Theo Health, để quá trình cho máu diễn ra suôn sẻ, cần thực hiện theo các bước sau
Kiểm tra sức khỏe
Đầu tiên, bác sĩ tiến hành khám sức khỏe để đảm bảo người cho máu hoàn toàn khỏe mạnh và không có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người nhận máu. Một số các xét nghiệm cần làm trước hiến máu, bao gồm: kiểm tra huyết sắc tố (là thành phần quan trọng của hồng cầu, xét nghiệm này nhằm đảm bảo máu đủ chất lượng theo quy định); xét nghiệm virus viêm gan B.
Ngoài ra, để được hiến máu, người hiến máu phải trong độ tuổi từ 18 - 60 đối với nam, và từ 18 - 55 đối với nữ. Mạch và huyết áp đều bình thường, không cao quá cũng không thấp quá. Phụ nữ đang mang thai, đang trong thời gian hành kinh hoặc đang cho con bú, và người mới hiến máu cách đó dưới 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì không được hiến máu.
Trước khi hiến máu
Đêm hôm trước ngày hiến máu không được thức quá khuya, tránh uống rượu bia. Trước khi đến cho máu nên ăn nhẹ, không ăn chất có nhiều đường, mỡ. Duy trì lượng sắt ổn định bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt như: thịt đỏ, cá, sữa, đậu, rau chân vịt và nho, uống nhiều nước. Và đặc biệt lưu ý không sử dụng aspirin trong vòng 2 ngày trước khi hiến máu.
Trong khi hiến máu
Tư thế nằm phải hết sức thư giãn và thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thời gian lấy máu thường diễn ra trong vòng vài phút đến khoảng 10 phút với một lượng máu trung bình cho một lần hiến là 250 ml. Nếu thấy căng thẳng, lo lắng, hãy mang theo một cuốn sách để đọc hoặc nghe một bản nhạc êm dịu hoặc tán gẫu với nhân viên y tế.
Hồi phục ngay sau hiến máu
Ngay sau khi hiến máu, có thể ăn một ít đồ ăn nhẹ hoặc uống nước trái cây, nước đường để giúp mức đường huyết tăng lên và không khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Bỏ băng gạc trên tay trong vòng một tiếng sau khi hiến máu xong. Nếu vết kim tiêm bị chảy máu, giữ chặt và nâng cánh tay lên trong khoảng 5 - 10 phút hoặc đến khi máu ngừng chảy. Để tránh bị phát ban, làm sạch vùng da được quấn băng bằng nước sạch.
2 - 3 ngày sau khi hiến máu
Trong 2 - 3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực, không thức quá khuya. Nếu thấy cơ thể mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá nhiều. Nên bình tĩnh và yên tâm vì đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Bổ sung nước cho cơ thể và không uống đồ uống có cồn trong 24 tiếng kế tiếp.
Ngoài ra, nên lưu ý mỗi lần hiến máu phải cách nhau 3 - 4 tháng để cơ thể kịp tái tạo lại lượng hồng cầu đã mất.
Hiến máu không gây hại cho sức khỏe
Máu có nhiều thầnh phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Do đó, ngay sau khi hiến máu, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 - 10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3 - 4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường nên không hề gây ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể.
Do đó, nếu thấy sức khỏe tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu thì bất cứ ai cũng có thể hiến máu từ 3 - 4 lần trong một năm.
Bình luận (0)