Những dự án vì cộng đồng

26/02/2016 07:37 GMT+7

Lo ngại thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp bằng những dự án nông sản đảm bảo chất lượng, nông sản thuận tự nhiên.

Lo ngại thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp bằng những dự án nông sản đảm bảo chất lượng, nông sản thuận tự nhiên.

Nhóm của Trung tại một cửa hàng rau an toàn của công ty - Ảnh: N.VNhóm của Trung tại một cửa hàng rau an toàn của công ty - Ảnh: N.V
Nguyễn Ngọc Trâm Anh, tốt nghiệp ngành truyền thông Trường ĐH RMIT đã khởi nghiệp bằng dự án “Living Juice”. Đây là dự án cung cấp nước ép trái cây không đường, không đá, không chất bảo quản, đảm bảo được hương vị tươi ngon thật sự của hoa quả. Dự án đã giành giải nhì trong cuộc thi “Forbes Start Up”, do tạp chí Forbes VN tổ chức cho các dự án khởi nghiệp trẻ.
Vì rất tâm huyết với dự án nên Trâm Anh đã dành 6 tháng đi về các vùng nông thôn tìm hiểu từng nguồn cung ứng trái cây. Từ những chuyến đi thực tế này, Trâm Anh đã tận mắt chứng kiến cảnh người làm vườn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đấy, Trâm Anh mạnh dạn chuyển “Living Juice” sang dự án “nông sản thuận tự nhiên”.
Với dự án này, Trâm Anh kết hợp với các kỹ sư nông nghiệp về các vùng quê giúp bà con nông dân chuyển sang hình thức trồng rau theo hướng hữu cơ, cung cấp nguồn rau sạch thuận tự nhiên ra thị trường.
Khi đã có được nguồn cung ứng rau hữu cơ thuận tự nhiên, Trâm Anh bắt đầu thành lập trang web Agrinature.me (Cộng đồng nông sản thuận tự nhiên) để giới thiệu và bán rau qua mạng.
Theo Trâm Anh, việc bán rau trồng theo phương thức hữu cơ hoàn toàn không dễ vì “rau được trồng theo phương thức này sẽ không “đẹp, xanh, mướt” như bao loại rau khác ngoài thị trường”.
Trâm Anh trong một chuyến khảo sát rau ở Đà Lạt
Trâm Anh trong một chuyến khảo sát rau ở Đà Lạt
Sau nhiều lần tư vấn và khách hàng sử dụng sản phẩm thấy hài lòng, trong vòng 2 tháng từ khi ra đời đến nay, lượng khách mỗi ngày của Agrinature tăng lên đáng kể. Mỗi ngày giao rau cho khoảng 40 hộ gia đình, mỗi tháng bình quân Trâm Anh thu nhập được 40 triệu đồng từ dự án.
Cũng bức xúc trước thực trạng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang lan rộng và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ngay từ năm thứ 2 đại học, Lê Chiêu Trung, sinh viên Trường ĐH Kinh tế (TP.HCM) đã nảy ra ý tưởng độc đáo.
Bắt đầu bằng việc đi tìm nguồn rau an toàn, Trung tìm về từng địa điểm trồng rau sạch để khảo sát. Sau một thời gian, tìm được nguồn rau đúng như mong muốn, Trung mua về và đến chào hàng với các tiểu thương ở chợ nhưng đều bị từ chối. “Lúc đó mình cũng nản vì công sức mình bỏ ra để đi tìm nguồn rau nhưng toàn nhận về những câu từ chối thẳng thừng như “an toàn gì mà an toàn, đắt như thế thì ai mà mua”, Trung tâm sự.
Không bán được ở chợ, Trung đến gõ cửa từng nhà dân để giới thiệu sản phẩm rau an toàn của mình. Nhưng cũng tốn một khoảng thời gian khá dài Trung mới nhận được sự tin dùng của nhiều người.
“Lúc đầu mọi người rất hoài nghi nhưng khi họ mua rau của mình về, thấy rau bảo quản được lâu nên họ tin là rau này an toàn. Hơn nữa, khi ăn họ cảm nhận được chất lượng của rau. Từ đấy mình mới có được nhiều mối để bán”, Trung chia sẻ.
Sau một năm đi tìm nguồn rau và bán cho người tiêu dùng, Trung đã gặp được những người bạn cùng chí hướng và bắt đầu thành lập Công ty TNHH Nông sản Nhà Quê, chuyên phân phối và bán lẻ rau an toàn tại các chợ truyền thống ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Đến nay, công ty của Trung đã có 4 cửa hàng và mỗi ngày cung ứng khoảng 400 kg rau củ quả an toàn ra thị trường.
Đây không chỉ là dự án nhằm giúp cải thiện chất lượng bữa ăn cho người tiêu dùng mà còn cải thiện được đầu ra cho người nông dân. “Có được đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá, người nông dân sẽ an tâm canh tác rau an toàn”, Trung nói.
Hiện nay, công ty của Trung đang nhân rộng thêm một cửa hàng bán thực phẩm tươi sống an toàn, không hóa chất, không chất bảo quản… nhằm đáp ứng được tối ưu nhu cầu của người tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.