Những điều hay dở của Liên hoan phim Cannes 2016

24/05/2016 11:23 GMT+7

Những giọt nước mắt rơi vì hạnh phúc xen lẫn những tiếng la ó phản đối của khán giả trong đêm trao giải Cannes 2016 đã miêu tả chân thực nhất bức tranh đầy mảng màu sáng-tối của liên hoan phim danh giá nhất hành tinh này.

Đạo diễn George Miller, Chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Cannes Ảnh: AFP/Getty Images
“Chúng tôi đã phải đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn vì có quá nhiều phim hay. Kéo theo đó là việc ban giám khảo không thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người. Về cá nhân, tôi luôn đặt yếu tố “tầm quan trọng” lên hàng đầu để cân nhắc kỹ lưỡng về các giải thưởng”, George Miller, Chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Cannes lý giải sự quyết định của ban giám khảo về kết quả Cannes 2016 trong buổi họp báo sau lễ trao giải.
“Tầm quan trọng” mà George Miller đề cập ở đây theo ông là những vấn đề về sự bất công, sự thiếu bình đẳng trong các bộ phim như I, Daniel Black, Ma Rosa hay America Honey hoặc những con người phải sống trong sự áp bức như Graduation hay The Salesman. Đáp ứng được tiêu chí này, tất cả những tác phẩm kể trên đây đều sở hữu ít nhất một giải thưởng ở các hạng mục chính khi bộ phim I, Daniel Blake của đạo diễn Ken Loach được xướng tên tại giải Cành cọ vàng cho Phim xuất sắc nhất năm, Ma Rosa sở hữu Jaclyn Jose với danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất và chiến thắng kép của The Salesman với giải kịch bản và nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Những điều hay-dở của Liên hoan phim Cannes 2016 2
Ken Loach và giải thưởng Cành cọ vàng thứ hai trong sự nghiệp Ảnh: AFP/Getty Images
Tuy nhiên, cây bút Justin Chang của tờ Los Angeles Times lại không đồng tình với với quan điểm của George Miller. Đạo diễn Joel Coen, đồng Chủ tịch ban giám khảo năm ngoái từng phát biểu: “Ban giám khảo không phải là những nhà phê bình mà là những nghệ sĩ”. Điều đó có thể đúng và mang ý nghĩa tích cực ở một số phương diện. Tuy nhiên, đã là thành viên của một ban giám khảo uy tín, theo Justin Chang, các vị nên biết tiết chế sở thích cá nhân và xem xét các bộ phim trên một khía cạnh tổng thể hơn.
I, Daniel Blake thắng giải cao nhất là điều khá bất ngờ bởi trước lễ công bố kết quả, không có nhiều kênh truyền thông quốc tế đánh giá cao cơ hội của I, Daniel Blake ngoại trừ số ít các trang tin của xứ sở sương mù. Dù mang trong mình một ý nghĩa nhân sinh cao cả về một xã hội còn đầy rẫy những "sự phức tạp trong hệ thống phúc lợi xã hội" khi tái hiện lại cuộc sống cơ cực của những người dưới đáy xã hội hằng ngày bị gây khó dễ với khoản tiền trợ cấp của những nhân viên chính phủ ngay tại “thiên đường dân chủ” của châu Âu - nước Anh. Tờ Indie Wire đánh giá đây là một bộ phim điển hình mang phong cách hiện thực của đạo diễn người Anh Ken Loach với nội dung đầy tính nhân văn nhưng lại quá quen thuộc và không có đột phá, tuy không đáng kể nhưng đâu đó trong bộ phim còn phảng phất chút giáo điều.
Những điều hay-dở của Liên hoan phim Cannes 2016 3
Xavier Dolan khóc khi phát biểu nhận Giải thưởng lớn Ảnh: AFP/Getty Images
