Các vấn đề thị lực ở trẻ ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi một số vấn đề về mắt có thể được giải quyết bằng cách đeo kính, thì một số vấn đề khác cần được quan tâm hơn.
Cần kiểm tra mắt định kỳ cho trẻ để phát hiện những bất thường - Ảnh: Shutterstock |
Theo Thehealthsite, nếu không chú ý quan sát những bất thường ở mắt của con, con bạn có thể bị đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp hoặc bị các bệnh nguy hiểm khác về mắt.
Tật khúc xạ
Mắt khỏe mạnh thì khi nhìn đồ vật sẽ hiện đúng trên võng mạc của mắt, lúc đó chúng ta nhìn đồ vật thấy rõ nét. Khi mắt bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), tức là mắt có bất thường ở các thành phần quang học (như giác mạc, thể thủy tinh) làm cho ánh sáng đi vào mắt qua các thành phần này không hiện đúng trên võng mạc của mắt, khi đó chúng ta nhìn đồ vật sẽ bị nhòe mờ, nhìn không rõ, nhìn lâu thấy mắt nhức và mỏi.
Lác tiềm ẩn
Nhức đầu và mỏi mắt không chỉ là triệu chứng duy nhất của lỗi khúc xạ. Nếu điều này xảy ra thường xuyên sau khi đọc hoặc xem truyền hình, nó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lác tiềm ẩn hoặc sự mất cân bằng cơ bắp của mắt. Khi nghe trẻ than nhức đầu và mỏi mắt, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để khám.
Khi nghe trẻ than nhức đầu và mỏi mắt, cần đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để khám - Ảnh: Shutterstock
|
Viêm kết mạc dị ứng
Dụi mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt thường là biểu bệnh của viêm kết mạc dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng có thể bùng phát theo mùa, nhưng nếu thấy con quanh năm suốt tháng luôn chà mắt, mắt đỏ rát, sưng nhẹ mi mắt và chảy nước mắt hãy hết sức cẩn thận, vì con bạn có thể đang đứng trước nguy cơ viêm kết mạc dị ứng.
Nhiễm trùng mắt
Mi mắt bị sưng, chảy nước mắt và sợ ánh sáng là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng ở mắt và mí mắt. Đôi khi nhiễm trùng mắt cũng có thể gây sốt.
Sẹo giác mạc
Giác mạc là một mảnh mô mỏng, trong suốt nằm phía trước con ngươi mắt, có nhiệm vụ bảo vệ mắt và góp phần vào hoạt động khúc xạ của mắt. Vì là một lớp rất mỏng, lại là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên giác mạc rất dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut hoặc nấm xâm nhập. Khi giác mạc bị viêm loét sẽ dẫn đến các di chứng và biến chứng như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua và làm giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Ở trẻ em, nếu điều trị chậm trễ có thể dẫn đến nheo mắt và rung giật nhãn cầu (lắc của nhãn cầu).
Tăng nhãn áp bẩm sinh
Theo Thehealthsite, có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong số đó, tăng nhãn áp là nguyên nhân phổ biến, xảy ra khi áp lực trong mắt tăng cao, gây tổn thương các dây thần kinh thị giác. Bệnh tăng nhãn áp ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện triệu chứng rõ ràng trong vài tháng đầu sau khi sinh. Trẻ dường như không muốn mở mắt ngoài ánh sáng, đôi mắt giống như bị một lớp mây mờ bao phủ và thường đẫm lệ. Một số trẻ khác còn có triệu chứng giác mạc mở rộng, hoặc mắt to bất thường. Trong khi đó, đối với trẻ vị thành niên, bệnh tăng nhãn áp thường không có triệu chứng cụ thể. Các trường hợp này chỉ được phát hiện khi trẻ đi khám mắt định kỳ. Nếu thấy con than thở về tình trạng giảm thị lực, mắt mờ dần, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức vì đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh tăng nhãn áp đã bắt đầu trở nặng.
Nháy mắt liên tục
Nếu đã loại trừ trường hợp chủ động nháy mắt liên quan tới tâm lý, nháy mắt bất thường ở trẻ có thể do cơ thể bị mệt mỏi do mất ngủ, do căng thẳng thần kinh, thiếu máu hoặc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, viêm giác mạc... Các bệnh liên quan đến nháy mắt gồm: tổn thương của nhân xám trong não, bệnh nơron thần kinh bị giảm tính trơ đối với dopamine hay cường kích thích bởi dopamine.
Bình luận (0)