"BIỂU TƯỢNG" CỦA LÃNG PHÍ
Đứng trên cầu Nhật Lệ (TP.Đồng Hới) nhìn sang phía quảng trường biển Bảo Ninh, dễ nhận thấy 2 khối bê tông khổng lồ đối xứng nhau. Đây là 2 tòa nhà của dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh (Công ty CP du lịch Sài Gòn - Quảng Bình) và dự án khách sạn 5 sao Pullman (Công ty CP du lịch Hà Nội - Quảng Bình). Hai khối nhà xây xong phần thô đã nhiều năm, không có dấu hiệu sẽ hoàn thiện, trở thành biểu tượng cho sự lãng phí "đất vàng" giữa lòng TP.Đồng Hới.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh được khởi công từ tháng 7.2016. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào tháng 9.2020, nhưng tính ra đã "trễ hẹn" 3 năm. Ở phía đối diện, dự án khách sạn Pullman cũng đang dừng thi công hoặc thi công chậm chạp, với rất ít công nhân, chậm tiến độ hơn 54 tháng và đang nợ tiền thuê đất hơn 5,7 tỉ đồng.
Giữa đất vàng TP.Đồng Hới: Loạt dự án chậm tiến độ, nợ tiền thuê đất
Ở bán đảo Bảo Ninh, nơi được ví là "quả pha lê" xinh đẹp của du lịch biển Đồng Hới, còn có một số dự án đang "án binh bất động" sau khi được chính quyền giao những khu đất rất đẹp. Đơn cử dự án khu nghỉ dưỡng - khu nhà ẩm thực của Công ty TNHH Phú Ninh, được thuê 2 lô đất "vàng" liền kề 3 ha, sau 8 năm vẫn là bãi đất trống. Hay dự án khu resort Golden City chiếm 8,5 ha đất "vàng" ven biển nhưng hơn 5 năm nay chủ đầu tư vẫn chưa có động thái thi công, hiện mới xây hàng rào.
Ở khu vực biển Nhật Lệ, đối diện bán đảo Bảo Ninh, dọc đường Trương Pháp có hàng loạt dự án "khủng" dở dang, với những khối nhà cũ kỹ. Như dự án khách sạn Green Star 12 tầng (tổng diện tích sàn hơn 4.000 m2) do Công ty Green Star làm chủ đầu tư hiện cũng là khối bê tông, do đang vướng tranh chấp giữa chủ đầu tư, ngân hàng và cơ quan thi hành án.
CẦN NHỮNG BIỆN PHÁP MẠNH TAY
Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, gần đây, qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật sử dụng đất đai với các đơn vị thuê đất trên địa bàn, Sở đã chỉ ra hàng chục dự án không sử dụng đất trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng (so với thời điểm được bàn giao đất trên thực địa).
Ngoài các dự án vừa đề cập, có thêm một số dự án chậm trễ đặc biệt khác: khách sạn Coco's Boutique của Công ty TNHH tư vấn và đầu tư Hoàng Gia Phát (chậm tiến độ 128 tháng); khách sạn Đức Ninh Đông của Công ty xây dựng - thương mại Ninh Đức (chậm tiến độ 127 tháng); khu nhà hàng ẩm thực Phú Ninh của Công ty CP Phú Ninh (chậm tiến độ 82 tháng); Trung tâm vận chuyển hàng hóa và dịch vụ hàng không của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Đại Trường An (chậm tiến độ 57 tháng); Văn phòng điều hành và trưng bày sản phẩm nội thất của Công ty TNHH đầu tư Khải Tín (chậm tiến độ 49 tháng)…
Theo ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, với những dự án chậm tiến độ, giãn tiến độ mà có lý do bất khả kháng thì Sở yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, sớm xây dựng để đi vào hoạt động và buộc cam kết hoàn thành tiến độ nếu như được gia hạn. Riêng một số dự án "treo", chây ì, không triển khai, Sở sẽ có những biện pháp mạnh tay. Sở TN-MT sẽ thường xuyên thanh tra việc chấp hành pháp luật trong sử dụng đất đai, có văn bản gửi Bộ TN-MT, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, UBND tỉnh Quảng Bình để công bố công khai các dự án chậm tiến độ. Đối với các trường hợp phải xử lý, Sở TN-MT sẽ lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư và thu hồi đất theo quy định.
Bình luận (0)