Năm 2024, Liên Hiệp Quốc xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam đạt 0,7709 điểm, tăng 15 bậc từ hạng 86 của thế giới lên hạng thứ 71. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này của Việt Nam được chuyển từ mức cao lên rất cao. Song song với những ghi nhận của thế giới, năm qua Việt Nam cũng ban hành loạt chiến lược, chính sách công nghệ mới, tạo đà quan trọng cho cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Tắt sóng 2G, thương mại hóa 5G
Một trong những sự kiện công nghệ nổi bật nhất trong năm qua là việc dừng phục vụ thuê bao sử dụng điện thoại 2G từ 0 giờ ngày 16.10. Từ đây, tất cả thuê bao 2G Only không thể kết nối mạng di động, gọi điện, nhắn tin. Việc này ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng trên cả nước, do đó nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng.
Để hỗ trợ người dùng, các nhà mạng đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi, thu cũ điện thoại 2G, đổi mới smartphone 4G, giảm giá điện thoại để đảm bảo việc liên lạc của người dân không bị gián đoạn. Sau giai đoạn ngừng phục vụ thuê bao 2G Only, đến tháng 9.2026, Việt Nam sẽ dừng toàn bộ mạng 2G, dành tài nguyên cho 4G và 5G.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: 'Tắt sóng 2G, nhà mạng sẽ phải bù máy 3G, 4G cho bà con'
Song song với việc tắt sóng 2G, Việt Nam cũng đã chính thức thương mại hóa 5G. Việc đấu giá băng tần được phê duyệt từ đầu năm, ba nhà mạng lớn là Viettel, VinnaPhone và MobiPhone đã chi hơn 12.000 tỉ đồng để sở hữu các tần số. 6 tháng sau khi có giấy phép kinh doanh dịch vụ 5G, các nhà mạng đã bắt đầu kế hoạch thương mại hóa, cung cấp các dịch vụ dùng thử miễn phí và gói cước 5G cho người dùng.
Việc thương mại hóa 5G không chỉ đặt nền móng quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia mà còn rút ngắn khoảng cách viễn thông của Việt Nam với thế giới, tạo tiền đề để tự chủ công nghệ, sẵn sàng song hành cùng quốc tế trong những xu hướng công nghệ mới.
Ban hành chiến lược quốc gia về bán dẫn
Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội trong chuỗi chuyển dịch bán dẫn toàn cầu. Ngày 21.9.2024, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Thay vì chỉ hoạch định cho giai đoạn 5 năm như hầu hết quốc gia, Chính phủ đã đưa ra lộ trình dài hơi đến 2030, tầm nhìn 2050. Ngành bán dẫn Việt Nam cũng đi theo công thức riêng là C = SET + 1. Trong đó, "+1" để nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Chiến lược bán dẫn quốc gia không chỉ mở đường để thu hút đầu tư của các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới như NVIDIA, Intel, Samsung... mà còn tạo động lực quan trọng, thúc đẩy các công ty công nghệ trong nước như Viettel, FPT mạnh dạn đầu tư R&D, chủ động thiết kế, sản xuất những con chip đầu tiên.
Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam có thể trở thành quốc gia thuộc nhóm đầu thế giới về bán dẫn, điện tử, có thể làm chủ nghiên cứu, hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử.
Trình dự luật công nghiệp công nghệ số và chiến lược Blockchain quốc gia
Ngày 8.10.2024, dự luật Công nghiệp công nghệ số được trình Quốc hội xem xét, đánh dấu lần đầu tiên tài sản số chính thức được đưa vào văn bản, được pháp luật bảo hộ. Hai tuần sau, Chính phủ chính thức ban hành Chiến lược Blockchain quốc gia, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
Giới chuyên gia nhận định hai văn bản này sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc để thúc đẩy ngành công nghiệp Blockchain non trẻ nhưng nhiều tiềm năng mà Việt Nam đang có lợi thế dẫn đầu.
47 triệu USD bị hack trên nền tảng Blockchain Việt Nam
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng 20 thương hiệu Blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về Blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.
Để đạt những mục tiêu trên, Chính phủ cũng đưa ra 5 hành động cụ thể gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp Blockchain; Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực Blockchain; Thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain; Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.
Xác thực sinh trắc học và định danh tài khoản mạng xã hội
Một trong những thay đổi lớn về công nghệ trong năm qua tại Việt Nam là quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về việc xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng mỗi lần hoặc trên 20 triệu mỗi ngày.
Ban đầu, yêu cầu cập nhật sinh trắc học trên quy mô cả nước gây ra nhiều lúng túng về mặt công nghệ, nhiều hệ thống ngân hàng thậm chí bị gián đoạn vì quá tải. Việc xác thực danh tính qua công nghệ mới như NFC trên điện thoại cũng khiến người dùng gặp khó khăn. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay việc xác thực bằng khuôn mặt cơ bản đã thành công.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1.1.2025, người dùng sẽ không thể thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán online trên tài khoản thanh toán nếu chưa hoàn thành việc cập nhật giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học.
Việc xác thực tài khoản sau đó cũng được mở rộng trong việc quản lý, cung cấp, sử dụng internet được quy định trong Nghị định 147 của chính phủ. Theo đó, từ 25.12, chỉ tài khoản mạng xã hội đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được đăng bài, bình luận, livestream.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung, thông tin của nền tảng cung cấp dịch vụ mạng xã hội là người có quốc tịch Việt Nam, có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng, liên hệ được.
Nhà cung cấp dịch vụ phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ vào thời điểm bất kỳ.
Về điều kiện kỹ thuật, các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP người dùng dịch vụ và nhật ký xử lý thông tin đăng tải phải lưu trữ tối thiểu trong hai năm. Khi hết thời gian lưu trữ theo quy định của pháp luật phải xóa thông tin của người dùng dịch vụ tại Việt Nam.
Việc xác thực sinh trắc học với tài khoản ngân hàng và định danh tài khoản mạng xã hội được xem là công cụ quan trọng để giảm thiểu tình trạng lừa đảo qua mạng ngày một tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Bình luận (0)