Để khắc họa và đưa vẻ đẹp của nghệ thuật múa lên sân khấu và đến với khán giả, từng có vở múa Chuyện kể những chiếc giày (2011) rất thành công với nhiều lần tái diễn đều cháy vé. Lúc bấy giờ, vở múa không chỉ đánh dấu sự trở về, tham gia biểu diễn trong nước của các tài năng trẻ được đào tạo và thành danh ở nước ngoài: Khánh Chinh, Thùy Chi, Thanh Phong, Phạm Bảo Trung… cùng các diễn viên múa thuộc vũ đoàn Arabesque dưới sự chỉ đạo của biên đạo Tấn Lộc và Noriko Kuroe, John Huy Trần, Ngọc Khải, Tố Như… mà dư âm của nó chính là đã chuyển thể sống động, chân thực và đầy cảm xúc về những cung bậc của quá trình bền bỉ, âm thầm, hy sinh và hết mình cho đam mê của các vũ công.
Do đặc thù nghề nghiệp, khi tháo chiếc giày mũi cứng, bàn chân của vũ công ballet thường bị biến dạng |
Phúc Hải |
Đau đớn ngọt ngào
Cũng như nhiều môn nghệ thuật đỉnh cao khác, để trở thành diễn viên múa ballet và sống được với nghề là cả một quá trình dài từ học tập đến khổ luyện, về sự dẻo dai, sức lực, tinh thần, ý chí. Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng chia sẻ, trước khi học múa, anh đã mường tượng tới những khó khăn vất vả, nhưng khi bước chân vào học, rồi ra sân khấu mới hiểu thực tế còn vượt xa những gì mình nghĩ.
“Chuyện thuốc thang, chấn thương thì thường xuyên gặp, rồi chuyện đồng nghiệp đi trước cầm vỉ thuốc giảm đau hỏi người này người kia xem có ai bị đau và muốn uống trước khi biểu diễn không, hoặc nhờ nhau nắn nắn bóp bóp những khớp tay khớp chân khi bị trật chẳng hạn, mọi thứ diễn ra đó là điều bình thường”, Lùng nói. Diễn viên múa gần như ai cũng có những vết thương cũ, không cẩn thận là trật khớp, bong gân ở những vị trí cũ ngay. Không chỉ vậy, nhiều diễn viên phải xỏ đôi chân đang bị thương vào đôi giày mũi cứng bước lên sân khấu; hoặc có những chấn thương trước giờ diễn mà không thể tìm người thay thế và diễn viên cũng không muốn bỏ vai thì phải nhờ đến thuốc giảm đau. “Diễn viên bị chấn thương sớm thì có thể thay người chứ ngay trước hay trong buổi diễn thì sẽ bỏ vai đó luôn”, Sùng A Lùng cho biết.
Như các diễn viên múa chia sẻ, với diễn viên nam, chuyện đầu gối chấn thương và thoát vị đĩa đệm là rất nhiều vì thường biểu diễn các động tác liên quan đến bê vác. Còn các bạn nữ múa ballet có lẽ cũng không lạ trước những lời nhận xét “sao chân xấu thế, móng chẳng có lại còn băng ngón này, dán ngón kia”. Thực tế, nếu nhìn thấy bàn chân của nghệ sĩ ballet, người hâm mộ hẳn sẽ bàng hoàng bởi những “hình, khối” lạ thường, hư hại… Trên sân khấu các diễn viên lung linh, tỏa sáng như “thiên nga” bao nhiêu thì khi tháo đôi giày mũi cứng ra, những bàn chân với đầy vết tích từ thâm, chai, hư móng, thậm chí biến dạng ấy đã “nói” hết những “đau đớn” và “ngọt ngào” mà loại hình được cho là tinh hoa của nghệ thuật này mang đến cho người nghệ sĩ. Nói như NSƯT Trần Hoàng Yến: “Sau một vở diễn, cần 2 - 3 ngày nghỉ ngơi để có thể lấy lại sức, chăm sóc đôi chân và cơ thể của mình. Tháo giày ra nhìn các ngón chân móp méo dính vào nhau… thật sự xót lắm, nhưng cảm thấy hạnh phúc vì mình vẫn còn được múa vai mình yêu thích trên sân khấu”.
