Thí điểm rồi...thất bại
Trong chương trình hiện hành, thất bại nặng nề nhất phải kể đến chương trình phân ban ở cấp THPT. Việc thí điểm đã hoàn toàn bị sai lệch khi thí điểm một đằng nhưng triển khai đại trà lại làm một nẻo.
Năm 2003, chương trình phân ban chỉ có 2 ban, dự kiến là ban tự nhiên A (60% học sinh - HS) và ban xã hội C (40% HS). Khi triển khai thực tế, lượng HS theo học ban A chiếm khoảng 90%, trong khi ban C chỉ có 10%. Trước tình hình này, thay vì đến năm 2003 triển khai đại trà chương trình - sách giáo khoa mới đối với lớp 10 theo hướng phân ban thì Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ cho thêm 2 năm nghiên cứu.
Sau 2 năm thí điểm không thành công, Bộ GD-ĐT đã phải trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh chương trình thí điểm phân ban THPT. Theo phương án này, lớp 10 và 11 phân thành 2 ban như hiện nay. Đến lớp 12 sẽ phân ban sâu hơn, thành 4 ban tương ứng với 4 khối thi ĐH: A, B, C, D. Nói cách khác, việc phân ban chỉ nhằm mục đích là ôn thi ĐH. Tuy nhiên, đến khi triển khai đại trà, việc phân ban lại thay đổi hoàn toàn so với thí điểm khi được thiết kế thành 3 ban mới, gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và cơ bản (học theo chương trình “chuẩn” và tự chọn nâng cao theo khối thi ĐH, gọi là cơ bản A, C, D).
Nhận xét về sự thay đổi quá đột ngột của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện phân ban, các chuyên gia giáo dục cho rằng chương trình phân ban qua các lần thí điểm thiếu hẳn một tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt. Do thiếu lập luận khoa học vững chắc nên các nhà thiết kế chương trình vừa làm vừa nghe ngóng kiểu “đẽo cày giữa đường” và thất bại là điều được báo trước.
tin liên quan
Sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức với giáo viênBộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn.
Không đạt được mục tiêu
Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (đề án 2020) với tổng kinh phí được phê duyệt là 9.378 tỉ đồng, nhưng mới đây cũng được chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận trước Quốc hội là đã không đạt được mục tiêu, dù đây là chủ trương có tính chiến lược của những lãnh đạo tiền nhiệm.
|
Tuy nhiên, đến năm 2016, cả nước mới có hơn 1,6 triệu HS lớp 3, 4 và 5 trên tổng số gần 7,8 triệu HS được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Còn lại chủ yếu mới chỉ học dưới dạng “làm quen” với thời lượng 2 tiết/tuần. Như vậy, so với mục tiêu đến năm 2020 phải có 100% HS lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm vẫn còn quá xa vời, khi mà thời điểm năm 2016 mới có khoảng hơn 20% HS khối lớp này được học chương trình tiếng Anh 10 năm.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng đề án 2020 không đạt được mục tiêu có nguyên nhân là do một số mục tiêu của đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ của cả nước. Việc triển khai đề án được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, trong khi đó có sự khác biệt lớn về nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ giữa các vùng, miền và cơ sở đào tạo. Quy mô người học rất lớn, trong khi năng lực và nghiệp vụ sư phạm của người dạy ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu...
tin liên quan
Vì sao lớp 1 đại trà, lớp 6 và 10 lại thí điểm?Như Thanh Niên đã đưa tin, kiến nghị mới nhất từ Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới là chỉ triển khai đại trà ở lớp 1 và thí điểm đối với lớp 6, lớp 10 từ năm học 2018 - 2019.
Chưa rõ hồi kết
Trường học mới, chương trình công nghệ giáo dục là những mô hình giáo dục đang được thực hiện thí điểm với quy mô rất rộng nhưng vẫn không thấy bóng dáng trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được xin ý kiến đóng góp.
