Những điều thú vị về giảng viên trẻ

31/10/2024 08:00 GMT+7

Không chỉ nhiệt huyết với nghề, luôn nỗ lực sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, những giảng viên trẻ còn gần gũi với sinh viên như một người anh, người chị.

Nhiều lợi thế khi giảng dạy sinh viên cùng thế hệ

Là giảng viên trẻ của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Phạm Khả Vy (24 tuổi), giảng viên Khoa Tài chính - Thương mại, cho biết lý do theo đuổi công việc của một nhà giáo là vì yêu thích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.

Những điều thú vị về giảng viên trẻ- Ảnh 1.

Sao Mai (đội nón) luôn gần gũi với sinh viên

ẢNH: NVCC

"Công việc giảng viên cho phép mình truyền cảm hứng và tác động tích cực đến người học. Với vai trò giảng viên, mình có thể tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực đang dạy, đóng góp cho cộng đồng và nâng cao kiến thức chuyên môn", Vy chia sẻ.

Là giảng viên gen Z nên Vy cho biết mình có khá nhiều lợi thế khi dạy sinh viên cùng thế hệ. Cô nàng chia sẻ: "Cùng thế hệ nên mình dễ dàng nắm bắt tâm lý, sở thích và xu hướng của sinh viên để xây dựng bài giảng, phương pháp truyền đạt phù hợp. Mình có thể tích hợp công nghệ, mạng xã hội và các công cụ số vào bài giảng cho sinh động. Vì gần gũi về tuổi tác, mình dễ tạo không khí thoải mái, cởi mở trong lớp học. Bên cạnh đó, mình có thể đồng cảm và đưa ra những lời khuyên cho sinh viên về những vấn đề trong cuộc sống".

Những điều thú vị về giảng viên trẻ- Ảnh 2.

Phạm Khả Vy đang là giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

ẢNH: NVCC

Nữ giảng viên luôn cố gắng đổi mới, sáng tạo trong cách truyền đạt kiến thức đến sinh viên. "Mình luôn khuyến khích sinh viên tham gia thảo luận, đặt câu hỏi và chia sẻ ý kiến trong lớp. Bên cạnh đó, gen Z quen thuộc với công nghệ nên việc tích hợp các công cụ trực tuyến như video, bài giảng đa phương tiện và thảo luận trên nền tảng trực tuyến làm bài học trở nên sống động hơn. Mình sử dụng các ví dụ và tình huống thực tế để minh họa cho bài học, giúp sinh viên dễ dàng liên hệ kiến thức lý thuyết với thực tiễn. Mình xây dựng môi trường lớp học thoải mái để sinh viên cảm thấy được lắng nghe và không ngại chia sẻ quan điểm", Vy chia sẻ.

Là một giảng viên trẻ, Vy hiểu rằng giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là quá trình hoàn thiện tư duy và kỹ năng sống cho sinh viên. Vì vậy, Vy luôn cố gắng để trở thành một người giảng viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có thể truyền cảm hứng và động lực cho sinh viên.

"Sinh viên không chỉ cần biết những gì có trong sách vở mà còn phải hiểu cách áp dụng chúng vào cuộc sống và công việc sau này. Vì vậy, mình luôn nỗ lực mang đến cho các bạn những ví dụ thực tế, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, mình cũng ý thức rõ việc trở thành người bạn đồng hành với sinh viên trong quá trình học tập. Mình tin rằng một giảng viên không chỉ giảng dạy mà còn là người hướng dẫn, khuyến khích và giúp sinh viên tìm ra con đường phù hợp", Vy chia sẻ.

Đồng hành như một người bạn

Là một cô giáo gen Z khá nổi tiếng trên mạng xã hội, Đinh Sao Mai (26 tuổi), giảng viên Khoa Tiếng Nhật, Trường ĐH Hà Nội, chia sẻ: "Những ngày đầu tiên mình bước lên bục giảng là cảm giác bồi hồi xen lẫn áp lực. Khoảng cách tuổi tác với sinh viên quá ngắn khiến mình trăn trở làm thế nào để vừa tạo dựng được sự tin tưởng trong giảng dạy, nhưng vẫn giữ được sự uy nghiêm. Mình luôn khắc ghi rằng bản thân cần trở thành người dẫn dắt, truyền cảm hứng, chứ không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức".