Ballet Kiều - vở ballet đầu tiên chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du |
Sơn Trần |
Nhiều nghệ sĩ múa tâm sự, với công việc này, nói là đủ thì chẳng phải mà dư dả thì cũng không. “Sức khỏe thì mỗi giai đoạn tuổi tác sẽ quyết định, nhưng càng có tuổi sức khỏe càng đi xuống, giữ mình lắm thì 35 - 40 tuổi cũng phải ngưng biểu diễn chuyển qua dàn dựng hay giảng dạy. Bản thân diễn viên múa ai cũng biết điều đó. Ai đó không may mắn chấn thương về xương khớp mà nặng thì có thể bỏ nghề ngay lập tức”, Sùng A Lùng nói.
Có đau thương mới có vinh quang
Theo biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, tổng đạo diễn Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM: “Múa, cũng như thể thao hay các ngành nghề đặc thù khác, sự chấn thương của diễn viên không lạ. Việc chấn thương có thể xảy ra vì nhiều lý do, nhưng nếu không khởi động kỹ càng dẫn đến chấn thương thì đó là chưa chuyên nghiệp, vì hơn ai hết mình hiểu rõ cơ thể và nghề của mình”. Anh chia sẻ thêm: “Với những bàn chân biến dạng, chúng tôi nghĩ đó là hệ quả tất yếu của công việc, bởi khi bạn mang giày mũi cứng như thế, đứng và biểu diễn trên các đầu ngón chân hàng giờ đồng hồ như thế thì bầm tím, tụ máu, chai sần, dị dạng là không tránh khỏi. Đó là đặc thù ngành nghề”.
Ballet Kiều nhận giải xuất sắc
Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 (đợt 2) do Cục Nghệ thuật biểu diễn (BộVH-TT-DL) phối hợp Hội Nhạc sĩ VN, Hội Nghệ sĩ múa VN tổ chức, vừa bế mạc tối qua 30.6 tại Đắk Lắk. Vở Ballet Kiều (biên đạo múa: Tuyết Minh - Phúc Hùng, âm nhạc: Việt Anh - Chinh Ba, biểu diễn: Đoàn vũ kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM) đã nhận được: 1 giải xuất sắc cho vở diễn; 3 huy chương vàng cá nhân: NSƯT Trần Hoàng Yến (vai Kiều), Sùng A Lùng (vai Tú Bà), Minh Hiền (vai Thúc Sinh); 5 huy chương bạc cá nhân: Khang Ninh, Đức Nhuận, Phi Điệp, Minh Tâm, Kim Tuyền; 2 huy chương đồng cá nhân: Thu Trang, Phan Thái Bình.
Tuy nhiên, biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng cũng cho rằng: “Bù lại, các diễn viên múa có sức khỏe khó ai bằng, cực kỳ dẻo dai, trong khi hiện nay nhiều người phải bỏ tiền ra để tập luyện, mua lấy sức khỏe. Ngoài ra, trong các đơn vị nghệ thuật, chỉ có đội kèn đồng và múa là được bảo hiểm tai nạn cao hơn những loại hình khác. Hơn nữa, khi các bạn đã giỏi nghề thì nguồn thu nhập cũng không tệ. Đó là nhìn nhận rất công bằng. Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, phải có đau thương thì mới có vinh quang”. Anh bày tỏ thêm: “Về đãi ngộ, tôi cũng thường nói với diễn viên nên hài lòng vì vừa được thăng hoa với nghề, vừa kiếm tiền tốt hơn một số nghề khác. Chỉ có chạnh lòng một chút, là đến nay Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM vẫn còn loay hoay chuyện trụ sở, các nghệ sĩ vẫn chưa có “mái nhà” ổn định để “lạc nghiệp”.
Bình luận (0)