Mô hình trường học mới (VNEN) được Bộ GD-ĐT thí điểm từ năm học 2011 - 2012 ở 6 tỉnh. Ngày 9.1.2013, Chính phủ đã ký hiệp định với Tổ chức Hợp tác giáo dục toàn cầu tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới; UNESCO tại VN là Cơ quan giám sát dự án VNEN ở VN. Dự án này được triển khai từ tháng 1.2013 đến 31.5.2016 tại 1.447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành. Sau hơn 3 năm triển khai, đã có 54 tỉnh, thành triển khai nhân rộng áp dụng mô hình tại 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Số trường tiểu học tự nguyện đã gấp 2 lần số trường trong dự án. Dự án kết thúc vào cuối tháng 5.2016, ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường.
Lúc bấy giờ, chính nhà trường và ngành GD-ĐT ở các địa phương thực hiện VNEN cũng lo ngại vì khi dự án kết thúc thì cũng đồng nghĩa với việc những thí điểm đổi mới giáo dục khi thực hiện mô hình này lại “đứt gánh giữa đường”. Hướng dẫn triển khai mô hình trường học mới tại VN ở tiểu học từ năm học 2016 - 2017 của Bộ GD-ĐT ngày 30.3.2016 nêu rõ: Bộ sách giáo khoa của mô hình này sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trở thành một trong những bộ sách phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng chính thức từ năm học 2018 - 2019. Văn bản này được xem là một động thái để tiếp tục duy trì mô hình VNEN ở các địa phương dù dự án và kinh phí cấp cho mô hình này đã kết thúc.
tin liên quan
Học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày từ năm 2018: Khó thực hiện ngay ở thành phố lớnKhó khăn, đó là khẳng định của phần lớn lãnh đạo ngành giáo dục ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM về đề xuất triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đối với lớp 1 từ năm học 2018 - 2019.
Tuy nhiên, từ năm học 2016 - 2017, khi dự án kết thúc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nghỉ hưu, một số địa phương như Hà Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An... đã xin dừng không nhân rộng hoặc không tiếp tục thực hiện VNEN.
Lý giải điều này, PGS Nguyễn Hữu Hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng dù mô hình này có tuyệt vời đến mấy mà tính khả thi thấp thì cũng giảm giá trị bởi nó chưa phù hợp với điều kiện thực hiện ở nhiều trường VN hiện nay. Do đó, ngẫu hứng làm đại trà thì thất bại là điều có thể thấy trước.
Tiếp quản Bộ GD-ĐT vào lúc dự án VNEN vào giai đoạn kết thúc, sau khi tìm hiểu thực tiễn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định mô hình có nhiều điểm tích cực tuy nhiên việc áp dụng chưa thực sự phù hợp điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp khó khăn. Do chưa nhận thức đầy đủ, chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình máy móc; việc triển khai nóng vội... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận. Từ đó, Bộ GD-ĐT không đặt ra bất cứ yêu cầu nào mang tính bắt buộc với các địa phương trong thực hiện mô hình này, chỉ dừng lại ở mức khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai tiếp tục trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của HS. Những cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện...
Một vấn đề lớn đặt ra là nếu những mô hình được triển khai với quy mô quá rộng như VNEN, công nghệ giáo dục thì có còn là thí điểm nữa hay không? Nếu sau này chương trình VNEN được thực hiện thì những mô hình, phương pháp giáo dục ấy sẽ tiếp tục ra sao hay thí điểm trên diện rộng, áp dụng với hàng vạn HS rồi lại bỏ đi, không có hồi kết, không đánh giá, không ai nhận trách nhiệm?
tin liên quan
Đề tham khảo thi THPT quốc gia có nội dung kiến thức sai sót, lạc hậuTheo thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên Trường Đại học Đồng Nai, đề tham khảo môn địa lý mà Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố có nội dung kiến thức sai sót, lạc hậu.
Bình luận (0)