Những đổi mới trong tuyển sinh của các trường đại học

26/02/2021 06:45 GMT+7

Nhiều thông tin mới về tuyển sinh năm 2021 như mở rộng đối tượng xét tuyển ở một số phương thức, thêm ngành học mới... đã được đại diện các trường ĐH thông tin đến thí sinh trong chương trình trực tuyến 'Chọn ngành cho tương lai'.

Chương trình do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 25.2, được phát trực tiếp trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên. Chương trình được tài trợ của THACO.

Thêm ngành mới, mở rộng đối tượng tuyển sinh

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết năm 2021, trường xét tuyển 7 ngành với 5 phương thức tuyển sinh bao gồm tổ chức kỳ thi TestAs, xét tuyển kết quả kỳ thi THPT năm 2021, xét tuyển thẳng cho học sinh có kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. “Tại phương thức xét tuyển thẳng này năm nay có điểm mới là trường mở rộng thêm đối tượng thí sinh đạt giải khuyến khích trở lên ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, còn 2 phương thức nữa là xét tuyển thí sinh có bằng tú tài quốc tế. Đối với việc xét học bạ, nếu năm 2020 trường chỉ giới hạn thí sinh học tại 132 trường THPT thì năm nay, phương thức này dành cho học sinh của tất cả trường THPT trên toàn quốc”, tiến sĩ Hà Thúc Viên thông tin.
Tại Trường ĐH Văn Lang, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng, cho hay trường có 5 phương thức tuyển sinh là xét kết quả thi THPT, xét học bạ THPT, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng và tổ chức kỳ thi năng khiếu kết hợp với xét tuyển. “Trường có 50 ngành đào tạo với chỉ tiêu dự kiến là 7.000. Trường tập trung mở rộng các ngành khối sức khỏe, bên cạnh 4 ngành răng hàm mặt, dược, kỹ thuật xét nghiệm và điều dưỡng, thì năm nay sẽ tuyển thêm 2 ngành mới là y học dân tộc và y đa khoa”, tiến sĩ Võ Văn Tuấn chia sẻ thêm.
Đối với việc xét tuyển bằng phương thức học bạ, đa số trường ĐH đều nhận hồ sơ đợt đầu tiên từ ngày 1.3. Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “So với năm 2020, năm nay trường có thay đổi một chút về cách xét tuyển, điều chỉnh lớn nhất là thời gian nhận hồ sơ học bạ sớm hơn, từ ngày 1.3. Bên cạnh đó, trường tăng thêm 5 ngành xét tuyển: robot trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, quản trị nhân sự, quan hệ công chúng, quan hệ quốc tế và dự kiến mở thêm 2 ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học và thanh nhạc. Ngoài ra, trường còn các phương thức xét điểm thi THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, thông tin năm 2021 trường mở thêm 2 ngành mới thuộc chương trình đại trà là toán kinh tế (chuyên ngành tài chính định lượng) và luật kinh tế (chuyên ngành luật đầu tư kinh doanh).

Nhiều ưu đãi về học bổng

Một điểm rất mới trong kỳ tuyển sinh năm 2021 là đa số trường đều xây dựng quỹ học bổng để hỗ trợ thí sinh trúng tuyển với mức điểm cao, hoặc hỗ trợ thí sinh học tập những ngành học mới, ngành đặc thù.
Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin: “Năm nay trường giành 20 tỉ để trao học bổng cho tân sinh viên khóa mới, ngoài học bổng truyền thống còn có học bổng tăng cường tiếng Nhật, học bổng của doanh nghiệp... Về điểm mới trong xét tuyển nếu năm 2020 trường chỉ dành 20% chỉ tiêu để xét học bạ thì năm nay nâng lên gần 50%, 50% dành để xét kết quả thi THPT và một số chỉ tiêu xét tuyển thẳng dành cho học sinh giỏi, ưu tiên các bạn có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế”.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM năm nay cũng xây dựng quỹ học bổng lớn với nhiều mức khác nhau như tài trợ học phí 25%, 50%, 100% tương ứng với các mức điểm mà thí sinh đạt được. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, chia sẻ: “Ngoài học bổng theo điểm xét tuyển, trường còn trao nhiều học bổng trị giá 30% học phí toàn khóa học không bắt buộc duy trì mức điểm cho thí sinh học các ngành như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc, quan hệ quốc tế, quan hệ công chúng…”.
Được biết, năm 2021 cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn xây dựng quỹ phát triển tài năng dành riêng cho 2 khối ngành đang có xu thế lựa chọn lực lượng lao động rất lớn ở Việt Nam, đó là luật kinh tế và khoa học máy tính. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh của trường, chia sẻ với thí sinh: “Các em đăng ký xét tuyển vào 2 ngành này sẽ được 30% học bổng xuyên suốt 4 năm, do doanh nghiệp tài trợ. Ở 3 ngành học mới là tâm lý học (chuyên ngành tham vấn và trị liệu), logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kế toán (chuyên ngành kế toán doanh nghiệp và kế toán kiểm toán), để khuyến khích thí sinh đăng ký xét tuyển năm đầu tiên, trường cũng sẽ trao học bổng 30% cho thí sinh trúng tuyển xuyên suốt trong 4 năm học”.
Học nghề được miễn học phí và trả lương
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, thông tin: Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 được Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam đầu tư để đào tạo theo mô hình kép của Đức. Khi trở thành sinh viên của trường, ngay năm đầu các em đã được doanh nghiệp tuyển dụng, ngoài ra quá trình học tập còn chi trả toàn bộ học phí và tiền phụ cấp. Năm nay trường đưa vào 4 nghề theo tiêu chuẩn Đức tích hợp yếu tố 4.0, được tổ chức của Đức công nhận, ngoài ra tuyển thêm ngành logistics chuyên ngành hàng không để phục vụ cho sân bay Long Thành. Trường cũng có chương trình đào tạo 7 nghề được đào tạo cùng với tiếng Đức B1 để có thể sang Đức làm việc, được trả học phí trong quá trình học. Trường có chương trình hợp tác với Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, thí sinh Đồng Nai học sẽ được miễn phí hoàn toàn, được ưu tiên làm việc ở sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, có hơn 1.000 chỉ tiêu theo đơn đặt hàng của Bộ Xây dựng, miễn 100% học phí và cam kết 100% có việc làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.