>> Kỳ 5: Khu lăng mộ bí ẩn
>> Kỳ 4: Tường thành cổ dưới biển
>> Kỳ 3: Chuyện liêu trai trong ngôi chùa cổ
|
Người dân Bình Định quen gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi. Những dấu tích về ông Núi ngày nay chỉ còn lại ngôi mộ tháp và hang Tổ ở sau chùa Linh Phong. Hang Tổ nằm sát mép suối, đá tự nhiên che kín cả 3 mặt như một ngôi nhà. Tương truyền rằng đây chính là hang đá mà ngày xưa ông Núi từng ở, từng ngồi niệm kinh tụng Phật. Phật tử đã tạo dựng tượng ông Núi và các vị Phật để thờ tại chùa. Theo ông Võ Hợi (67 tuổi, ở thôn Phương Phi), người được giao việc trông coi hang Tổ, ông Núi rất hiển linh nên ngày nào cũng có người đến dâng hương, cầu xin sức khỏe, tài lộc, học hành... Hằng năm, vào ngày 25 và 26 tháng giêng âm lịch, chùa Linh Phong có lễ hội lớn, hàng ngàn du khách đến hang Tổ để cầu khấn.
“Ông bà chúng tôi kể lại rằng, khi còn sống, hằng ngày ông Núi vào rừng đốn củi, bó thành bó lớn rồi vác xuống núi đặt bên đường. Người qua đường biết đó là củi của ông Núi nên đem rau gạo đến đổi. Ông Núi xuống lấy gạo, rau quả rồi đi mà chưa từng đối đáp với ai về việc đổi chác ít hay nhiều. Mỗi ngày ông ăn đúng 2 lon gạo, nếu đổi được nhiều thì ông đem cho người khác chứ không giữ lại. Ông Núi còn hái thuốc và chữa bệnh cho nhiều người dân trong vùng”, ông Võ Hợi kể.
|
Những câu chuyện về ông Núi và chùa Linh Phong cũng được ghi chép trong các tư liệu như: Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, bài Linh Phong tự ký của Đào Tấn (1845 - 1907), Mộc Y tử thuyết của Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)... Theo bài Linh Phong tự ký, năm 1702 tại vùng núi thôn Phương Phi có người tu hành là Mộc Y Sơn Ông (người dân gọi là ông Núi) kết vỏ cây làm áo, mùa đông hay mùa hạ vẫn mặc như thế, ung dung sống bên sườn núi, trong hang đá. Nhà tu hành này có tên Lê Ban, người Trung Quốc. Nhà sư Lê Ban ở vùng núi thôn Phương Phi được vài năm thì xây dựng một am nhỏ tên Dũng Tuyền tự để tu hành.
Đến năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chú khen Sơn Ông là bậc chân tu, sai trùng tu Dũng Tuyền tự và đặt tên chùa là Linh Phong, ban cho ông pháp hiệu Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư. Năm 1741, chúa Nguyễn Phúc Khoát triệu Sơn Ông vào kinh để hỏi về giáo lý đạo Phật. Ông ở kinh gần một tháng thì về và được chúa ban một bộ áo cà sa có vòng ngọc móc vàng làm pháp phục. Ông mất năm 1785 dưới thời Tây Sơn.
Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có ghi chép những lần triều đình cấp kinh phí trùng tu chùa Linh Phong vào thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thành Thái. Vào thời Minh Mạng, một hôm nhà vua bị bệnh, vừa chợp mắt thì mộng thấy một vị sư già mặc áo vỏ cây đứng bên giường hầu quạt, đến sáng thì khỏi bệnh. Khi ngự triều, nhà vua đem giấc mộng hỏi các quan, có người tâu rằng vị sư già đó là Mộc Y Sơn Ông ở chùa Linh Phong. Vua Minh Mạng ban cho chùa này một chiếc áo cà sa mới để thờ, đồng thời cấp 120 lượng bạc để trùng tu lại chùa. Đó là vào năm 1826.
Thắng cảnh nổi tiếng
Năm 1965, chùa Linh Phong bị thiêu rụi hoàn toàn do chiến tranh. Đến năm 1994, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định cử hòa thượng Huệ Quang làm trụ trì chùa Linh Phong và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay. “Khi chúng tôi đến chùa Linh Phong lần đầu tiên chỉ thấy toàn cỏ dại, những đồ vật của chùa ngày xưa không cháy cũng bị kẻ gian lấy cắp. Phật tử phải phát dọn rất nhiều thời gian mới có được con đường lên chùa, nền chùa và dấu vết 18 mộ tháp của các trụ trì đời trước mới lộ ra”, hòa thượng Huệ Quang cho biết.
Dù vậy, những tư liệu cũ để lại đều khẳng định chùa Linh Phong từng là danh thắng trước khi bị phá hủy. Sách Đại Nam nhất thống chí miêu tả: “Như chùa này (chùa Linh Phong - PV), lưng dựa non cao, mặt trông ra đầm Hải Hạc (nay gọi là đầm Thị Nại). Gần chùa có suối trong lượn quanh, vị nước vừa ngọt vừa mát lạnh, cỏ hoa xinh đẹp, cảnh trí u nhã kỳ bí, cũng là cảnh đẹp đáng xem của một phương vậy”.
Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục (triều Nguyễn) chép: “Mây lành khắp chốn, chùa Linh Phong bao bọc hoa tươi” và có câu đối bằng chữ Hán, dịch ra như sau: Bờ biển dấy duyên lành, mưa móc khắp trời nhuần đẹp đất/Linh Phong ngưng khí tốt, mây lành mọi chốn phủ nhân gian.
Ngày nay, di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Linh Phong là điểm viếng Phật, ngắm cảnh của rất nhiều người dân tỉnh Bình Định và du khách. Từ chân núi Bà, phải đi bộ qua hàng trăm bậc đá mới đến được chùa. Từ chùa Linh Phong, có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi, xa hơn là đầm Thị Nại bên cạnh TP.Quy Nhơn.
Hoàng Trọng
Bình luận (0)