Những dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết trở nặng

25/11/2024 04:05 GMT+7

Các dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết trở nặng cần chú ý là chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu... hay tay chân lạnh, tiêu phân đen, rối loạn tri giác, li bì...

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Muỗi vằn là côn trùng trung gian truyền bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời

Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột, liên tục, khó hạ sốt. Các triệu chứng khác là nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, phát ban, đau cơ, đau khớp, đau hố mắt...

"Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau thì cần phải đưa ngay trẻ vào bệnh viện. Các dấu hiệu chuyển nặng bao gồm quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết cần lưu ý gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), một số trường hợp mắc sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên việc theo dõi tại nhà phải cần tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Hạ sốt: Lau mát tích cực. Khi cần hạ sốt bằng thuốc có thể sử dụng Paracetamol theo hướng dẫn bác sĩ. Không tự ý dùng Aspirin hoặc Ibuprofen để hạ sốt.

- Ăn: Thức ăn lỏng, dễ tiêu. Không dùng thức ăn, nước uống có màuđen, đỏ, nâu.

- Uống: Uống nhiều nước để bù vào lượng nước đã mất do sốt cao, ăn uống kém, có thể uống các loại nước dinh dưỡng từ trái cây, sữa để cung cấp thêm vitamin, chất khoáng, năng lượng.

- Tái khám: Theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc ngay khi có dấu hiệu trở nặng.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết trở nặng- Ảnh 1.

Trẻ 4 tuổi sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy đa cơ quan được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

ẢNH: BSCC

Chú ý các dấu hiệu trở nặng

Theo HCDC, giai đoạn hết sốt (thường vào ngày thứ 5 - 7 của bệnh) là giai đoạn bệnh thường tiến triển nặng, cần chú ý theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh:

  • Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn.
  • Có dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiểu ra máu, đi tiêu ra máu hoặc tiêu phân đen, chảy máu âm đạo ở nữ.
  • Tay chân lạnh, hết sốt nhưng vẫn mệt, ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu li bì.
  • Thay đổi tri giác (kích thích, lơ mơ, co giật…).

Khi thấy người bệnh có một trong các dấu hiệu trở nặng trên, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị thích hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.