Những đứa con của 'Quê chung'

29/09/2012 09:57 GMT+7

“Quê chung” đó là tên cầu truyền hình do Đài PTTH Nghệ An và Đài PTTH Quảng Trị phối hợp tổ chức tại hai điểm cầu H.Tân Kỳ (Nghệ An) và H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) vào đêm 26.9 nhân kỷ niệm 45 năm “Chiến dịch K8-K10”- một chiến dịch mang đậm tính nhân văn của một thời oanh liệt.

Những năm 1966-1967, miền đât lửa Quảng Bình và Vĩnh Linh- tuyến đầu của miền Bắc XHCN, lũy thép giới tuyến nước nhà bị địch bắn phá ác liệt. Những làng quê tan hoang, điêu tàn nhưng những người con đất thép đã khoét núi, đào hầm để tiếp tục sống và chiến đấu. Song vẫn còn đó hàng vạn thiếu nhi, những mầm non của đặc khu phải sống rất khó khăn giữa hai làn đạn…Nhận lệnh của Đảng và Bác Hồ, quân và dân Quảng Bình-Vĩnh Linh đã thực hiện kế hoạch K8-K10, một cuộc trường chinh có một không hai.

Riêng Vĩnh Linh đã đưa hơn 4,6 vạn học sinh, người dân Vĩnh Linh và các huyện phía Nam đang sơ tán tại Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc nhằm giữ hạt giống của miền đất này, được nhân dân ở đây thương yêu đùm bọc cho đến ngày hòa bình mới trở lại quê hương.

 Quê chung
Cầu truyền hình “Chung quê” lấy điểm nhấn với sự xuất hiện của rất nhiều nhân chứng lịch sử, tái hiện quá khứ “K8-K10” thông qua câu chuyện của họ

Ngoài những miền quê Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Hà, Nam Ninh, Thái Bình…thì Tân Kỳ Nghệ An) cũng là nơi từng cưu mang đùm bọc những con em đất thép. Không phải ngẫu nhiên mà hai miền quê cách xa nhau gần 400 km nhưng luôn trọn tình, vẹn nghĩa, gắn kết nhau giữa khúc ruột miền Trung…

Giai điệu của những Bài ca Vĩnh Linh, Bên ven bờ Hiền Lương, Tân Kỳ quê của muôn quê, Ai vô xứ Nghệ…như dẫn dụ mọi người quay trở về quá khứ. Và sau 45 năm đằng đẳng, những đứa trẻ đất Vĩnh Linh xưa giờ đã trở thành những nhân chứng lịch sử. Những câu chuyện họ kể làm xúc động bao người và thật khó cho ai đó ngăn được dòng nước mắt…

Đó là anh Trần Văn Khỏe (xã Vĩnh Hiền, H.Vĩnh Linh), đứa trẻ duy nhất may mắn sống sót trên chuyến xe định mệnh làm 40 em bị trúng bom Mỹ khi ngang qua Quảng Bình. Trớ trêu đó là đêm Noel, khi ông già Noel đi tặng quà cho thiếu nhi trên toàn thế giới thì các em lại không được sống… “Lúc ấy tôi 8 tuổi, đã hiểu thế nào là sơ tán đâu, chỉ nghe nói đi thì sẽ được ra Hà Nội, được gặp Bác Hồ là sướng lắm rồi.

Hành trang của tôi chỉ là một túi đựng áo quần, ít gạo rang và một ống tre đựng nước…Nhưng xe dính bom, bạn bè tôi chết hết, tôi bị thương rất nặng và chẳng còn biết gì nữa”- anh Khỏe kể lại. Phóng sự của Đài PTTH Quảng Trị đã ghi lại những ngôi mộ thiếu nhi ở xã Vĩnh Hiền, 40 em người ta chỉ tìm được 11 em. Các em nằm lại ở một góc khuất trong rừng tràm, um tùm cỏ dại, những nắm đất nhỏ không mộ bia, tên tuổi…Nhưng người ta sẽ còn nhắc đến sự hy sinh của huyền thoại, AHLĐ Nguyễn Chí Thành, bởi nếu không có anh lái xe đánh lạc hướng máy bay Mỹ thì có thể đã có thêm 20 em học sinh K8 Vĩnh Linh nữa phải nằm xuống…

Đó là chị Nguyễn Ánh Dương (một đứa trẻ Vĩnh Linh khác), người đã nhớ như in rằng ngày đó chị được bà nội cho vào thúng, gánh ra miền Bắc sơ tán. Năm 1972 khi trở về quê hương, gia đình chị đã không còn ai hết (cha mẹ và một em trai), chỉ còn trơ mỗi cái móng nhà giữa bình địa. “Tôi chỉ ước rằng giá như ngày đó bà nội đủ khỏe để gánh thêm em trai tôi hoặc là tôi sẽ ở lại…”-chị Dương òa khóc.

Nhưng cầu truyền hình về cuộc sơ tán lịch sử ấy không chỉ có những câu chuyện đau thương mà vẫn còn đó những cuộc trùng phùng sau nhiều năm xa cách. Là cái ôm hôm thật chặt của ông Nguyễn Thiện Tố (hiện là Phó GĐ Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị) và ông Bùi Xuân Mong (xã Nghĩa Hoàn, H. Tân Kỳ), đôi bạn từng một thời chăn trâu cắt cỏ, giúp nhau học tập. Là sự xúc động không nói thành lời của anh Đỗ Hữu Thiện (một người con Vĩnh Linh, hiện đang sống ở TP.HCM) lặn lội cả ngàn km để tìm ra người mẹ dân tộc Thổ (H.Tân Kỳ) đã cho anh lớn lên bằng dòng sữa và lời ru của bà.

Nói như ông Chu Văn Tiếp, nguyên trưởng ban tiếp nhận K10 (xã Kỳ Sơn, H.Tân Kỳ) thì: “Ngày đó chúng tôi cũng sống trong chiến tranh, đời sống khó khăn nhưng ai cũng tự hào khi đón những người con lũy thép ra ở chung. Chúng tôi đã chung giường chung chiếu, chung củ sắn củ khoai đến gian thờ tổ tiên cũng chung nốt…”.

Trong khi đó một cựu học sinh K8 khác cũng xúc động nói rằng: “Ngày còn nhỏ tôi chưa hiểu nhưng khi có gia đình, có con tôi mới thấu sự vất vả của người làm cha làm mẹ. Ấy vậy mà ngày xưa, có gia đình ở Tân Kỳ nuôi một lúc 3,4 đứa trẻ dưng mà xem như con đẻ trong 7 năm trời ròng rã…”.

Nhờ những tấm lòng đó, những con người đó mà đã có một ngôi trường cấp 3 Vĩnh Linh mọc lên ngay trên đất Tân Kỳ, để giờ đây những cựu học sinh thành đạt trở về thăm lại trường xưa quê cũ không khỏi bồi hồi xúc động. Thầy trò gặp nhau, bạn bè nhìn nhau chỉ biết cười mà…khóc.

Tân Kỳ và Vĩnh Linh nay đã đổi thay, nhưng cái tình của họ dành cho nhau vẫn vậy, vẫn vẹn nguyên sau 45 năm. Và trong cái riêng của “mối tình” quân dân 2 huyện ấy là cái chung của một thời “K8-K10” nghĩa tình...

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.