Những điều đừng bao giờ làm trong ngày đầu trẻ mầm non đi học lại

28/02/2021 17:29 GMT+7

Giận dữ khi trẻ khóc lóc, 'ăn vạ' hay công kích khi trẻ ăn chậm… trong ngày đầu trẻ đi học lại, các việc làm như trên đều khiến trẻ mầm non càng tổn thương hơn.

Ngày mai, 1.3, trẻ mầm non ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành đi học trở lại. Trong ngày đầu tiên trẻ trở lại trường này, phụ huynh, giáo viên cần có những lưu ý gì để trẻ cảm thấy an tâm, giảm bớt căng thẳng nhất?
Trưa nay, 28.2, buổi trao đổi trực tuyến chủ đề "Trò chuyện với trẻ mầm non đi học lại sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19" do Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam (VIRES) tổ chức thu hút đông đảo phụ huynh, giáo viên mầm non, chủ trường mầm non và các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ TP.HCM, Đà Lạt, Quy Nhơn, Hà Nội…

Hàng triệu niềm vui ngày học sinh TP.HCM trở lại trường sau đợt nghỉ dài vì Covid-19

Cáu gắt, giận dữ khi trẻ khóc lóc, mè nheo...

Chị Huỳnh Mỹ Ngọc, điều phối viên VIRES, cho biết, cần quan tâm đến các hoạt động tinh thần cho trẻ sau thời gian nghỉ dài phòng tránh dịch Covid-19. Bởi nhu cầu và quyền của trẻ em là được tìm hiểu, giải tỏa, được trấn an, được lắng nghe. Và trường học là nơi lý tưởng để trò chuyện và trao đổi, kết nối xã hội, học hỏi từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Tránh cáu gắt, giận dữ khi trẻ khóc lóc, mè nheo, hay không ăn, không ngủ đúng giờ như các bạn trong ngày đầu trẻ đi học lại. Theo các chuyên gia, các giáo viên cần chấp nhận cảm xúc của trẻ dù là tiêu cực hay tích cực, không có cảm xúc nào là "nên" hay "không nên".

Ngày đầu tiên đi học lại sau nhiều tháng nghỉ, một em nhỏ Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) khóc nức nở

Ảnh Nguyễn Loan
Trao đổi thêm với PV Báo Thanh Niên, chị Ngọc cho biết trong “Hướng dẫn mở lại trường mẫu giáo và trường mầm non” của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF, nhà trường cần có những buổi tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên trong việc hỗ trợ nhu cầu về cảm xúc - xã hội của trẻ. Những hoạt động này giúp giáo viên hiểu rằng, cũng như người lớn, đa số trẻ em sẽ cảm thấy mất ổn định, căng thẳng và quá trình thích nghi trường lớp sau kỳ nghỉ dài ở nhà có thể sẽ khó khăn. Do đó, giáo viên nên lường trước những khó khăn về hành vi của trẻ.
Nên cho trẻ chơi với những vật liệu tạo cảm giác an toàn như lụa, bông...
Thạc sĩ Nguyễn Đức Như Thủy, chuyên gia trị liệu nghệ thuật của Phòng tâm lý Sài Gòn (Saigon psychub), cho biết trong ngày đầu trẻ mầm non trở lại trường, nên cho trẻ chơi với những vật liệu tạo cảm giác an toàn như lụa, bông… giúp cho trẻ thư giãn, cảm thấy được bảo vệ, an toàn, nhẹ nhàng.
Mọi cảm xúc của trẻ đều có lý do và cần được người lớn tôn trọng, chấp nhận và khuyến khích trẻ bày tỏ, hướng dẫn trẻ gọi tên cảm xúc. Không có sự áp đặt, phán xét hay công kích trẻ từ người lớn hay những trẻ khác.
Thông qua các hoạt động chơi đa dạng, các giáo viên nên tạo điều kiện cho trẻ bộc lộ suy nghĩ của mình qua những ngôn ngữ biểu đạt khác nhau, từ ngôn ngữ nói, ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ hình thể, vẽ tranh, xây dựng mô hình…
 

Buổi giao lưu trực tuyến trưa nay thu hút đông đảo phụ huynh, giáo viên...

Ảnh chụp màn hình

Trong ngày đầu trẻ trở lại trường mầm non sau kỳ nghỉ dài, theo chị Huỳnh Mỹ Ngọc, điều phối viên VIRES, người lớn cần tạo cho mình tâm thế thoải mái và cởi mở, chấp nhận mọi cảm xúc, suy nghĩ, hành vi. Các thầy cô giáo trường mầm non cũng cần lường trước những thay đổi về hành vi của trẻ khi quay lại trường.
Các giáo viên nên lắng nghe, quan sát những biểu hiện của trẻ khi quay lại trường, những lời nói của trẻ với giáo viên hay với các bạn cần được ghi nhận lại.
Trước đó, các cô giáo cần lập kế hoạch hoạt động và tương tác với trẻ: bao gồm dự đoán những tình huống, những câu hỏi có thể nhận được, chuẩn bị 1 số câu hỏi mở, hoạt động phù hợp với những ghi nhận của người lớn qua quá trình lắng nghe và quan sát trẻ.

Phụ huynh nên làm gì để trẻ vui vẻ đi học lại? 

Tuy nhiên, để trẻ mầm non bắt nhịp được ngay với nhịp sinh hoạt ở trường sau kỳ nghỉ, vui vẻ đi học và không bị mất bình tĩnh, dễ dẫn tới khóc, giận dữ… ở trường học, theo các giáo viên, cần có sự hợp tác, kết hợp từ chính các phụ huynh. Theo chị Huỳnh Mỹ Ngọc, trong thời gian nghỉ ở nhà, cha mẹ nên sắp xếp cho con quen dần nhịp sinh hoạt ở trường để khi đi học trở lại, con sớm bắt kịp, đồng hồ sinh học không bị xáo trộn.

Sau kỳ nghỉ dài, trẻ mầm non cần được chuẩn bị tâm lý trước khi đi học trở lại

Ảnh Thúy Hằng

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thùy Dương, phụ huynh có con 4 tuổi tại Trường mầm non Sao Mai, P.5, Q.8, TP.HCM, cho biết, trẻ dễ bị sốc nếu đang nghỉ ở nhà với ông bà, bố mẹ nhưng đột ngột một ngày bị đánh thức sớm tinh mơ để đến trường, đi học. Chắc chắn con sẽ khóc lóc, không hợp tác, không muốn đến trường.
“Từ khi nắm được lịch trẻ mầm non sẽ trở lại trường vào ngày nào, người lớn trong gia đình chúng tôi sẽ từ từ nói chuyện với con rằng con sắp được đi học trở lại, gặp cô giáo các bạn sẽ rất vui. Ngoài việc thức dậy vào một khung giờ nhất định buổi sáng, chúng tôi mở các hình ảnh, video ở trường lớp trước đây cho con xem, hỏi thăm con về các người bạn, cô giáo ở trường để con có thêm sự háo hức khi trở lại trường lớp. Cha mẹ có thể nói chuyện với con như “con sẽ tặng món quà gì cho bạn thân trong ngày mai đi học”, hay “cô giáo đang nhớ con lắm, ngày mai con nhớ dậy sớm đến trường nhé”. Tôi đã thử và thấy con rất vui vẻ khi được đi học trở lại”, chị Dương trao đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.