Lê Huyền (24 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ) quyết tâm thay đổi môi trường sống để được khám phá thiên nhiên nhiều hơn. Đầu tháng 3.2023, Huyền bỏ công việc ổn định, cắt tóc ngắn và bắt đầu một cuộc sống mới tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, cách đất liền 120 km.
Chuẩn bị về tài chính và tìm hiểu các nguồn tạo ra thu nhập
Trước đây việc di chuyển ra đảo khá khó khăn nhưng hiện nay chỉ cần đi tàu cao tốc từ Phan Thiết khoảng hơn 2 giờ đồng hồ là đã có thể đến được Phú Quý. Đảo được phủ đầy bởi cây cối, nên không khí quanh năm mát mẻ, dễ chịu.
Để có được quyết định ra đảo Phú Quý sống, trong một năm, Huyền đã đến đảo 2 lần và có rất nhiều trải nghiệm để tìm hiểu về đảo. "Mình quyết định ra đảo này sống vì muốn khám phá nhiều hơn. Trên đảo có rất nhiều hoạt động mà mình yêu thích, nào là lặn biển, đi bắt ốc, bắt nhum, đi câu cá, câu mực…", Huyền thích thú kể.
Đối với Huyền, việc chuyển ra đảo sống cũng giống như người chọn Nam tiến, người chọn lên Đà Lạt. Thứ quan trọng đầu tiên cần chuẩn bị là tiền. "Nếu không chuẩn bị về tài chính và tìm hiểu các nguồn tạo ra thu nhập, bạn sẽ khó sống được dù ở bất cứ đâu", Huyền khẳng định.
Huyền cho biết mỗi tháng ở đảo chi tiêu khoảng 5 - 6 triệu đồng, chỉ bằng một nửa ở các thành phố lớn. Bởi từ khi còn ở Hà Nội, trung bình mỗi tháng Huyền chi tiêu hết khoảng 10 triệu đồng. Vì vậy, chỉ cần một tháng lương để dành đã đủ cho Huyền sống 2 tháng tại đảo.
Trước đó, Huyền tìm hiểu kỹ trên đảo vẫn có công việc để kiếm tiền. Phú Quý đang phát triển du lịch nên cũng có rất nhiều cơ hội. Những công việc Huyền thấy có thể dành cho người trẻ như: làm hướng dẫn viên, bán tour, quản lý nhà hàng, khách sạn. Một số công việc khác không đòi hỏi nhiều chuyên môn như nhân viên quán ăn, quán cà phê.
"Mình là một người làm sáng tạo nội dung và một số công việc về biên kịch nên có thể làm online. Thời gian mình dành nhiều nhất là xây dựng kênh TikTok riêng. Thi thoảng mình còn nhận làm hướng dẫn viên trên đảo để có thêm thu nhập và có thêm nhiều niềm vui", Huyền chia sẻ.
Vững tâm lý
Thứ khó khăn nhất với Huyền là tâm lý. "Lúc đầu trước khi ra đảo mình cũng lo lắng dữ lắm. Đến khi ra đảo mình cũng mất một khoảng thời gian để thích nghi. Đó chính là khoảng thời gian mà mình stress và buồn bã kinh khủng", Huyền nhớ lại. Cô stress phần lớn do nhiều thời gian trống, không có việc để làm. Nhận ra điều đó, Huyền nghĩ ra các trò để chơi, giao lưu kết bạn, đi học lặn, học bơi, vẽ tranh...
Huyền tin rằng chuẩn bị tâm lý tích cực là điều quan trọng nhất, tránh lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều. Ở đảo bốn bề im ắng, không gian rộng lớn, cộng với những suy nghĩ rối rắm sẽ dễ khiến bản thân rơi vào tiêu cực.
"Ra đảo sống là sự lựa chọn của mỗi người. Ví dụ người thì muốn lập gia đình, người thì thích đi làm kiếm thật nhiều tiền, người thích bay nhảy. Còn mình thì chọn cuộc sống được trải nghiệm và làm điều mình thích", Huyền bày tỏ quan điểm.
Sau 2 tháng sống trên đảo, trải nghiệm đắt giá Huyền có được là có thể kết bạn với những người dân địa phương, hiểu được một phần nào cuộc sống và văn hoá của những người trên đảo.
