Những điều cần biết về bệnh do vi khuẩn phế cầu

19/10/2016 13:30 GMT+7

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do vi khuẩn phế cầu (VKPC).

VKPC là gì?
VKPC (Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn cư trú vùng mũi họng ở hầu hết người bình thường, kể cả người khỏe mạnh. Nhưng đối tượng chịu tác động nhiều nhất là người có hệ miễn dịch kém như là người cao tuổi và trẻ nhỏ hay người bị suy giảm hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh mạn tính, nghiện rượu, thuốc lá... VKPC phát triển thuận lợi vào mùa đông-xuân, có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp từ nước bọt trong lúc tiếp xúc với người mang mầm bệnh khi ho, hắt hơi. VKPC là nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu đe dọa tính mạng; hoặc viêm tai giữa là bệnh rất thường gặp và dễ tái phát.
Sức ‘tàn phá’ của VKPC
Kẻ ‘sát thủ’ này chuyên nhắm vào trẻ em. Phế cầu khuẩn gây ra những bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ, đặc biệt là 4 bệnh: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi và viêm tai giữa cấp. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước khu vực châu Phi, châu Á chiếm hơn 1/2 tổng số trẻ em mắc những chứng bệnh này.
VKPC khi tấn công vào não trẻ, gây bệnh viêm màng não. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là căn bệnh đáng sợ, tỷ lệ tử vong cao vào khoảng 30% trên toàn cầu; ở trẻ em dưới 5 tuổi trung bình cứ 15 trường hợp nhiễm bệnh thì có 1 trường hợp tử vong. Các trường hợp chữa lành vẫn để lại di chứng nặng nề kéo dài, như tổn thương não hoặc giảm thính giác.
Ngoài vi-rút và các vi khuẩn khác, phế cầu khuẩn cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh viêm phổi. Theo Unicef, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh viêm phổi ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới đều được xếp vào hàng cao nhất, khoảng 20% trong số 9 triệu trẻ em chết do viêm phổi do phế cầu khuẩn, tức xấp xỉ 1,8 triệu trẻ.
Ngoài ra, phế cầu cũng có thể gây ra bệnh viêm tai giữa, là bệnh dễ mắc phải và tái phát nhiều lần, viêm tai giữa làm trẻ giảm thính lực ảnh hưởng đến học tập.
Lên kế hoạch bảo vệ trẻ đúng cách
Kháng sinh, phổ biến có penicillin là biện pháp thường được sử dụng để đối phó với VKPC. Nhưng theo thời gian VK ngày càng biến đổi; chúng đã có thể đề kháng với các loại kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị. Do đó, việc tìm kiếm phương pháp phòng tránh trước khi bệnh xuất hiện là điều cần thiết. Phụ huynh cần chăm sóc, tăng đề kháng cho bé để tạo miễn dịch tốt, nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh vùng tai mũi họng, giữ ấm kỹ cho bé trong mùa đông. Ngoài ra, tiêm ngừa vắc-xin phế cầu là một lựa chọn đơn giản và chủ động nhất giúp mẹ an tâm bảo vệ bé lâu dài.
Hướng đến mục tiêu chung của toàn cầu
WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) khuyến cáo các bậc cha mẹ/người giám hộ trẻ không nên trì hoãn và đảm bảo con em mình được tiêm chủng đầy đủ và tuân thủ chặt chẽ lịch tiêm chủng quốc gia. Theo chương trình TCMR quốc gia Việt Nam, trong 25 năm qua, việc tiêm vắc-xin đã bảo vệ 6,7 triệu trẻ em, ngăn ngừa 43.000 trường hợp khỏi các bệnh dịch có thể gây tử vong.
Trên thế giới, có hơn 53 quốc gia đã áp dụng vắc-xin phế cầu trong chương trình tiêm chủng quốc gia, 49 triệu trẻ em đã được tiêm chủng từ năm 2009 đến năm 2014 cho kết quả khả quan. Liên minh vắc-xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đưa các vắc-xin phòng VKPC trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Những điều này cho thấy cả thế giới đang chung tay nỗ lực hướng tới một mục tiêu chung của WHO đặt ra đó là giảm 2/3 số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi do dịch bệnh từ đây đến năm 2015.
Tư vấn về chủng ngừa và truy cập website https://tiemngua.com để biết thêm thông tin và cách phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra.
Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được thực hiện bởi Hội Y học dự phòng Việt Nam và Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.