Dù vẫn biết những điều được truyền miệng nên làm hay không nên ngày Tết có nhiều điều phi lý, không tin nhưng một số gia đình Việt vẫn giữ nếp kiêng kỵ vì cho rằng "đầu xuôi đuôi lọt", "có kiêng có lành".
Theo một chuyên gia nghiên cứu tôn giáo thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, những tập tục này chủ yếu được truyền miệng phổ biến trong dân gian, giá trị chân lý của những điều này gần như không thể kiểm định được.
Người Việt vẫn tin rằng "đầu xuôi đuôi lọt" |
Độc Lập |
Những điều nên làm ngày Tết theo tập tục dân gian:
Mua muối
"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", câu nói từ lâu đã trở nên quen thuộc. Người Việt xưa cho rằng muối có thể trừ được tà ma, tình cảm mặn nồng. Do vậy, người Việt thường ra chợ vào sáng mùng 1 Tết mua muối để cầu mong trong các mối quan hệ đều được đậm đà, mặn nồng.
Đi lễ chùa
Trong ngày mùng 1 Tết, người theo Phật giáo có thói quen đi 10 cảnh chùa, từ thời khắc giao thừa đến gần hết ngày mùng 1 có người đi cả 15, 20 ngôi chùa nếu sức khỏe thời gian cho phép.
Ngày đầu năm người ta thường đi chùa và nghĩ đến những điều tốt đẹp cho nhau, cho đất nước, cho thế giới, cầu chúc những điều an lành. Đạt được hay không thì còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của cá nhân và tập thể.
Hái lộc
Người Việt tin rằng, ngày đầu năm đi lên chùa hái lộc, lì xì lấy lộc cũng được coi là những đồng tiền nền tảng cho sự nghiệp chân chính. Đây như một lời khích lệ nhắc nhở những người tiếp nhận hồng bao lì xì nỗ lực chân chính, không tin vào sự may rủi, không phó mặc cuộc đời của mình cho sự cứu trợ của cuộc đời, không nên có thần linh chi phối. Mọi điều hạnh phúc khổ đau, giàu hay nghèo là do mình làm ra.
Đi chùa đầu năm từ lâu đã thành thói quen của nhiều gia đình Việt |
LHH |
Ngoài ra, người Việt xưa vẫn tin rằng ngày Tết cần đi chúc Tết những người thân quen hay mặc đồ màu đỏ, màu hồng để được may mắn cả năm. Dù vậy, thực tế ngày nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đi chúc Tết cũng được một số gia đình cân nhắc; còn chuyện mặc đồ màu gì thì người ta chủ yếu hướng tới việc phù hợp hay không, không quan trọng màu sắc.
Dưới đây là những điều kiêng cữ của người Việt được truyền tai nhau:
Kỵ tang ma
Theo quan niệm của người Việt, nhà nào đang có tang thì không đi chúc Tết gia đình khác, mà chỉ ở nhà đón khách đến chúc Tết. Người Việt tin rằng người có tang đi chúc Tết gia đình khác sẽ ảnh hưởng đến niềm vui chung của Tết.
Kiêng mặc quần áo màu trắng hoặc đen
Dân gian cho rằng màu trắng, màu đen là màu của tang ma nên tránh mặc màu này vào ngày Tết. Dù vậy, ngày nay màu trắng và màu đen là hai màu được nhiều người ưa chuộng vì sự tối giản, dễ phối đồ, không kén người mặc. Vì vậy, tập tục này đang dần mai một.
Kiêng quét nhà, đổ rác trong ngày Tết
Nhiều người truyền miệng với nhau, 3 ngày Tết mà quét nhà thì may mắn, tài lộc đầu năm sẽ trôi ra khỏi nhà. Do đó mà chiều 30 Tết, các gia đình thường dọn dẹp sạch sẽ để mùng 1, mùng 2 và mùng 3 không phải dọn dẹp. Nếu có quét nhà, người Việt thường quét tấp vào một góc nhà, chờ qua đủ 3 ngày Tết hoặc tới ngày cúng đưa ông bà mới bắt đầu hốt đi đổ.
