/người lao động, tổng số trẻ, chương trình đào tạo, giấy phép hoạt động. Các thông tin hiển thị còn bao gồm cơ sở giáo dục mầm non có giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi hay không, nhận bao nhiêu trẻ...

Với ô "từ khóa", phụ huynh có thể nhập tên trường, lớp mầm non độc lập để tìm kiếm thông tin về giấy phép hoạt động ra sao, số giáo viên, số trẻ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.