Nằm trong con hẻm nhỏ, xưởng gia công cá bò của bà Trần Thị Kim Vân (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, H.Thăng Bình) thu hút khoảng 50 lao động, trong đó có 35 lao động trẻ em.
Những cô bé, cậu bé này đa phần có cha và anh đã mất trong cơn bão Chanchu hồi năm 2006. Dưới trời nắng gắt, nhưng các em ngồi trong nhà làm việc rất chăm chỉ. Có lẽ, nắng gió mang theo hơi nặng của nước biển thổi vào làm làn da các em đen sạm lại, mặt mũi nhìn hốc hác. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, non nớt nhưng đôi bàn tay đã sớm chai sàn vì lam lũ, nghèo khó.
tin liên quan
Cứu tàu cá từng sống sót thần kỳ sau bão Chanchu11 ngư dân cùng tàu cá ĐNa 90369 được tàu cứu nạn SAR 412 đưa về đến Đà Nẵng an toàn.
Nguyễn Văn Thiện (11 tuổi, học lớp 6, ở thôn Bình Tịnh) đang loay hoay bốc từng nắm cá nhỏ bỏ vào khuôn. Thiện chào đời khi chưa một lần được thấy mặt bố, lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của mẹ và chị. “Em chỉ biết mặt ba qua di ảnh trên bàn thờ mà thôi…!”, Thiện chùng lại, rồi cho biết hàng ngày mình cùng chị gái theo mẹ ra xưởng cá bò làm kiếm tiền mua sách vở, quần áo mới chuẩn bị cho ngày khai giảng đang cận kề. “Đã ba năm nay hai chị em em chưa biết ngày nghỉ hè là gì”, Thiện tâm sự.
Ngồi làm cá bò đối diện con trai mình, bà Trần Thị Minh (42 tuổi, mẹ Thiện), tiếp lời: “Trước khi ra khơi anh ấy hứa sẽ sớm trở về chăm sóc cho mấy mẹ con. Lời hứa đó anh ấy không bao giờ thực hiện được, anh ấy ra đi mãi không trở về. Biết con còn nhỏ mà phải chịu cực khổ, tôi xót lắm. Nhưng để có cái ăn thì phải lao động thôi”, bà Minh nghẹn lại.
tin liên quan
'Chuyển' sân trường từ sân thượng xuống đấtViệc “chuyển” sân trường từ sân thượng xuống đất mất tới 30 năm mới làm được. Sự kiện khánh thành Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5, TP.HCM) dịp khai giảng này là như thế. Nhiều phụ huynh và thầy trò mừng đến... cay mắt.
Đồng cảnh ngộ với Thiện, em Nguyễn Thị Thúy Lực (16 tuổi, học lớp 10), sớm mất cha trong cơn bão Chanchu khi em vừa tròn 5 tuổi. Lực cho hay năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp nghỉ hè em lại cùng mẹ ra xưởng cá bò của cô Vân để xin làm thêm. Cũng giống như các bạn, ngày làm việc của Lực bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng và kết thúc vào 17 giờ cùng ngày. Làm ăn theo sản phẩm, 1kg cá bò các em được trả từ 6 - 7 ngàn đồng. Nếu làm việc chăm chỉ, một ngày có thể đóng khuôn được 10kg cá bò/ngày. “Nguồn thu chính của ba mẹ con em dựa vào anh trai nhưng cách đây hơn 1 năm anh bị tai nạn giao thông giờ phải nằm một chỗ. Xưởng cá này là chỗ dựa duy nhất để em cùng mẹ kiếm tiền nuôi anh trai. Phần nữa để mua sách vở, áo quần và tiền đóng học phí cho năm học mới”, Lực buồn bã nói.
Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch Hội khuyến học xã Bình Minh, nói những đứa trẻ đang làm việc trong xưởng cá bò đa số là trẻ mồ côi, dù khó khăn nhưng các cháu đều ao ước được đến trường. “Chính cái nghèo đói của vùng đất cát khô cằn này đã tạo nên những đứa trẻ ngoan hiền, chăm chỉ”, ông Tám nhận định.
Không chỉ có Thiện, Lực mà tại xưởng cá bò này, hơn 30 đứa trẻ tội nghiệp khác cũng đang chạy đua với thời gian để kiếm tiền. Bởi với các em, ngày khai giảng đã cận kề. Thế mới biết, hè không hẳn là những trò chơi dân dã, mà niềm vui của những đứa trẻ làng biển là bên những xưởng cá. Vẫn còn nhiều em nhỏ không may mắn đang vất vả mưu sinh, để đến ngày khai giảng năm học mới, những quyển sách, quyển vở, cây bút mang đến trường đều do các em đổi lấy bằng sức lao động của mình và đằng sau đó là những ước mơ còn dang dở đang chờ các em viết tiếp.
tin liên quan
Bố ăn mì suốt 7 năm để dành tiền cho con gái đi họcĐể có tiền cho con gái đi học theo đuổi ước mơ, ông Hầu Ngạn Vệ chấp nhận ăn mì và bánh bao suốt 7 năm liền.
Bình luận (0)