Sáu đám cháy rừng xảy ra cùng lúc đã tàn phá các khu phố của hạt Los Angeles kể từ ngày 7.1, đã giết chết ít nhất 10 người và phá hủy gần 10.000 công trình. Những con số này dự kiến sẽ còn tăng lên, theo Reuters.
Sau vụ cháy rừng khủng khiếp ở Los Angeles, nhiều cư dân cảm thấy bị bỏ rơi
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid (CMS) thuộc chính phủ Mỹ có nhiều sự linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe khẩn cấp của những người tham gia các chương trình bảo hiểm Medicare và Medicaid, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS).
HHS cho biết thêm Cơ quan Chuẩn bị và Ứng phó Chiến lược (ASPR) của bộ này đã sẵn sàng triển khai lực lượng ứng phó, cùng với thiết bị và vật tư y tế nếu California yêu cầu.
Hôm 8.1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố vụ cháy rừng nói trên là một thảm họa lớn và chính phủ sẽ hoàn trả 100% chi phí phục hồi trong 6 tháng tới. Đến ngày 10.1, ông Biden đã nhắc lại lời cam kết cung cấp cho California các nguồn lực cần thiết để chống lại các đám cháy và tái thiết.
Áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm
Ngoài ra, Cảnh sát trưởng hạt Los Angeles Robert Luna ngày 10.1 thông báo lệnh giới nghiêm ban đêm đã được áp dụng tại các khu vực thảm họa do các đám cháy tàn phá. "Mọi người không được phép ở trong những khu vực bị ảnh hưởng này. Nếu ở đó, bạn sẽ bị bắt giữ. Chúng tôi thực hiện lệnh này để bảo vệ các công trình, những ngôi nhà mà mọi người đã rời đi vì chúng tôi đã ra lệnh cho họ rời đi", ông Luna phát biểu tại một cuộc họp báo.
Người gốc Việt ở Los Angeles 'đây là vụ cháy rừng tồi tệ nhất'
Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng tại các khu vực cháy rừng Pacific Palisades và Eaton, được đưa ra khi nỗi lo về nạn cướp bóc ngày càng gia tăng, với một số cư dân tổ chức tuần tra đường phố và canh gác có vũ trang tại nhà riêng của họ.
"Lệnh giới nghiêm này sẽ được thực thi một cách nghiêm ngặt và được thực hiện để tăng cường an toàn công cộng, bảo vệ tài sản và ngăn chặn mọi vụ trộm cắp hoặc cướp bóc trong khu vực mà cư dân đã sơ tán", ông Luna nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo bất kỳ ai vi phạm lệnh giới nghiêm đều có thể bị xử tù.
"Không có lời nào"
Nhiều cư dân Pacific Palisades đã mạo hiểm quay trở lại khu phố bị tàn phá của họ bị sốc khi thấy nhà mình chỉ còn những đống đổ nát cháy đen, các xác xe cong queo và khói cay nồng nặc trong không khí, theo Reuters ngày 10.1.
"Tôi không thể mô tả được. Tôi không có lời nào để diễn tả", bác sĩ Kelly Foster (44 tuổi) nói khi cô lục lọi đống đổ nát, nơi ngôi nhà của cô từng tọa lạc.
Cháy rừng kinh hoàng ở Los Angeles (Mỹ): Người dân thấp thỏm lo di tản
Ngoài ra, bà Denise Doss (63 tuổi) cho hay trước đó giới chức đã ngăn bà kiểm tra ngôi nhà ở khu Altadena mà bà sống chung với người cha 86 tuổi, với lý do là nguy cơ cháy và đường ống dẫn khí có thể bị vỡ.
Một cư dân khác của Altadena đang lấy đồ tiếp tế là ông Everett Wilson (78 tuổi) cho hay ngôi nhà của ông đã thoát khỏi đám cháy nhưng ông lo lắng về những kẻ cướp bóc: "Tôi chỉ không muốn ai đó lấy đồ của tôi".
Trong khi đó, các tin nhắn sơ tán sai được gửi bởi hệ thống cảnh báo tự động đã làm căng thẳng thêm sự lo lắng của người dân Los Angeles. Giới chức đã tuyên bố sẽ khắc phục vấn đề.
Hàng chục ngàn ngôi nhà trong khu vực cũng không có điện và chất lượng không khí là mối quan tâm lớn, theo Reuters.
Bắt đầu kiểm soát được hai đám cháy lớn
Các lính cứu hỏa ngày 10.1 đã bắt đầu kiểm soát được hai đám cháy rừng lớn ở phía đông và phía tây Los Angeles khi những cơn gió dữ dội làm bùng phát đám cháy trong nhiều ngày cuối cùng đã dịu đi, theo Reuters.
Các lính cứu hỏa đã báo cáo tiến triển trong việc ngăn chặn đám cháy Palisades ở rìa phía tây của thành phố Los Angeles và đám cháy Eaton ở chân đồi phía đông của khu đô thị rộng lớn này.
Sau nhiều ngày bùng cháy ngoài tầm kiểm soát, nhờ nỗ lực của hàng trăm lính cứu hỏa dập tắt đám cháy từ trên không và trên mặt đất, đám cháy Palisades và Eaton hiện đang dần được khống chế. Dù vậy, các đám cháy đã thiêu rụi tổng cộng hơn 13.700 ha, gấp 2,5 lần diện tích đất của quận Manhattan thuộc thành phố New York (Mỹ).
"Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để kiểm soát tình hình và đã có báo cáo thành công. Chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ có khả năng đối mặt sức gió gia tăng vào đầu tuần tới nên Los Angeles đã chuẩn bị đối phó và làm mọi thứ có thể để cứu mạng người, đó là nhiệm vụ số 1 của chúng tôi", Thị trưởng Los Angeles Karen Bass phát biểu tại một cuộc họp báo.
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) của Mỹ, tình hình ở khu vực Los Angeles sẽ được cải thiện trong suốt cuối tuần, với sức gió duy trì chậm lại còn khoảng 32 km/giờ, với sức giật từ 56-80 km/giờ, sau những cơn gió giật gần đây lên tới 128,7 km/giờ.
"Không có gió giật, điều đó sẽ giúp lính cứu hỏa", nhà khí tượng học NWS Allison Santorelli cho hay. Tuy nhiên, bà Santorelli lưu ý rằng các điều kiện vẫn rất nguy cấp với độ ẩm thấp và thảm thực vật khô. Bà cho biết thêm xa hơn về phía nam tại thành phố San Diego, gió sẽ mạnh lên, với sức gió liên tục 64,3 km/giờ và giật lên tới 112,6 km/giờ, tạo ra điều kiện cháy nguy hiểm ở đó vào cuối tuần.
Bình luận (0)