'Để đưa tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng kịp thời thì truyền thông đóng vai trò rất lớn - vừa có vai trò môi giới, vừa có vai trò định hướng trong hoạt động tiếp nhận', TS Phan Mạnh Hùng, Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM, nhận định trong buổi tọa đàm Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN và trách nhiệm của các cơ quan truyền thông.
Vua thánh triều Lê, một tác phẩm đề tài lịch sử thành công của Sân khấu kịch IDECAF, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Kim |
Tọa đàm diễn ra sáng 5.12 tại Đài truyền hình TP.HCM với sự tham gia của nhiều nhà lý luận phê bình nghệ thuật, lãnh đạo các đơn vị báo chí, truyền thông trên địa bàn TP.HCM, lãnh đạo Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã bày tỏ sự trăn trở trước hiện thực cuộc sống hôm nay, khi mà đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa, nhưng đồng thời cũng có không ít biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Trong tình hình đó, xác định vai trò của văn học nghệ thuật và trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong việc xây dựng nhân cách con người VN được đặt ra một cách cấp thiết hơn lúc nào hết. Dù PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn nhắc lại ý kiến của mình tại một hội thảo quốc gia trước đó rằng “để xây dựng nhân cách con người VN mà chỉ lấy tác động của văn học nghệ thuật thôi là quá hẹp”, nhiều đại biểu vẫn cho rằng tác động của văn học nghệ thuật là hết sức quan trọng, “trong thực tế tác động của văn học nghệ thuật đối với sự hình thành nhân cách cá nhân là lâu dài, bền bỉ nhưng hết sức hiệu quả, bền chặt”, như ý kiến của TS Phan Mạnh Hùng. Ông Hùng cũng nêu ra những “đơn đặt hàng” cụ thể từ hiện thực cuộc sống, trong đó có việc giáo dục lòng yêu nước trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết bằng cách làm phim, dựng kịch lịch sử với chất lượng cao và dành thời lượng thích đáng để phổ biến những tác phẩm ấy.
Nhà báo Phạm Thu Nga, Trưởng ban Văn hóa - Nghệ thuật Báo Thanh Niên, đã trình bày trách nhiệm của truyền thông trước hiện tượng “thấy cái xấu, cái ác mà không bất bình, thấy cái đẹp mà không rung động, thấy cảnh bi thương lại thờ ơ” được gọi tên là “bệnh vô cảm” của không ít người Việt hiện nay. Tham luận của chị đề xuất những biện pháp để truyền thông góp phần đẩy lùi “bệnh vô cảm”, trong đó có việc cần viết thật hay về những tấm lòng vàng, những người dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái ác để tinh thần nhân ái, thiện lương được lan tỏa và khẳng định: “Nếu viết hay, những bài viết dạng này vẫn có lượng đọc cao không kém các tin bài “đen”, chẳng hạn các bài viết về việc lực lượng công an Đà Nẵng nỗ lực biến ước mơ thành chú công an của một em bé ung thư trở thành hiện thực vừa qua”. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này và cho rằng không chỉ tác phẩm nghệ thuật mới tác động tới nhân cách con người, mà một bài báo hay, một cái tin tốt cũng có tác động rất tích cực. Ông cũng cho rằng nếu muốn giá trị của các sáng tác văn học nghệ thuật được lan tỏa thì các cơ quan truyền thông phải quan tâm bồi dưỡng, khích lệ, đào tạo cán bộ, phóng viên, biên tập viên mảng văn học nghệ thuật, bởi “viết một tin, một bài báo thông thường thì dễ, nhưng viết về một tác phẩm văn học nghệ thuật không dễ chút nào”.
Đề kháng chống lại sự “xâm lăng văn hóa”
Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, cũng cho rằng một nền văn hóa giữ được cốt cách dân tộc sẽ là một nền văn hóa có sức đề kháng chống lại sự “ô nhiễm văn hóa” hay “xâm lăng văn hóa” một cách vô thức hay có ý thức. Ông Đào Duy Quát, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận VHNT T.Ư, sau khi kể kinh nghiệm người Pháp đã “chống lại” cuộc xâm lăng của “văn hóa Coca-Cola” từ Mỹ, cũng cho rằng nếu không kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách văn hóa đúng đắn, chúng ta cũng sẽ phải gánh chịu những hậu quả của cuộc “xăm lăng văn hóa” từ nước ngoài, khi mà hằng ngày trên các kênh truyền hình tràn ngập phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan...
|
Bình luận (0)