Những đứa trẻ tự kỷ làm nên điều kỳ diệu: Cậu bé thích đọc thơ đã biết thương mẹ

06/04/2024 12:23 GMT+7

Sau 6 tháng can thiệp chứng rối loạn phổ tự kỷ, chị Ngọc Huệ biết đây là một hành trình dài nên bàn với chồng bán nhà ở quê lên TP.HCM sống để cùng con đi tiếp.

Căn trọ hơn 10 m2 của gia đình chị Trương Thị Ngọc Huệ (39 tuổi) nằm trong con hẻm nhỏ ở H.Hóc Môn. Sau giờ cơm tối, cậu bé Minh Huy (8 tuổi) ngồi ngay ngắn cạnh chiếc bàn xếp chuẩn bị ôn bài. Tiếng nói, tiếng cười và tiếng Minh Huy dạy em gái đọc chữ cái, đọc thơ cho mẹ nghe rộn ràng góc hẻm vắng. Chẳng ai có thể nhận ra Huy là một cậu bé rối loạn phổ tự kỷ, nếu chị Ngọc Huệ không nhắc lại chuyện xưa…

Xa quê...

Mùng 6 tết năm 2018, chị Huệ bắt xe đò cùng đứa con trai đầu lòng từ quê TX.Kiến Tường, Long An lên TP.HCM thăm khám cho con. Hành trang chỉ mang theo bộ quần áo, chị không biết đó là khởi đầu của một hành trình dài xa quê.

2 tháng, rồi nửa năm trôi qua, người mẹ quyết định bàn với chồng bán nhà ở quê, chuyển hẳn lên TP.HCM sống. Vậy là đã 5 năm vợ chồng chị đồng hành, cùng nhau "tìm lại một cậu bé bình thường trong con".

Lúc bấy giờ, Minh Huy dù đã hơn 2 tuổi nhưng chưa bật âm nói được từ nào. Cậu bé không ăn cơm mà chỉ ăn cháo. Ánh mắt em dường như không muốn đối diện với bất kỳ ai. Mới kết hôn và dọn ra ở riêng thì khu nhà bị giải toả, vợ chồng chị Huệ tất tả vay mượn, bán hết vàng cưới cất căn nhà nhỏ, mong ổn định cuộc sống.

Công việc bận rộn, lo toan nhiều thứ nên hai vợ chồng ít có thời gian bên con. Huy nhiều năng lượng, không chịu ngồi yên một chỗ. Nửa đêm, em thường bật dậy khóc lớn. Chị Huệ đã có những lúc bất lực, phải bật ti vi cho con ngồi xem, còn mình thì thiếp đi vì quá mệt.

"Đến giờ, tôi vẫn còn dằn vặt bản thân. Liệu có phải trước đây do mình không dành nhiều thời gian bên con nên con mới tự kỷ", chị Huệ bật khóc, mở đầu câu chuyện.

Những đứa trẻ tự kỷ làm nên điều kỳ diệu: Cậu bé thích đọc thơ đã biết thương mẹ- Ảnh 1.

Chị Huệ cùng con tham gia một hoạt động ngoài trời ở công viên để giúp Huy tự tin, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp.

NVCC

Tin con làm được: "Hành trình dài lắm, thôi thì bán nhà để lo cho con"

Chuyến xe đưa 2 mẹ con chị Huệ đến bệnh viện. Bác sĩ không mất nhiều thời gian để kết luận Huy mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Chị Huệ cho biết, khi được bác sĩ giải thích, cộng thêm về nhà tự tìm hiểu thông tin mới thấy Huy có hết những hành vi, biểu hiện của chứng rối loạn này.

Ngoài việc điều trị ở bệnh viện, chị Huệ thuê thêm giáo viên hỗ trợ cho con. Sau nửa năm, Huy mới bắt đầu bật được âm, biết chỉ tay khi muốn lấy vật gì đó.

Càng đồng hành cùng con, càng đọc nhiều thông tin về rối loạn phổ tự kỷ, chị Huệ thấy đây là một hành trình chưa biết ngày kết thúc. Vậy là chị quyết định gọi điện về cho chồng giục bán nhà, chuyển lên thành phố để cả gia đình cùng đồng hành.

Trong lúc chờ bán nhà, chồng chị Huệ nộp hồ sơ xin việc ở thành phố. Họ cũng nguyện trong lòng nếu bán có lời sẽ dùng một nửa tiền lời cho việc tu sửa nhà thờ ở quê.

"Tiền xây nhà chủ yếu vay mượn người thân và ngân hàng, sau khi trả hết các món nợ thì dư 40 triệu đồng. Chúng tôi tặng nhà thờ một nửa như đã nguyện, với niềm tin con sẽ nhanh tiến bộ", chị Huệ kể.

Những đứa trẻ tự kỷ làm nên điều kỳ diệu: Cậu bé thích đọc thơ đã biết thương mẹ- Ảnh 2.

Một buổi tối khi ba của Huy phải đi làm nên em được mẹ hướng dẫn ôn bài.

Phan Diệp

Những đứa trẻ tự kỷ làm nên điều kỳ diệu: Cậu bé thích đọc thơ đã biết thương mẹ- Ảnh 3.

2 anh em Huy thường được ba mẹ dẫn ra ngoài. Qua những buổi đi chơi, họ nói chuyện và dạy con nhiều điều, giúp Huy nhanh tiến bộ.

