1. Một bà mẹ kể chuyện cuối năm học lớp 11 của con gái, trường tổ chức buổi cắm trại qua đêm ở một khu du lịch khá hoang sơ. Trong cuộc họp, cô giáo thông báo và hỏi phụ huynh có ý kiến gì không.
Các bà mẹ phát biểu xoay quanh việc ăn uống của các cháu sao cho đảm bảo vệ sinh. Cô đặt vấn đề mua cơm hộp vì sợ các cháu không biết nấu nướng, loay hoay bếp núc không có thời gian chơi. Nhiều bà mẹ cho rằng ăn cơm hộp không ngon lại không đảm bảo vệ sinh. Cuối cùng, các bà mẹ hăng hái đảm nhận vai trò phục vụ lớp ăn uống hai bữa trưa và chiều. Các ông bố lo khâu vận chuyển thức ăn. Tóm lại các bạn nhỏ cứ việc balô lên đường, đến nơi cắm lều trại xong rồi chơi, chờ thức ăn mang đến.
Phải nói thật vui vì các mẹ hăng hái hệt như chính họ đi cắm trại vậy... Họ bắt đầu từ sáng sớm. Thực đơn buổi sáng là cơm gà, buổi chiều cơm trắng và những món xào, kho... Thức ăn cho vào từng hộp, có bà mẹ biết con mình không ăn được thứ này, thứ khác phải đánh dấu hộp cơm riêng và ghi tên con trên đó. Nhưng khi mang cơm đến, không thấy các con mình chơi gì. Hỏi ra mới biết dựng lều trại xong xuôi, các bạn nhỏ kéo nhau ra suối chơi một lúc chán quá, vào lều đánh bài rồi cũng chán, không biết làm gì đành đứng chờ phụ huynh mang cơm đến!
Buổi cắm trại thành công, các em được ăn những món ngon do các mẹ nấu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chính các bà mẹ đã làm con trẻ mất đi cơ hội tập luyện kỹ năng sống. Sai lầm là việc bao cấp cơm nước mà đáng lý ra phải để cho con trẻ tự tổ chức. Các mẹ muốn con cái có thời gian chơi đã quên mất chính việc nấu nướng cũng là... chơi.
2. Một bà mẹ khác kể trong gia đình, nếu bà hoàn toàn ủng hộ việc con cái phải biết làm việc nhà thì chồng ngược lại, muốn “úm” con cái. Cậu con trai lớp 11 cao hơn bố, vậy mà sáng nào đi học sớm bố luôn có điệp khúc quen thuộc là nhắc con... uống sữa. Con trai bày bừa quần áo, ông lẳng lặng dẹp (bà thì quát um lên và bắt con phải dọn). Con trai không biết ủi quần áo, nếu bà không ủi thì chồng sẽ đảm nhận việc này. Có hôm bà nhờ thằng bé đi mua gạo, khi nó mang bao gạo về, chồng buột miệng: “Con biết đi mua gạo rồi hả?”.
Thật ra việc nhà không có gì nhiều, loanh quanh quét nhà, dọn dẹp, nấu ăn, giặt giũ... Nếu bà mẹ biết sắp xếp, mọi thứ sẽ gọn gàng, khiến con cái không có cơ hội giúp mẹ. Vả lại, nhìn lại thời khóa biểu của con cái hầu như chúng không có thời gian rảnh! Lại thêm sự hiện diện của máy tính khiến con người lười vận động tay chân, kéo con cái ra đời thực là cả vấn đề.
Mới thấy để thay đổi nếp nghĩ và cương quyết hơn trong việc không “bọc đường” con cái, giúp con trẻ không yếu ớt, mất tự tin dễ dẫn đến mất phương hướng chẳng đơn giản chút nào!
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)