Nguyên khu xóm cũng được khoác lên áo mới với nhà cửa được quét dọn mới hơn, có nhà được sơn lại, nhà nhà dán những câu đối, liễn, hầu như nhà nào cũng có cây quýt hoặc cây mai, nhiều nhà mở đĩa hoặc băng video nghe nhạc tết rộn vang cả xóm.
Đến hẹn lại lên, khi xong bữa cơm chiều, tôi lại cùng với những người bạn trong xóm - cũng là những người bạn học cấp 2, tụ tập ở một quán nước quen thuộc. Chúng tôi cứ ngồi trò chuyện và nhìn dòng xe hối hả chạy về hướng Q.1 - cũng là điểm đến của chúng tôi, mỗi năm chúng tôi luôn hẹn nhau đi coi pháo hoa.
Đúng 22 giờ, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Q.5 ra Q.1. Hồi đó dòng xe máy phổ biển là Honda Cub 50, Honda 67... chúng tôi thì vẫn đi trên những chiếc xe đạp, phân công ai chở ai trên chiếc xe đạp gắn liền chữ “tình bạn”. Đến bây giờ vẫn thế, tình bạn vẫn thắm thiết, mới thấy được Sài Gòn luôn chan chứa tình cảm, ở đó tồn tại một tình bạn khó phai.
Q.1 đông người quá, xe hơi, xe máy không nhiều; xe đạp, xích lô là những phương tiện thường thấy trên đường, kết hợp với nhiều người đi bộ, khó khăn lắm chúng tôi mới vào được đường Lê Lợi. Hồi đó không nhiều tòa cao tầng, ở đường Lê Lợi đã có thể xem được pháo hoa bắn lên từ Bến Nhà Rồng.
|
Đông người là thế, nhưng không ai thấy mệt mỏi, cảm giác háo hức chờ đợi đón khoảnh khắc giao thừa sẽ rất tuyệt vời. Đúng 0 giờ, pháo hoa được bắn lên trong tiếng reo hò, vỗ tay của mọi người. Ai ai cũng ước nguyện cuộc sống trong năm mới sẽ luôn nở hoa, tâm hồn luôn vui tươi, luôn mỉm cười, không âu lo, như chính những niềm vui trong thời khắc đêm giao thừa này vậy.
15 phút trôi nhanh thật, nhưng cũng đủ mãn nhãn. Chúng tôi chờ dòng người về bớt rồi mới đi tiếp. Khoảng 1 giờ, chúng tôi mới bắt đầu rời Q.1, về lại Q.5, điểm đến kế tiếp là những ngôi chùa. Sài Gòn hồi ấy sau 22 giờ đường phố vắng vẻ, thế mà đêm giao thừa đã hơn 1 giờ khuya, đường phố vẫn tấp nập dòng người, dòng xe.
Những ai có xe máy thường thì đi chùa Bà ở tận Thủ Dầu Một, chúng tôi thì đi mấy ngôi chùa Q.5 như chùa Bà, chùa Ông, chùa Quan Đế, chùa Quan Âm, chùa Nhị Phủ... Thực chất gọi là miếu mới đúng, nơi thờ những vị thần dân gian của người Hoa, nhưng mọi người vẫn thường gọi là chùa. Nhiều người cũng như chúng tôi, coi pháo hoa xong là về đi chùa, hoặc đi sau khi ở nhà cúng giao thừa (không có coi pháo hoa). Chùa đêm giao thừa nhộn nhịp, kéo dài đến hết mùng 1, đi chùa để cầu mong một năm mới bình an, làm ăn thuận lợi. Đa số người đi chùa đều thỉnh một cây nhang to mang về, người trước chạy xe chở người sau cầm nhang, người chạy xe rất ý thức, xe chạy chầm chậm để những tàn nhang không văng mạnh ra sau gây nguy hiểm cho những xe phía sau. Những ngôi chùa đó sát nhau, đi xong chùa này có thể đi bộ sang chùa khác, đông như hội, rộn ràng cả một khu đường. Người Sài Gòn có thói quen đi chùa sau thời điểm giao thừa, đó là thời khắc thiêng liêng, có gia đình đi khuya để sáng đi những ngôi chùa xa hơn như tận Thủ Đức, Bình Dương chẳng hạn. Đi chùa sau thời khắc giao thừa trở thành nét văn hóa, hình ảnh không thể thiếu mỗi dịp xuân về, góp phần tô điểm thêm nét đặc trưng của Sài Gòn.
Năm nào cũng như thế, chúng tôi luôn nhớ những khoảnh khắc đáng nhớ của giao thừa. Những người xa xứ, vì nhiều lý do khác nhau, họ ở lại Sài Gòn đón tết, cùng Sài Gòn sống trong những khoảnh khắc đẹp nhất…
|
Bình luận (0)