Ngày 9.7, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tổ chức hội nghị gây mê hồi sức sản phụ khoa 2024.
Tại hội nghị, bác sĩ Huỳnh Công Tâm, Trưởng khoa Hồi sức gây mê - hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ trình bày báo cáo Vô cảm trong mổ lấy thai ở sản phụ có bệnh lý hở van 3 lá mức độ trung bình bằng phương pháp CSE.
Bác sĩ Tâm cho biết, kết hợp gây tê tủy sống - ngoài màng cứng (CSE) cho sản phụ có bệnh lý về tim mạch là phương pháp tối ưu hóa và đã được kiểm nghiệm trên thế giới về mức độ an toàn.
Theo bác sĩ Tâm, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu đối với bà mẹ trong thời kỳ mang thai. Tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, từ năm 2018 - 2020 có 331 sản phụ mắc bệnh lý tim mạch.
Bác sĩ Tâm đã lưu ý những yếu tố tác động xấu đến sản phụ có bệnh lý tim mạch. “Những sản phụ có bệnh lý về tim mạch như bệnh van tim dưới 18 tuổi hoặc trên 40 tuổi thường có tiên lượng xấu. Số lượng con sinh càng nhiều thì nguy cơ tai biến càng tăng, đặc biệt là sản phụ có thai lần thứ 3 trở lên”, bác sĩ Tâm nói.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang đa thai càng tăng cung lượng tim, có nguy cơ dẫn đến nhiễm độc thai nghén. Thời gian mang thai 3 tháng đầu dễ sảy thai, tháng cuối và ngay sau sinh có nguy cơ tai biến tăng cao. Ngoài ra, tâm lý lo lắng, sợ hãi có thể dẫn đến nguy hiểm cho sản phụ.
Tại hội nghị, bác sĩ Trương Thị Thùy Trang, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Hùng Vương đã trình bày báo cáo An toàn sử dụng thuốc trên phụ nữ mang thai và cho con bú.
Bác sĩ Trang cho biết, an toàn sử dụng thuốc cần được đặt lên hàng đầu trong điều trị cho phụ nữ mang thai vì có thể dẫn đến tác hại khôn lường cho đứa trẻ suốt đời.
Bác sĩ Trang nhấn mạnh, thuốc sử dụng ở phụ nữ mang thai cần cân nhắc và xem xét cẩn thận. "Nên giả định tất cả loại thuốc có hại cho đến khi được kiểm chứng. Phụ nữ mang thai chỉ nên sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc thì chỉ nên sử dụng liều thấp nhất đảm bảo hiệu quả", bác sĩ Trang cho biết.
Theo bác sĩ Trang, an toàn sử dụng thuốc cần được đặt lên hàng đầu trong điều trị cho phụ nữ mang thai vì có thể dẫn đến tác hại khôn lường cho đứa trẻ suốt đời.
Hội thảo gồm 4 phiên với 12 bài báo cáo thu hút sự tham gia đông đảo của hàng trăm y bác sĩ. Bên cạnh các chuyên gia trong lĩnh vực y tế trong nước, hội thảo còn có sự tham gia của diễn giả đến từ Bệnh viện Mount Sinai, Mỹ; Trung tâm y tế Wexner, Đại học bang Ohio, Mỹ.
Phát biểu tại hội nghị, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: "Hội thảo gây mê hồi sức sản phụ khoa 2024 không chỉ là cơ hội để các chuyên gia tuyến trên và tuyến dưới trao đổi kinh nghiệm, mà còn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và hiệu quả điều trị các ca bệnh nặng”.
Bình luận (0)