Hàng thiết yếu tăng cao
Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An công bố doanh thu thuần quý đầu năm nay đạt 1.043 tỉ đồng, tăng 23,5% và lợi nhuận trước thuế đạt 37 tỉ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp (DN) này cho biết trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đã lên kế hoạch nguyên vật liệu, điều tiết nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất, tối ưu hóa hàng tồn kho, đảm bảo đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân với giá cả ổn định. Đồng thời công ty cũng thực hiện khai thác kênh bán hàng hiện đại, gia tăng độ phủ sản phẩm trên các kênh truyền thống. Nhờ đó giúp cho doanh số và lợi nhuận gia tăng.
Hay Công ty cổ phần bột giặt Lix công bố đạt doanh thu 3 tháng đầu năm nay hơn 880,4 tỉ đồng, tăng 54% so với 3 tháng đầu năm 2019. Trong đó, phần tăng chủ yếu đến từ doanh thu khu vực nội địa khi đạt 775,7 tỉ đồng, tăng 64%. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt hơn 64,1 tỉ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và là quý có lãi nhiều nhất trong 4 năm gần đây.
|
Tương tự, Công ty cổ phần bột giặt Net cũng có kết quả đột biến với doanh thu thuần tăng 42% lên gần 357 tỉ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng và lợi nhuận sau thuế tăng 108% lên 32,16 tỉ đồng. Đây là quý có kết quả lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của Bột giặt Net. Bên cạnh đó, nhiều công ty dược cũng có doanh thu tăng đột biến trong quý đầu năm khi nhu cầu về khẩu trang, thiết bị y tế tăng vọt trong mùa dịch Covid-19. Có thể kể đến như Tổng công ty cổ phần y tế Danameco 3 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 127,5 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Hãng vật tư y tế này ghi nhận khoản lợi sau thuế là 8,2 tỉ đồng, tăng 651% so với cùng kỳ năm trước và gần bằng số lãi của cả năm vừa qua. Tương tự, báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của Công ty dược Hậu Giang cũng đạt doanh thu 858 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu thuốc gia tăng, đặc biệt là các sản phẩm tăng sức đề kháng và lợi nhuận sau thuế là 177 tỉ đồng, tăng 31%...
Trong khi đó, Công ty mì ăn liền Acecook chia sẻ riêng doanh thu trong tháng 3 đã tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 10% so với tháng 2. Nhiều công ty sản xuất mì gói vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh các tháng đầu năm nay nhưng dự báo đều thắng lớn.
Theo khảo sát từ Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen kết hợp với Infocus Mekong Mobile Panel về ảnh hưởng của Covid-19 đến người VN, cho thấy thực phẩm đóng gói, nước đóng chai, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh trở thành những sản phẩm lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Trong đó, tỷ lệ gia tăng tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh hiện nay là 67%; thực phẩm đông lạnh là 40%; nước súc miệng tăng 78%; sản phẩm chăm sóc cơ thể tăng 45% và khăn giấy tăng 35%.
Lãi lớn nhờ thịt heo tăng giá
Giá heo hơi trong ngày hôm qua 8.5 tăng vọt lên 94.000 - 95.000 đồng/kg. So với thời điểm ngay sau dịp Tết Nguyên đán 2020, giá heo hơi đã tăng thêm 14.000 đồng/kg bất chấp nỗ lực kêu gọi giảm giá của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu so với một năm trước, giá heo hơi hiện nay gần gấp đôi. Điều này khiến các công ty chăn nuôi, kinh doanh heo lãi lớn trong quý đầu năm nay. Cụ thể như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (DBC) công bố doanh thu quý 1/2020 đạt 3.248 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỉ đồng. So cùng kỳ năm trước thì 3 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của DBC cao gấp 17 lần. Công ty này cho biết đã tăng cường sản xuất những mặt hàng nhu yếu phẩm như trứng gà tươi, trứng gà chế biến, thực phẩm chế biến từ thịt gà, thực phẩm chế biến từ thịt; tăng cường bán heo thịt, gà thịt; đưa vào hoạt động một số dự án như Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi; khu chăn nuôi gà giống và nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước; nhà máy dầu thực vật...
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định hàng hóa nhu yếu phẩm như mì gói, dầu ăn, thịt heo… là thực phẩm thiết yếu thì dịch bệnh hay không mọi người đều phải ăn. Nhưng riêng trong giai đoạn bị cách ly phải làm việc ở nhà, con cái không đi học nên nhiều gia đình tăng tích trữ thực phẩm khô hơn nữa khiến cầu gia tăng. Riêng các ngành hưởng lợi thật sự vì nhu cầu đột biến là các đơn vị sản xuất xà bông, nước rửa tay, các loại khẩu trang hay trang thiết bị y tế liên quan để phòng chống dịch bệnh. Vì tăng đột biến nên sau khi hết dịch, các công ty này sẽ phải thay đổi cơ cấu sản phẩm vì sẽ không còn mức tăng trưởng cao như vậy nữa.
Điện, nước cũng tăng trưởng
Học sinh nghỉ học, cha mẹ làm việc ở nhà… đều đẩy hóa đơn tiền điện, tiền nước trong các tháng đầu năm nay của nhiều hộ gia đình tăng cao. Đồng thời, do phía nam đang bước vào mùa nắng nóng nên số lượng điện tiêu thụ cũng gia tăng. Bên cạnh đó, giá nước sạch tại TP.HCM đã tăng từ cuối năm 2019 đến nay với mức từ 5,6 - 6,1% cũng góp phần đưa doanh thu của các công ty điện, nước nhảy vọt. Công ty nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu quý 1/2020 tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019, lên 3.024 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp đôi, lên mức 200 tỉ đồng; Công ty cổ phần thủy điện Gia Lai đạt doanh thu 63,7 tỉ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 23,26 tỉ đồng, gấp đôi quý 1/2019…
Tương tự, Công ty cấp nước Thủ Đức báo cáo doanh thu 3 tháng đầu năm tăng 21% lên hơn 243 tỉ đồng do sản lượng nước tiêu thụ tăng 9,82% và giá bán nước sạch tăng theo quy định mới của TP.HCM. Điều này giúp DN có lợi nhuận trước thuế gần 13 tỉ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019. Một DN nước khác là Công ty cấp nước Bến Thành ghi nhận doanh thu quý đầu năm tăng 14% lên 129 tỉ đồng nhờ sản lượng và đơn giá cùng tăng, lợi nhuận sau thuế tăng 104% lên gần 21 tỉ đồng. Đồng thời, Công ty nước sạch số 2 Hà Nội cũng đạt doanh thu tăng 9% lên 107 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2,6 tỉ đồng, tăng 6%; Công ty cấp nước Sóc Trăng có doanh thu quý đầu năm nay tăng 38% lên 47 tỉ đồng và lợi nhuận công ty này đạt 6,8 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước bị lỗ 5 tỉ đồng...
Bình luận (0)