Những điểm nhấn của bóng đá Đông Nam Á năm 2018

03/01/2018 15:40 GMT+7

Với chuyển động đầy tích cực của bóng đá khu vực Đông Nam Á từ cuối năm 2017, được kênh FOX Sports khu vực châu Á dự báo trong năm 2018 sẽ còn nhiều điều hứa hẹn đáng chờ đợi nữa.

[VIDEO] NHỮNG SỰ KIỆN BÓNG ĐÁ NỔI BẬT TRONG NĂM 2017 

“Bộ ba” dự VCK U.23 châu Á

Lần đầu tiên kể từ khi vòng chung kết (VCK) giải U.23 châu Á ra đời hồi năm 2013 đến nay, khu vực Đông Nam Á đã có đến 3 đội góp mặt là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Nếu tính thêm Úc cũng là thành viên LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), thì khu vực được xem là “vùng trũng” của bóng đá thế giới và châu Á đã có đến 4 đội góp mặt.

Cũng tại giải U.23 châu Á, hai đội U.23 Việt Nam và Thái Lan lần này góp mặt ở VCK năm 2018 là lần thứ 2 liên tiếp sau kỳ năm 2016 ở Qatar.

Tuyển U.23 Việt Nam (áo đỏ) nằm bảng đấu nặng ký, nhưng được kênh FOX Sports đánh giá có thể gây bất ngờ lớn Chụp màn hình

VCK U.23 châu Á 2018 diễn ra ở Trung Quốc từ ngày 9 đến 27.1 với tổng cộng 16 đội có mặt ở VCK. Với các đại diện khu vực Đông Nam Á, U.23 Việt Nam rơi vào bảng D rất nặng ký khi có mặt U.23 Úc, Hàn Quốc và Syria. U.23 Malaysia cũng rơi vào bảng C hết sức khó khăn với 3 đối thủ đều đến từ khu vực Trung Đông là Ả Rập Xê Út, Jordan và Iraq. Còn U.23 Thái Lan nằm ở bảng B tương đối dễ thở một chút với Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Palestine.

Theo FOX Sports đánh giá, các đội khu vực Đông Nam Á bị đánh giá dưới cơ xa so với các đối thủ cùng bảng, nhưng ngoài Thái Lan có thể có hy vọng tranh chấp vé đi tiếp, thì U.23 Việt Nam và Malaysia chỉ hy vọng tạo bất ngờ nào đó.

Dù thế nào, thì việc có đến 3 đội ở khu vực Đông Nam Á góp mặt ở VCK U.23 châu Á diễn ra ngay đầu năm 2018 cho thấy đã có nhiều nét tích cực, theo kênh FOX Sports cho biết thêm.

“Hương vị Đông Nam Á” lan tỏa các giải VĐQG khu vực

Khó có thể hình dung được là đến năm 2018 đã có sự giao thoa giữa các nền bóng đá trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, đáng kinh ngạc là đã có nhiều cầu thủ từ Myanmar hay Campuchia chuyển sang các giải VĐQG khu vực thi đấu. Như chân sút Aung Thu của Myanmar sang CLB Police Tero của Thai League, hay ngôi sao số 1 của bóng đá xứ chùa Tháp Chan Vathanaka sang Malaysia thi đấu cho CLB Pahang.

Aung Thu (trái) của Myanmar đến Thai League thi đấu Chụp màn hình

Với 2 giải VĐQG trong khu vực là Thai League và Malaysia Super League (MSL) cho thêm suất cầu thủ Đông Nam Á thi đấu, đã làm cho các giải đấu khu vực này có thêm “hương vị Đông Nam Á” bên cạnh các ngoại binh truyền thống từ châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ.

Ngoài Aung Thu và Chan Vathanaka, các giải Thai League và MSL còn tuyển mộ thêm nhiều sao khu vực khác như Hariss Harun, Evan Dimas (Indonesia), Kyaw Ko Ko (Myanmar), Thierry Chantha Bin (Campuchia) hay Hoàng Vũ Samson từ Việt Nam.

Sự thay đổi của Thai League và MSL đang tác động mạnh tới các giải khác trong khu vực như Liga 1 (Indonesia), S.League (Singapore) và V.League 1 (Việt Nam) cũng sẽ sớm theo trào lưu này để nâng dần sự hấp dẫn của các giải VĐQG khu vực.

Bóng đá Thái Lan lên tầm châu Á?

Năm 2018 được dự báo nền bóng đá châu lục sẽ ghi nhận sự lớn mạnh và đạt tầm châu Á của bóng đá Thái Lan. Việc gần đây nhiều cầu thủ hàng đầu Thái Lan như Chanathip Songkrasin hay Teerasil Dangda khẳng định được chỗ đứng khi đến chơi ở giải VĐQG hàng đầu châu Á là J League 1 (Nhật Bản) cho thấy, chất lượng cầu thủ Thái nay đã đạt tầm châu lục đủ sức cạnh tranh và chứng tỏ mình ở các môi trường thi đấu khắc nghiệt hơn.

Các CLB Thái Lan như Muangthong United (phải) nay đấu ngang ngửa với nhiều CLB mạnh châu lục Chụp màn hình

Ngoài ra, các CLB Thái Lan như Buriram United đã thi đấu không thua kém bất cứ CLB mạnh nào từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc ở giải AFC Champions League. Nhờ đó, giải Thai League nay có đến 3 đại diện thi đấu ở AFC Champions League, ngoài Buriram United vào thẳng vòng bảng thì Muangthong United và Chiangrai United sẽ thi đấu từ vòng loại thứ 2 tranh suất vào vòng play-off.

Và giải AFF Cup trở lại

Đây là giải đấu được chờ đợi nhất của bóng đá khu vực Đông Nam Á trong năm 2018. Giải AFF Cup 2018 diễn ra từ ngày 8.11 đến 15.12 và có sự thay đổi về thể thức thi đấu, khi sẽ có 1 trận play-off giữa Brunei và Đông Timor để chọn 1 đội đi tiếp cùng 9 đội khu vực còn lại thành 10 đội vào VCK được chia thành 2 bảng.

Tuyển Việt Nam (giữa) kỳ vọng sẽ vô địch AFF Cup 2018 sau nhiều lần lỡ hẹn kể từ lần đăng quang năm 2008 Chụp màn hình

Ở vòng bảng các đội thi đấu theo thể thức sân nhà sân khách theo bốc thăm, hai đội đầu mỗi bảng vào bán kết rồi tranh chung kết theo thể thức cũ. Tuy nhiên, theo FOX Sports giải AFF Cup năm nay hấp dẫn vì các đội tuyển như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Indonesia hay Singapore đều mạnh lên do có nhiều cầu thủ chinh chiến các đấu trường lớn như vòng loại Asian Cup, Olympic hay Việt Nam có lứa U.20 dự World Cup…

tin liên quan

Năm 2018: Khi cầu thủ Đông Nam Á cởi bỏ tâm lý 'ao nhà'
Ngày nay, giới cầu thủ ở khu vực Đông Nam Á xem việc chuyển đổi môi trường thi đấu là điều hết sức bình thường, và là cơ hội để phát triển nghề nghiệp cũng như sẽ nhận những mức lương cùng các bản hợp đồng quảng cáo có giá trị hậu hĩnh. 

Vì thế, ở AFF Cup 2018 sẽ là dịp để những cầu thủ từng chinh chiến ở đấu trường đẳng cấp trên có cơ hội thi thố tài năng cho khán giả nhà chiêm ngưỡng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.