NVCC

"Tham gia nhiều hội nhóm, trực tiếp nghe tư vấn của bác sĩ, hễ biết được thông tin gì mới vợ tôi đều về truyền đạt lại cho những người trong gia đình. Minh Huy may mắn là được tất cả thành viên trong gia đình đồng hành", anh Nguyễn Bảo Hoàng (38 tuổi), chồng chị Huệ nói.

Chồng chị Huệ hiện đang làm nhân viên trong một kho hàng. Chị cũng ổn định với công việc nhân viên văn phòng, thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống ở thành phố.

Đến 5 tuổi, Huy nói được những câu ngắn, giảm hành vi tăng động. Cô giáo can thiệp dạy chữ cái, dạy số và thấy Huy ghi nhớ nhanh, khẳng định em có thể vào lớp 1 cùng các bạn đồng trang lứa.

Đầu năm học, hôm nào chị Huệ cũng tranh thủ đi sớm, vào trường tìm gặp những học sinh cùng lớp con để "nhờ vả". Người mẹ gặp từng bạn nhỏ, tha thiết ngỏ ý: "Khi nào con chơi trò gì thì rủ Minh Huy chơi với nhé. Nếu cô có nhắc nhở làm bài tập thì con nhắc Huy làm với nhé".

Quyết định đúng đắn nhất đời

Nhờ sự kết nối của mẹ, sự quan tâm của cô giáo vỡ lòng, Minh Huy được nhiều bạn trong lớp yêu mến. Buổi tối, Huy được ba mẹ hỗ trợ ôn bài. Cuối tuần thì dẫn em đi tham gia các hoạt động ngoại khoá.

Gần 1 năm nay, Huy gắn bó với nhóm Hi Future - Chào tương lai do chị Nguyễn Lê Thảo Nguyên - biên tập viên Đài truyền hình TP.HCM sáng lập. Nhóm hỗ trợ không gian sinh hoạt chung, định hướng nghề nghiệp cho trẻ phổ tự kỷ, Minh Huy có cơ hội tham gia nhiều hoạt động, trau dồi kỹ năng.

Những đứa trẻ tự kỷ làm nên điều kỳ diệu: Cậu bé thích đọc thơ đã biết thương mẹ- Ảnh 4.

Huy tự tin làm nhiệm vụ check-in cho khách tham gia sự kiện của nhóm Hi Future.

Phan Diệp

Giọng truyền cảm, thích đọc thơ thơ nên Huy thường được phân công mở đầu chương trình trong các sự kiện nhóm tổ chức. Từ một cậu bé chậm nói, không có tương tác với bất cứ ai bên cạnh, Huy giờ tự tin đứng trước hàng chục người đọc thơ.

"Sau những buổi như vậy, con phát triển khả năng ngôn ngữ, đọc và nói tốt hơn. Nhóm Hi Future giúp lan tỏahình ảnh của các bạn nhỏ phổ tự kỷ đến với cộng đồng. Từ đó giúp mọi người có cái nhìn cởi mở và yêu thương những bạn này nhiều hơn", chị Huệ chia sẻ.

Vợ chồng chị Huệ không biết Minh Huy sẽ phải cần can thiệp đến khi nào. Chỉ biết rằng quyết định cùng nhau lên thành phố tìm cách đồng hành cùng con là điều đúng đắn nhất đời họ dành cho con.

So với các bạn trong lớp, lực học của Huy không bằng nhưng em có khả năng ghi nhớ nhanh. Chị Huệ phát hiện khả năng này của con năm Huy lên 4 tuổi. Sau khi sinh bé thứ 2, vì nghỉ thai sản một thời gian dài nên lúc chở Huy đến bệnh viện, chị Huệ quên đường. Đang loay hoay tìm đường thì Huy xung phong, chỉ đường cho mẹ lái xe một mạch đến bệnh viện mà không cần bản đồ.

Những đứa trẻ tự kỷ làm nên điều kỳ diệu: Cậu bé thích đọc thơ đã biết thương mẹ- Ảnh 5.

Tấm thiệp Huy làm tặng mẹ dịp 8.3.

NVCC

Những đứa trẻ tự kỷ làm nên điều kỳ diệu: Cậu bé thích đọc thơ đã biết thương mẹ- Ảnh 6.

Huy ôm chầm lấy mẹ và em gái sau khi đọc xong bài thơ Mẹ - tác giả Trần Quốc Minh.

Phan Diệp

Tin con làm được: Sau những đêm không ngủ được, hạnh phúc cũng tìm đến...

3 năm tiểu học, Huy ghi nhớ tốt từ vựng tiếng Anh, năm nào cũng được giáo viên khen. Một buổi tối, Huy có thể đọc thuộc bài thơ ngắn khoảng 12 - 16 câu.

Trước những vấn đề cần sự tư duy, tính toán, Huy phải được mẹ, cô giáo gợi ý đôi lần mới có thể hiểu. Nhưng thực tâm người mẹ biết chắc chắn rằng, con trai mình luôn và quan tâm và nghĩ nhiều đến ba mẹ và em gái.

Mỗi lần mẹ đi làm về trễ, em thường hỏi mẹ có mệt không? Thấy mẹ mắc mưa, em hỏi mẹ có ướt không, có lạnh không? Hay khi chị Huệ bị bệnh, em giục ba nhanh nhanh đi mua thuốc cho mẹ.

Ngồi cạnh chị Huệ, Huy đọc lại bài thơ yêu thích nhất. "Những ngôi sao thức ngoài kia. Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con. Đêm nay con ngủ giấc tròn. Mẹ là ngọn gió của con suốt đời", giọng cậu bé thỏ thẻ, rồi ôm chầm lấy mẹ với nụ cười hiền.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.