Kiêng làm vỡ đồ đạc
Một số gia đình Việt ngày nay vẫn cho rằng chén bát, ly tách hay đồ sành sứ mà bị vỡ bể, sứt mẻ trong những ngày đầu năm thì đó là dấu hiệu của "điềm xui rủi", gia đình dễ có những chuyện rạn nứt, bất hòa trong năm mới.
Không chỉ Tết, mà với những ngày trong năm, nhiều người cũng cho rằng khi ly chén bể thì đó là dấu hiệu có những điều không hay sắp xảy đến.
Kiêng nói to, cãi nhau
Tết Nguyên Đán là dịp cả gia đình được quây quần sum họp bên nhau, gia đình nào cũng mong muốn không khí đầm ấm, hạnh phúc như vậy được duy trì xuyên suốt cả năm.
Những chậu hoa màu sắc rực rỡ được kỳ vọng cho năm mới khởi sắc |
Độc Lập |
Do đó, người Việt cho rằng, dù có thế nào thì cả năm chỉ có mấy ngày Tết mọi người phải vui vẻ để tạo bầu không khí của ngày Xuân.
Kiêng ăn thịt chó, vịt, chuối, trứng vịt lộn
Tập tục người Việt quan niệm những món ăn này gắn liền với những điều không may nên không chỉ kiêng cữ ngày Tết mà ngay cả những ngày đầu tháng âm lịch người ta cũng kiêng ăn.
Riêng "chuối" thì do cách phát âm của người miền Nam mà chuối đọc thành "chúi" mang ý "chúi rủi" - làm mọi việc thất bại, đi xuống hoặc còn hiểu là trượt vỏ chuối nên người ta kiêng cữ.
Còn trứng vịt lộn người miền Bắc kiêng ăn đầu tháng nhưng với người miền Nam thì trứng vịt lộn lại là món ăn giải xui phổ biến.
Ngoài ra, người Việt còn truyền tai nhau rất nhiều điều kiêng cữ ngày Tết như: kiêng xuất hành vào ngày mồng 5, kiêng từ chối ăn uống khi đi chúc Tết, những đứa trẻ đi chơi thường phải về trước giao thừa để tránh là người đạp đất,...
Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cũng cho biết, mọi điều kiêng kỵ theo Phật giáo phần lớn là mê tín, Phật giáo không khích lệ hình thức đó.
Những điều kiêng kỵ được truyền tai nhau có nhiều điều phi lý, nhưng vẫn được một số gia đình lưu truyền |
Độc Lập |
"Người ta truyền tai nhau kiêng quét rác ngày đầu năm, quan niệm rác là biểu tượng cho tiền, quét rác ra khỏi nhà tức là quét tiền tài là rất vô lý. Rác là những thứ làm con người giảm đi giá trị sức khỏe, mất thẩm mỹ, chướng ngại trong việc di chuyển, sinh hoạt trong gia đình. Không biết từ đâu người ta lại biến nó thành biểu tượng của tiền, người ta nghĩ rằng khi quét rác ra khỏi nhà là đẩy tiền ra bên ngoài", Thượng tọa trụ trì chùa Giác Ngộ nêu ý kiến.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, ở trong các chùa chẳng những không hề tán đồng cho thói quen kiêng kỵ, mê tín đó, mà ngược lại từ Tết tới Rằm tháng Giêng mỗi ngày phải quét nhiều lần, ngày mùng 1 Tết là quét nhiều lần nhất. Đối với ngôi chùa nào có lượng du khách đông, ngoài quét thường xuyên nhiều lần còn phải rút chân nhang, quét bụi nhang nhiều lần. Thậm chí, ngoài việc đó còn phải nén tro nhang rớt trong lư hương không bị gió bay lên. Do vậy, Thượng tọa Thích Nhật Từ mong người Việt hiểu được điều gì nên làm, điều gì không nên làm để mạnh dạn từ bỏ.
Bình luận (0)