Những sản phẩm này không chỉ chuẩn bị hành trang cuộc sống và công việc cho sinh viên RMIT, mà còn tác động tích cực lên xã hội.
Hỗ trợ trẻ tự kỷ
Ứng dụng di động EMODO giúp trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) cải thiện biểu cảm gương mặt nhằm truyền tải cảm xúc, đồng thời giúp người chăm trẻ hiểu các em muốn và đang hình thành cảm xúc gì.
|
Được phát triển bởi nhóm sinh viên ngành Kỹ sư phần mềm, ứng dụng hiển thị các dấu hiệu cảm xúc để trẻ có thể bắt chước và theo dõi phản ứng của các em thông qua hệ thống nhận diện biểu cảm khuôn mặt.
“Chúng tôi thiết kế và phát triển ứng dụng dành cho trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ vì muốn thấy nhiều em nhỏ hơn nữa có thể bộc lộ cảm xúc một cách dễ dàng và cải thiện khả năng nhận biết, phát triển cảm xúc và giao tiếp xã hội”, Khang, thành viên trong nhóm chia sẻ.
Cả nhóm cho biết gặp phải nhiều thách thức trong giai đoạn đầu phát triển ứng dụng, trong đó có việc nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thành phiên bản mẫu của dự án trong khoảng thời gian ngắn.
“Chúng tôi thiết kế sản phẩm bằng ngôn ngữ lập trình mới do Google phát triển nhưng có rất ít tài liệu về ngôn ngữ này, vì vậy chúng tôi phải tìm đáp án, và trải qua quá trình thử nghiệm và sửa lỗi đầy khó khăn mãi đến khi tạo ra được sản phẩm cuối cùng”, Hào, thành viên trong nhóm chia sẻ.
“Nhận dạng cảm xúc trên mặt không phải là một khái niệm mới nhưng ý tưởng thiết kế và phát triển cho mục đích hỗ trợ trẻ tự kỷ còn khá mới trong lĩnh vực thị giác máy tính”.
Nâng cao nhận biết cho những người bị trầm cảm
Sinh viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo Đặng Minh Khoa đã tạo một đoạn phim ngắn tìm hiểu các rối loạn tâm thần phổ biến trong đó có bệnh trầm cảm suốt thời gian giãn cách xã hội do Covid-19 trong năm 2020.
|
“Bạn sẽ dễ cảm thấy quá tải vì cảm giác vô vọng và cô lập trong khoảng thời gian nhiều biến động”, Khoa chia sẻ. “Tôi muốn giúp mọi người hiểu và thấu cảm với muôn mặt của trầm cảm mà nhiều người đang trải qua”.
Để nâng cao hiệu ứng kể chuyện hình ảnh, Khoa phối hợp các khái niệm ẩn dụ, chuyển động và bộ tài liệu số, chẳng hạn như đồng bộ giọng kể chuyện và hình ảnh ở mức độ cao, hiệu ứng chuyển động chữ cũng như kiểu chữ phù hợp.
Tri ân những người làm công việc thầm lặng
Còn sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp lại chọn kể chuyện về hai công nhân có thu nhập và trình độ học vấn thấp trên tạp chí Silence (Tạm dịch: Thầm lặng) để truyền tải thông điệp rằng tất cả mọi người đều xứng đáng được đánh giá cao và công nhận, bất kể họ làm công việc gì đi nữa.
|
Nhóm sinh viên đã trò chuyện với một cô công nhân vệ sinh và một bác bảo vệ, những người đang làm trong những môi trường hết sức khắc nghiệp với những công việc được xem là không cần tới chuyên môn.
Chia sẻ về cuộc phỏng vấn đêm khuya với cô công nhân vệ sinh, Phương Trinh, thành viên nhóm chia sẻ: “Cô công nhân mà chúng tôi phỏng vấn đã làm nghề này hơn 20 năm, phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt như những đêm lạnh giá trong môi trường ô nhiễm, và luôn phải làm thêm giờ suốt các kỳ nghỉ lễ”.
“Cô chia sẻ mọi người vẫn đánh giá thấp và thậm chí còn chế nhạo công việc của mình, vì vậy cô hy vọng nhận được sự thấu cảm và đối xử công bằng từ người khác".
Bác bảo vệ thì chia sẻ với nhóm rằng mức lương bác nhận được hầu như không đủ chi tiêu trong nhà dù bác làm việc 15 tiếng mỗi ngày và suốt các kỳ lễ.
“Bác nói với tôi rằng mọi người thường nghĩ nhân viên bảo vệ đều thô lỗ và thất học. Nhưng bất kể bạn là ai hay bạn đang làm công việc gì, đóng góp của bạn cho xã hội đều đáng được trân trọng và ghi nhận”, Dương, thành viên nhóm kết lời.
Các dự án này đang được trưng bày tại triển lãm trực tuyến IMPACT, với hơn 100 tác phẩm đổi mới sáng tạo và tạo ra tác động mạnh mẽ của sinh viên RMIT trong năm 2020.
Bình luận (0)