Hàng trăm dự án "vướng không gỡ"
Có mặt tại dự án Tân An Huy (H.Nhà Bè) sau gần 2 thập niên bán cho khách hàng, PV Thanh Niên vẫn thấy cảnh hoang tàn, lãng phí. Dù hạ tầng đã đầu tư được 30%, trạm xử lý nước thải có công suất 2.100 m3/ngày đêm đã được Sở TN-MT cấp phép hoạt động, khách hàng mua đất đã đóng đủ tiền, nhiều người thậm chí đã được chủ đầu tư bàn giao nền đất; thế nhưng họ không thể xây nhà vì chủ đầu tư còn nợ tiền thuế hơn 215 tỉ đồng (bao gồm tiền thuế gốc và tiền chậm nộp), dự án chưa đền bù xong khoảng 1 ha, dính đất công và hàng chục căn nhà xây dựng không phép chưa được xử lý. Dự án "trùm mền" thời gian dài khiến nơi đây trở thành "điểm nóng" về khiếu nại, khiếu kiện và xây dựng không phép. Các hạng mục hạ tầng đã xuống cấp.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân An Huy - chủ đầu tư dự án, cho hay đến nay đã 6 năm kể từ ngày UBND TP có kết luận chỉ đạo liên quan đến dự án, công ty đã nhiều lần có văn bản báo cáo tiến độ dự án, xin được đóng thuế, kiến nghị cho công ty khắc phục sai phạm để có thể hoạt động trở lại nhưng tất cả đều chìm trong im lặng, không hề có một buổi làm việc, công văn hướng dẫn doanh nghiệp phải làm gì, phải làm như thế nào. "Dù không hoạt động nhưng mỗi năm, doanh nghiệp chịu thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng tiền lãi phạt nợ thuế, tiền thuê người bảo vệ dự án, tiền cắt cỏ", ông Hải thở dài. Dù vậy, ông Hải cũng hy vọng vì hiện nay TP đã thành lập nhiều tổ công tác "giải cứu" doanh nghiệp, thậm chí từng lãnh đạo trong Thường trực UBND TP.HCM được giao tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về pháp lý cho từng dự án cụ thể để triển khai trở lại nhằm giao nhà cho khách hàng. "Dự án Tân An Huy đã "trùm mền" gần 20 năm, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong lãnh đạo UBND TP.HCM cho doanh nghiệp gặp trực tiếp để trình bày khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng khắc phục sai phạm. TP cần có hướng dẫn để doanh nghiệp phải làm thế nào, phải khắc phục sai phạm ra sao chứ không thể im lặng mãi như vậy", ông Hải nói.
Tân An Huy không phải là dự án duy nhất mà có đến 148 dự án vướng mắc pháp lý không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng. Suốt nhiều năm qua, các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhiều lần kêu gọi được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nhưng hầu hết không tiến triển.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có hàng loạt khu dân cư rất lớn, từ vài chục héc ta đến hàng trăm héc ta, bị treo hàng chục năm trời. Các dự án này đang bị "bỏ quên" không xử lý, nếu có cũng rất chậm. Đến nay, mới có một dự án hoàn thành tương đối chỉn chu là khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi do Công ty Thủ Thiêm thực hiện. Phần lớn các dự án còn lại như: khu đô thị mới Bình Trưng Đông - Cát Lái (154 ha), khu đô thị mới An Phú (87 ha), khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, khu dân cư Cát Lái (154 ha), khu dân cư Nam Rạch Chiếc, khu Tân An Huy... đều trong tình trạng nham nhở, dở dang.
Tại các dự án này, khách hàng mua nhà hơn 20 năm qua không xây được nhà, xây được nhà rồi thì không được cấp sổ đỏ, gây hậu quả rất lớn cho người dân, cho TP. Ông Lê Hoàng Châu đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa thêm các dự án nói trên vào chương trình, kế hoạch hành động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cho người dân. "Những dự án này treo mấy chục năm rất nhếch nhác, người mua nhà đất tại các dự án này rất khổ, hình thành những khu dân cư chỉ có cỏ, chứ người dân không về ở được, nhà nước cũng không thu được tiền sử dụng đất và làm xấu bộ mặt đô thị. Nếu giải cứu được, một nguồn lực rất lớn về đất đai sẽ được giải phóng và quan trọng nhất là có thể an dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng", ông Châu đề xuất.
Cần hành động cụ thể, dấn thân
Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng các lãnh đạo được phân công xử lý các dự án ách tắc đều là những người phụ trách chính trong các lĩnh vực được giao. Dự án chậm nguyên nhân chính do vướng mắc về pháp luật, một phần do thiếu quyết tâm. Trong đó, khung pháp lý không chỉ nằm ở TP mà còn ở T.Ư. Tuy nhiên, nếu các sở, ngành TP có quyết tâm, quyết liệt thì đã xử lý được không ít vấn đề.
Ngoài ra, theo ông Đinh Thế Hiển, nhiều dự án công hiện nay cũng đang gặp khó khăn nên có thể lãnh đạo TP ưu tiên xử lý các dự án cấp thiết, dự án ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, của đất nước trước. Tuy nhiên, những dự án ảnh hưởng, tác động đến nhiều người dân, cũng phải sắp xếp để xử lý. Đặc biệt, với những dự án thuộc thẩm quyền TP, những dự án có sẵn nguồn vốn thì nên thực hiện ngay việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng cũng đồng tình không chỉ các dự án đầu tư công, dự án hạ tầng mà việc "giải cứu" các dự án bất động sản đang dừng triển khai, dự án dở dang tại TP.HCM với nhiều nguyên do khác nhau cũng là vấn đề cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng nhận xét: Chính quyền và các doanh nghiệp đang phối hợp khẩn trương để đưa ra nhiều giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực và tái khởi động các dự án bằng cách lập những tổ công tác để rà soát từng dự án, giải quyết nhanh các vấn đề về giấy tờ pháp lý; rút ngắn quy trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp... Tuy nhiên những giải pháp, cách làm triển khai lâu nay chưa mang lại nhiều hiệu quả tích cực, còn rất khiêm tốn bởi còn tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy.
"Những ngày gần đây, khi Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương phải mạnh mẽ vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công, dự án hạ tầng và cả các dự án "trùm mền" hàng chục năm trời gây bao bức xúc cho người dân để chống lãng phí thì các nơi, trong đó có TP.HCM, đã có thêm nhiều chuyển biến. Động thái mới nhất là UBND TP.HCM giao cho Thường trực xử lý từng dự án cụ thể và có tiến độ rõ ràng", ông Hoàng nói. Chuyên gia này cũng cho rằng việc hồi sinh các dự án không chỉ là hình thức qua các cuộc họp, không chỉ nói suông mà cần phải có những hành động cụ thể. Phải thật sự dấn thân và phải làm việc có trách nhiệm. Người dân và doanh nghiệp đang rất trông chờ những chuyển biến quyết liệt từ TP.
Xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân để dự án tồn đọng
Trong kế hoạch triển khai biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ..., UBND TP.HCM nêu rõ: UBND TP sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.
Bình luận (0)