Những 'đóa hoa bất tử' hiến xác vì y khoa

11/01/2025 11:02 GMT+7

Trong tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã viết 'Thác là thể phách, còn là tinh anh'. Nhưng với những người tình nguyện hiến xác cho y học, dường như vẫn còn cả hai.

Hiến xác là hành động cao cả và nhân văn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của y học và nghiên cứu khoa học. 

Người hiến xác tạo ra tác động tích cực và lâu dài, có thể giúp đào tạo các thế hệ bác sĩ tương lai và đóng góp vào việc tìm ra phương pháp chữa trị mới. Tìm hiểu về quy trình và ý nghĩa của việc hiến xác để thấy rõ giá trị mà nó mang lại cho xã hội. 

"Ra đi bằng nụ cười đầy mãn nguyện"

Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành y khoa Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Từ một trường đại học đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1902, đến nay một hệ thống các trường, viện nghiên cứu y khoa đã ra đời và phát triển trên khắp mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, không thể có một trường y khoa đúng nghĩa nếu không có bộ môn giải phẫu và không thể có bộ môn này thực sự nếu không có xác người. Hiểu được ý nghĩa lớn lao đó, nhiều người đã chọn đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời. Những thân thể cao quý ấy đã soi sáng con đường cho sinh viên y khoa trở thành y bác sĩ thực thụ.

Những 'đóa hoa bất tử' hiến xác vì y khoa- Ảnh 1.

Sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM đọc văn tế cho những người hiến thi hài cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu y khoa

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, vào năm 1990, giáo sư Nguyễn Quang Quyền, Chủ nhiệm bộ môn giải phẫu thời đó đã quyết định tổ chức lễ tri ân cho những người hiến thi hài cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo y khoa. Nghi lễ tri ân này đã góp phần giáo dục y đức của sinh viên và thúc đẩy phong trào hiến xác.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ mới đây, chúng tôi gặp chị Thu Trinh. Mẹ của chị đã hiến xác cho y học sau khi qua đời tại Trường đại học Y Dược TP.HCM.

Khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ của chị không chỉ để lại tình yêu trong trái tim những người thân yêu, mà còn có một di nguyện lớn lao. Chị Trinh tâm sự với chúng tôi rằng, hơn 10 năm kể từ ngày đăng ký hồ sơ hiến xác cho đến khi mẹ của chị qua đời, đã có không ít lần gia đình ngỡ rằng, ý nguyện của bà sẽ dở dang.

Những ngày bệnh tình của mẹ chị trở nặng, cũng là cả TP.HCM chìm trong căng thẳng của đại dịch Covid-19. Đã có lắm lúc, gia đình chị đã nghĩ bà sẽ ra đi khi cả gia đình không thể gặp nhau.

Dường như có phép màu, mẹ của chị đã mạnh mẽ chiến đấu qua thời kỳ dịch bệnh. "Mẹ đã cố gắng vượt qua giai đoạn căng thẳng đó vì mẹ không muốn sự ra đi của mình trở nên vô nghĩa. Mẹ muốn, khi kết thúc sự sống này, sẽ mở ra những trang mới, cho những cuộc đời khác. Trước khi mất, mẹ đã đón nhận sự ra đi bằng một nụ cười đầy mãn nguyện", chị Trinh xúc động.

Từ khi biết mẹ có ước nguyện hiến xác cho y học sau khi qua đời, chị Trinh luôn ủng hộ ý định ấy. Bởi lẽ hơn ai hết, chị hiểu rằng, mẹ của chị thật sự hạnh phúc vì đã làm được một điều ý nghĩa.

Những "người thầy thầm lặng" hiến xác vì y khoa

Kết thúc buổi lễ, chúng tôi theo đoàn sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM vào viếng những thi hài tại phòng thực tập bộ môn giải phẫu. Trong không khí trang nghiêm ấy, đã có những tiếng nấc vang lên nghẹn ngào... Hàng trăm sinh viên mặc áo blouse trắng cùng thân nhân của những thi hài tiến vào phòng để thắp nén hương, bày tỏ lòng thành kính.

Những 'đóa hoa bất tử' hiến xác vì y khoa- Ảnh 2.

Sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người hiến thi hài cho y khoa

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Chúng tôi gặp bà Thái Kim Hạnh (64 tuổi, ở Q.11) mặc áo đen với mái tóc đã bạc. Bà lần lượt lại gần từng thi hài, cúi đầu rất lâu, chắp tay thành kính với đôi mắt ngấn lệ. Tháng 5.2024, em trai của bà qua đời và đã hiến xác cho y khoa tại trường theo ước nguyện.

"Em trai tôi đang nằm trong căn phòng này. Tôi rất xúc động trước không khí trang nghiêm, trang trọng của lễ tri ân hôm nay. Tôi rất yên tâm vì em tôi được chăm lo đàng hoàng. Nhìn các em sinh viên trong chiếc áo blouse trắng, tôi thấy được hình ảnh những y bác sĩ thực thụ trong tương lai".

Bà Kim Hạnh tâm sự với chúng tôi rằng, các anh em trong gia đình bà đều đăng ký hiến xác sau khi qua đời với mong muốn "để lại một điều gì đó giúp ích cho đời".

Anh Lê Thanh Hòa, đại diện sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến những người đã hiến thi hài cho y học. Trong hành trình lĩnh hội tri thức, sinh viên khối ngành sức khỏe đã được dẫn dắt bởi những "người thầy thầm lặng".

"Các vị ấy không chỉ để lại thân xác mà còn để lại nguồn tri thức vĩnh cửu. Trong văn hóa Việt Nam, thân xác được ví như là nơi gắn kết của tâm hồn và gắn bó sâu sắc với gia đình, tổ tiên. Thế nhưng, họ đã vượt lên quan niệm ấy để chúng em được học tập, rèn luyện. Chúng em vô cùng biết ơn, thương cảm, kính phục trước sự hy sinh vô tận ấy", anh Hòa cho hay.

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, đại diện khoa Y, Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tiêu bản xác người là một phương tiện rất đặc biệt trong quá trình đào tạo, học tập và nghiên cứu y khoa.

"Ngày nay, cho dù y học đã rất phát triển nhưng vẫn chưa có phương tiện, kỹ thuật nào có thể thay thế cho tiêu bản người thật. Do đó, có thể khẳng định rằng cơ thể con người là vô giá trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu y khoa. Chúng tôi vô cùng trân quý sự hy sinh vô bờ bến của những người đã hiến thi hài cho nền y học nước nhà. Họ là những người thầy thầm lặng soi sáng con đường học tập, rèn luyện của sinh viên y khoa", thầy Nguyên nói.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng bộ môn giải phẫu học, Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết, chỉ riêng năm 2024, trường đã tiếp nhận 1.732 người đến làm hồ sơ hiến tặng thi hài. Đến nay, đã có 36.239 người làm thủ tục.

Năm 2024, Trường đại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận 29 thi hài. Tính đến 31.12.2024, trường đã tiếp nhận 938 thi hài hiến tặng

Các thi hài tiếp nhận được dành cho thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học; đào tạo bác sĩ nội trú; bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2; thạc sĩ, tiến sĩ và các lớp đào tạo ngắn hạn.

Hằng năm, trường tiến hành hỏa táng, hoàn trả tro cốt cho thân nhân. Tính đến nay, trường đã tổ chức hỏa táng và hoàn trả tro cốt cho 774 thi hài.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.