Các thông tin này đã được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành sức khỏe có gì mới?” diễn ra chiều 15.2 ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Chọn ngành theo phụ huynh hay thí sinh ?
Bắt đầu chương trình, các chuyên gia giải đáp băn khoăn của một phụ huynh tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) về nỗi lo lắng khi con muốn học ngành y nhưng phụ huynh sợ con vất vả, không phù hợp…
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, bày tỏ sự đồng cảm. Ông cho rằng ngành y là ngành đặc thù với điểm số trúng tuyển cao, thời gian học dài và vất vả khi sinh viên phải trực tiếp học lâm sàng.
Tiến sĩ Hải cho rằng trong bối cảnh này, thí sinh (TS) tha thiết theo học ngành này là điều rất đáng quý. Vấn đề còn lại là người học cần có đủ kiến thức để tham gia theo đuổi ngành học này. Phụ huynh và TS cần cùng nhau chia sẻ quan điểm của mình để đi đến sự thống nhất.
Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn cho thí sinh những lời khuyên hữu ích khi chọn ngành khoa học sức khỏe |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, phân tích: “Cần nhất ở đây là sự thẳng thắn trao đổi với nhau. Cả phụ huynh và TS cần có độ mở trong trao đổi và thống nhất. Nếu lựa chọn ngành học không phù hợp cũng gây nên những hệ quả rất lớn”.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, thì cho rằng phụ huynh không nên áp đặt với con cái. Bởi lẽ, khi chọn ngành, sự đam mê thực sự là khởi đầu của thành công và giúp vượt qua mọi khó khăn. Phụ huynh cần lắng nghe, trao đổi để hỗ trợ con đi đến với lựa chọn, đam mê của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng khuyên phụ huynh trong thời điểm này không nên để xảy ra những căng thẳng không đáng có với TS. “Để chứng minh con mình có phù hợp với nghề hay không thì có thể tham gia các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Bên cạnh đó tìm cho con có thêm những cơ hội để trải nghiệm thực tế của nghề nghiệp”, thạc sĩ Phương nói.
Khối ngành sức khỏe thường tập trung nhiều thí sinh giỏi nhất nên điểm chuẩn đầu vào thường ở tốp đầu |
ngọc dương |
Những điều kiện cần có khi học khối ngành sức khỏe
Mỗi ngành nghề có những đặc thù riêng, đòi hỏi tố chất phù hợp với người theo đuổi nó. Yếu tố đầu tiên mà tiến sĩ Võ Thanh Hải đề cập là điều kiện về học lực. Ông Hải cho rằng người học các ngành này cần phải đạt 2 ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định chung của Bộ GD-ĐT và quy định riêng của từng trường. Trong đó, chẳng hạn phương thức xét học bạ ngành y khoa, riêng với ngưỡng đầu vào chung của Bộ GD-ĐT, TS phải đạt tiêu chuẩn về học lực lớp 12 loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên. Bên cạnh đó, các trường có quy định khác nhau về ngưỡng điểm nhận hồ sơ kèm theo các tiêu chí riêng.
“Năm 2021, tổng số chỉ tiêu của khối ngành khoa học sức khỏe là trên 36.000 trong tổng số hơn 500.000 chỉ tiêu của tất cả khối ngành. So với con số trên 47.000 TS đăng ký, tỷ lệ “chọi” của khối ngành này chỉ ở mức 1/1,3, tuy thấp nhưng tập trung nhiều TS giỏi nhất nên điểm chuẩn đầu vào thường ở tốp đầu”, tiến sĩ Hải phân tích.
Ngoài điểm chuẩn đầu vào, tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng tố chất cần thiết với người theo học khối ngành sức khỏe là sự ân cần, đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau của người khác. Người nắm tốt kiến thức về hóa, sinh và tiếng Anh sẽ giúp học tốt ngành học này. Bên cạnh thời gian học kéo dài và vất vả, khối ngành này học phí còn ở mức cao nhất trong số các ngành do đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Hiện các trường ĐH đang thực hiện nhận hồ sơ xét tuyển tất cả các ngành theo phương thức học bạ. Trong đó, Trường ĐH Văn Lang tuyển sinh các ngành: răng - hàm - mặt, dược, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm, y khoa và y học cổ truyền. Trường ĐH Duy Tân cũng xét tuyển 4 ngành: y khoa, dược học, điều dưỡng, răng - hàm - mặt. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển các ngành y khoa, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học…
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã bắt đầu nhận hồ sơ tất cả các ngành theo phương thức học bạ, gồm các ngành sức khỏe. Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương lưu ý: “TS cần thật thông minh trong lựa chọn, cân nhắc sắp xếp nguyện vọng. Cách xét tuyển của các trường là nhận hồ sơ và xét tuyển từng đợt. Mỗi đợt sẽ có mức điểm chuẩn dựa trên số lượng hồ sơ được nộp vào từng ngành. Một số ngành “nóng” có thể sẽ không còn nhận hồ sơ ở các đợt sau”.
Bình luận (0)