Phải thực sự hiểu về đảo trước khi đến…
Thạc sĩ địa lý Nguyễn Đức Hòa, thành viên Tổ chức vì môi trường Green Life, chia sẻ: "Hầu hết đảo du lịch ở Việt Nam đều có những đặc điểm gần giống nhau cả về đời sống lẫn khí hậu. Nhiều bạn trẻ đến đảo để nghỉ dưỡng, còn ở lâu dài và làm việc là điều không dễ. Trên thực tế, nhiều người trẻ ở đảo phải vào đất liền để tìm việc làm".
Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Hoà, nghề chính của người dân trên các đảo là đánh bắt cá và nuôi trồng thuỷ hải sản. Dù ngành du lịch gần đây đã mang lại thu nhập cho nhiều người dân trên đảo, nhưng với đặc điểm khí hậu của biển Đông, nghề du lịch chỉ làm được 7-8 tháng vì mưa gió sẽ bất thường vào khoảng nửa cuối năm.
"Ở đất liền, nhiều thành phố biển như: Đà Nẵng, Quy Nhơn… cũng chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa này. Nhưng khi ở đảo, mưa gió sẽ mạnh hơn nhiều lần vào mùa gió chướng", thạc sĩ Nguyễn Đức Hoà cho biết thêm.
Anh Lê Văn Duyên (28 tuổi), cựu chiến sĩ biên phòng đã sống 10 năm tại thôn Tân Hải, xã Long Hải, H.Phú Quý, nhận định ở đảo rất đáng sống, chính quyền chăm lo đời sống dân sinh khá tốt. "Tuy nhiên, nếu người trẻ muốn trở thành một phần cư dân trên đảo thì cần có nhận thức rằng không chỉ ra đảo để được hưởng những điều tốt đẹp nhất, cần chung tay giúp đảo luôn tươi sạch hơn".
Anh Duyên cho biết cư dân đảo rất ý thức về rác thải, cũng như rác đại dương trôi vào đảo. Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức cho thanh niên, bộ đội ra đảo nhặt rác.
Chia sẻ về vấn đề công việc, anh Mai Quang Huy (35 tuổi, ngụ thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, H.Phú Quý), nói: "Đảo có khách du lịch theo mùa nên kinh doanh du lịch là chính. Về công việc chân tay thì cũng ít ai ra lập nghiệp. Nếu có chuyên môn về kỹ thuật như: sửa điện lạnh, điện tử thì dễ kiếm được tiền hơn vì hầu như người trên đảo chỉ là những người làm nghề nông, nghề biển".
Theo anh Huy, dù có nhiều thứ rẻ, nhưng một số mặt hàng tại đảo giá cao hơn đất liền như rau củ tươi. Với nhu cầu thuê nhà, người dân chỉ cần chi khoảng 2 triệu đồng/tháng đã có thể có được nơi ở tốt.
Anh Trần Quang Huyên (38 tuổi, ngụ P.Trần Phú, TP.Quy Nhơn, Bình Định), Giám đốc Công ty có tour du lịch Cù Lao Chàm (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), Cù Lao Xanh (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), cho rằng: "Dù là những hòn đảo phát triển du lịch, nhưng dịch vụ y tế vẫn chưa đầy đủ. Nếu là người có tiền sử về các bệnh về tim mạch, huyết áp, hay các bệnh nền nguy hiểm không nên ở đảo trong thời gian quá dài".
Bên cạnh đó, anh Huyên chia sẻ trước khi đến đảo, người trẻ phải hiểu địa hình, thời tiết, khí hậu để có thể chuẩn bị trang phục, những vật dụng thiết yếu mang theo, vì mua sắm trên đảo không được thuận lợi.
Hầu hết các đảo đều cho thuê xe máy, nhưng chất lượng xe không tốt. Do vậy, nếu ở lâu, cần chuẩn bị phương tiện đi lại đã sử dụng quen. "Không nên di chuyển bằng xe vào buổi tối vì nếu xảy ra sự cố, sẽ khó có bất kỳ sự hỗ trợ nào", anh Duyên đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)