Tuy vậy, phải đến khi It’s Only the End of the World được xướng tên ở giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) thì đây mới chính thức là nỗi thất vọng khủng khiếp tại Cannes năm nay. Chuyển thể từ vở kịch cũ của nhà văn Pháp - Jean-Luc Lagarce, cốt truyện kể về một nhà biên kịch đồng tính thành danh trở về nhà sau 12 năm xa cách, để báo với người thân rằng anh sắp chết, tác phẩm bị hầu hết giới phê bình đánh giá tiêu cực. Một kịch bản rời rạc, sến súa, một câu chuyện mang tính công thức được tô vẽ bởi hình ảnh giàu tính thị giác, bộ phim gây thất vọng nhất năm nay với một sự phí phạm đến cùng cực dàn diễn viên hạng A là những lời lẽ khó nghe nhất mà báo chí dành cho tác phẩm của đạo diễn 27 tuổi người Canada Xavier Dolan.
“Dù anh có đứng trên bục nhận giải và khóc khi nói rằng: “Đây là bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của tôi. Cảm xúc không phải là điều dễ để chia sẻ, bạo lực có thể giống như tiếng hét. Những gì chúng ta làm trên đời là để được yêu thương” thì những tiếng la ó phản đối kết quả của phóng viên, nhà phê bình dưới sân khấu cũng đã minh chứng rằng đây là quyết định tồi tệ nhất của ban giám khảo từ trước tới nay”, Justin Chang viết.
Bị đánh giá là một năm không có nhiều đột phá nhưng nếu phải chọn ra tác phẩm giành được sự ưu ái nhất của giới phê bình năm nay thì sẽ là bộ phim Toni Erdmann của nữ đạo diễn người Đức Maren Ade với cảnh phim được đánh giá là hài hước nhất trong lịch sử điện ảnh. Với những cảnh nude mà không gợi dục, sự hài hước mang đậm chất Đức, tác phẩm được tờ Telegraph ví như một liều thuốc cứu rỗi cuộc đời, một liệu pháp massage cho tâm hồn khi bạn căng thẳng. Sau khi phim kết thúc, giới phê bình đã đứng vỗ tay hơn 10 phút để vinh danh tác phẩm. Một điều hiếm thấy tại những liên hoan phim với những câu chuyện kéo dài “mút chỉ” tận 3, 4 giờ đồng hồ.
Những điều hay-dở của Liên hoan phim Cannes 2016 4
Toni Erdmann được đánh giá là bộ phim có nhiều cảnh khỏa thân mà không gợi dục Ảnh: Chụp màn hình video
Dù cho đạo diễn của Mad Max có nói rằng “tầm quan trọng” mới làm nên giá trị của một tác phẩm thì cũng sẽ chẳng ai nhớ tới Cannes năm nay với một “tầm quan trọng” được hô hào nào đấy hay chính “tầm quan trọng” mà George Miller tự huyễn hoặc lấy. Họ chỉ nhớ tới Cannes 2016 với một cơn gió hài hước của Toni Erdmann mà Maren Ade thổi vào, tràn ngập tình yêu với một thành phố nhỏ của Mỹ trong Paterson hay diễn xuất hút hồn của Isabelle Huppert trong ElleThe Handmaiden với một chút cảm giác giải trí dù đây là những tác phẩm không nhận được một giải thưởng nào.
Ai từng nói chỉ những bộ phim mang màu sắc chính trị hay đạo đức mới là nghệ thuật, ai bảo phim hài không thể là một tác phẩm tranh tài nghiêm túc? Và phải nhắc lại điều mà Joel Coen từng nói: “Ban giám khảo không phải là những nhà phê bình mà những nghệ sĩ”. Nhưng đó phải là một ban giám khảo với những ý tưởng táo bạo và ít cứng nhắc hơn để có thể nhìn nhận đúng đắn những tác phẩm xứng đáng đoạt giải. Và chắc chắn đó không phải là bộ phim It’s Only the End of the World của Xavier Dolan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.