Mình luôn chủ động trong việc nâng cao kỹ năng, kiến thức và nghiêm túc trong công việc. Mình thường truyền động lực, cảm hứng cho sinh viên bằng cách chia sẻ những điều bản thân đã học và làm được. Mình hay lồng ghép các ca lâm sàng đã làm thành công ở bệnh viện vào bài giảng để sinh viên có thêm động lực. Đồng thời, luôn chủ động chia sẻ, đồng hành và đưa ra lời khuyên cho sinh viên trong học tập lẫn đời sống.


Thạc sĩ Đoàn Duy Tân, giảng viên Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Sao Mai luôn ý thức phải nỗ lực trau dồi kỹ năng sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy. "Giảng đường không là nơi truyền đạt kiến thức khô khan, mà là nơi khơi gợi niềm đam mê học hỏi, sáng tạo. Vì vậy, mình luôn tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo nên những giờ học tương tác, thú vị, thu hút sự chú ý của sinh viên", Sao Mai cho hay.

Nữ giảng viên chia sẻ thêm: "Mình tâm niệm rằng việc học ngôn ngữ hiệu quả nhất là khi ta trải nghiệm nó một cách sống động và chân thực. Trong quá trình giảng dạy, mình luôn chú trọng kết hợp những tài liệu trực quan, sinh động vào từng bài học thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết suông. Điều này không chỉ giúp sinh viên nắm bắt kiến thức dễ dàng mà còn khơi gợi sự hứng thú, kích thích các em chủ động khám phá ngôn ngữ".

Trong quá trình giảng dạy, Sao Mai luôn ý thức được phải có trách nhiệm giúp sinh viên vững vàng trên hành trình phát triển bản thân; khơi gợi niềm đam mê học hỏi; khuyến khích sự sáng tạo và nỗ lực trở thành những công dân có ích. "Bằng sự gần gũi, thấu hiểu, mình tin bản thân có thể đồng hành cùng các em trên con đường chinh phục tri thức và cống hiến cho xã hội", Sao Mai bày tỏ.

Vừa vinh dự nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2024, thạc sĩ Đoàn Duy Tân (32 tuổi), giảng viên Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, là một thầy giáo giỏi về chuyên môn và năng nổ trong mọi hoạt động.

Không chỉ gần gũi với sinh viên, nhiệt huyết trong các hoạt động, anh Tân còn sở hữu loạt đề tài nghiên cứu, công trình khoa học. "Hiện tại, mình có khoảng 40 bài báo, đề tài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế và trong nước. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của mình là về dinh dưỡng. Một trong những đề tài mà mình tâm đắc nhất là đề tài mình đang thực hiện về suy giảm khối cơ ở người lớn tuổi. Vì càng lớn tuổi các khối cơ sẽ teo dần và tăng nguy cơ té ngã, thậm chí là suy giảm hệ miễn dịch. Mình đang nghiên cứu về mảng này, từ đó tiến hành xây dựng các bài tập dành riêng cho người cao tuổi; xây dựng cuốn cẩm nang để tư vấn dinh dưỡng cho người cao tuổi…", anh Tân chia sẻ.

Những điều thú vị về giảng viên trẻ- Ảnh 3.

Anh Đoàn Duy Tân là một trong những Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2024

ẢNH: NVCC

Với anh Tân, khi theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu, điều quan trọng nhất là phải gắn liền với thực tiễn và từ kết quả nghiên cứu sẽ mang lại những lợi ích gì cho người bệnh và cộng đồng. "Mình luôn chủ động trong việc nâng cao kỹ năng, kiến thức và nghiêm túc trong công việc. Mình thường truyền động lực, cảm hứng cho sinh viên bằng cách chia sẻ những điều bản thân đã học và làm được. Mình hay lồng ghép các ca lâm sàng đã làm thành công ở bệnh viện vào bài giảng để sinh viên có thêm động lực. Đồng thời, luôn chủ động chia sẻ, đồng hành và đưa ra lời khuyên cho sinh viên trong học tập lẫn đời sống", nam giảng viên cho biết.

Không chỉ là thầy giáo mà còn có vai trò là thầy thuốc, vì vậy ngoài việc truyền động lực cho sinh viên, anh Tân luôn mong muốn dùng chuyên môn của mình để đóng góp thật nhiều cho xã hội. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.