Đòn “cắt máu”
Theo lãnh đạo nhiều công ty bất động sản, nghề môi giới bất động sản là mạch máu để dẫn dưỡng chất đến các bộ phận cơ thể, nhưng một nhóm nhỏ môi giới vẫn có những hoạt động cạnh tranh kém lành mạnh. Nổi cộm trong số đó phải kể đến như chuyện môi giới “cắt máu” để giật khách, kê giá - thổi giá, cung cấp thông tin chưa kiểm chứng cho khách hàng và thậm chí “treo đầu dê bán thịt chó”. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, khách hàng đang thu gọn hoạt động đầu tư. Để giành giật nhóm khách ít ỏi còn lại, các chiêu trò không lành mạnh càng được một nhóm môi giới tận dụng.
Minh Thành, một nhân viên môi giới bất động sản sàn giao dịch Rever chia sẻ lần giao dịch dự án Green Field Bình Thạnh (TP.HCM), khi đang hào hứng chốt hàng với số tiền 3 tỉ 200 triệu đồng với khách thì bất ngờ bị khách từ chối. Tìm hiểu kỹ lại nguyên nhân thì mới phát hiện mình bị đồng nghiệp chiết khấu cho khách bằng phí môi giới của mình với số tiền 15 triệu đồng, như vậy khách mua được căn hộ với giá 3 tỉ 175 triệu đồng.
|
Một nhân viên môi giới khác tên Ngọc Anh kể đã bỏ nhiều tiền chạy quảng cáo mới chốt được một khách mua biệt thự nghỉ dưỡng nhưng cuối cùng lại hủy lịch. Không những vậy, khi liên hệ với khách, Ngọc Anh còn bị mắng xối xả vì tội kê khống giá, ăn sâu, vì có môi giới khác cho mức chiết khấu cao hơn vài chục triệu đồng. “Tôi bán hàng theo đúng giá quy định của công ty nhưng các môi giới khác đã cắt máu để chiết khấu cho khách nhằm hớt tay trên của tôi”, chị Ngọc Anh bực tức.
Một nhân viên môi giới còn kể, trường hợp khách của mình đến xem nhà và đã cơ bản “chốt” 99%, nhưng có một môi giới khác đã theo khách về tận nhà để xin số điện thoại, email khách. Sau đó thì gọi điện liên tục, mục đích là để thuyết phục khách hàng mua căn nhà của mình.
Cần làm sạch nghề môi giới
Từng mấy chục năm làm trong lĩnh vực môi giới bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, cho rằng chiêu thức cạnh tranh kém lành mạnh trong các nhóm môi giới không chỉ là hiện tượng cục bộ, mà còn phản ánh một thực trạng gốc rễ của ngành do việc thiếu hụt các quy chuẩn về nghề và các chế tài cụ thể cho người hoạt động trong lĩnh vực môi giới.
Đến những năm 2006, 2007 mới có quy định phải thành lập sàn giao dịch bất động sản, nhân viên phải có chứng chỉ liên quan đến môi giới để hành nghề. Nhờ các quy định này mà thị trường khi đó trở nên đồng bộ hóa, chuyên nghiệp hơn một chút.
Lãnh đạo Đại Phúc Land bày tỏ, vấn đề cạnh tranh không lành mạnh ở các môi giới cần được giải quyết ở tận gốc rễ, đòi hỏi sự tham gia nhiều bên.
Thứ nhất, các cơ quản quản lý phải ban hành những quy chuẩn cụ thể về năng lực môi giới, quy trình đào tạo, quản lý phân cấp và cả chế tài nếu có tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần phải đưa ra lộ trình phát triển cho môi giới, để các nhân sự nhìn thấy rõ con đường dài hạn, thay vì tập trung vào từng khoản lợi ích manh mún.
Thứ ba, chính là đến từ sự tử tế của các môi giới. Chúng ta đang bán các sản phẩm với giá trị hàng tỉ đến hàng trăm tỉ đồng, chúng ta không thể nào đạt được lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến đối tác, khách hàng của mình. Chúng ta phải có trách nhiệm với tài sản của khách hàng. Thị trường rất nhỏ, nếu muốn làm tốt thì hãy làm thật đúng thật chuẩn.
|
Bà Tracy Vũ, Head Of Universe Division tại ERA Vietnam cho rằng môi giới là một nghề nghiệp đáng được trận trọng. Bằng chứng là tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc hay Singapore, các môi giới muốn trụ vững với nghề không chỉ giỏi kỹ năng, mà còn phải trải qua các đợt thi sát hạch với tỷ lệ chấp nhận chỉ chiếm 15%. Bên cạnh đó, dịch vụ tư vấn cũng được ưu tiên hàng đầu bởi khách hàng có thể trực tiếp đánh giá môi giới thông qua các hệ thống ghi nhận trực tuyến. Nếu điểm đánh giá thấp, môi giới có nguy cơ phải tham gia sát hạch lại. Để một giao dịch thành công, người môi giới phải bỏ thời gian, công sức, trải qua quá trình pháp lý nghiêm ngặt. Do đó "cắt máu" hay giật khách chính là các hành động không lành mạnh, cho chính bản thân các bạn và cho cả nghề.
Bình luận (0)