Nhà chức trách Mỹ tuần qua đã phát hiện 6 đường hầm bí mật được đào xuyên qua đường biên giới giữa nước này và Mexico. Đây chính là những địa đạo mà các băng đảng tội phạm sử dụng để tuồn người nhập cư bất hợp pháp, ma túy và nhiều loại hàng lậu khác từ Mexico vào Mỹ. Lối đi dưới lòng đất này cũng có thể từng in dấu chân của bọn khủng bố.
Hãng tin AP cho biết một trong những địa đạo bị phát hiện vào tuần trước dài khoảng 730m, nối một nhà kho gần sân bay Tijuana ở Mexico với một căn nhà ở khu Otay Mesa nằm tại hạt San Diego, thuộc bang California của Mỹ. Do hai cửa địa đạo đều nằm trong nhà nên bọn tội phạm đã dễ dàng che mắt cảnh sát. Nhà chức trách Mỹ đã huy động 100 xe tải bơm vôi vữa vào để bịt kín 6 địa đạo mới được phát hiện. Bộ An ninh nội địa đã chi 2,7 triệu USD cho công việc lấp "hang chuột chũi" này.
Đây không phải là lần đầu tiên nhà chức trách Mỹ và Mexico phát hiện các đường hầm xuyên biên giới. Theo AP, kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, người ta đã phát hiện 53 địa đạo có cấu trúc khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Việc lực lượng hải quan, quản lý di trú, biên phòng, quân đội và cảnh sát Mỹ tăng cường kiểm soát cùng với hàng rào kiên cố ngăn dọc biên giới với Mexico đã buộc các băng đảng tội phạm phải tìm con đường khác để đột nhập vào Mỹ.
Báo Los Angeles Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết trong vòng khoảng 15 năm trở lại đây, các trùm ma túy đã chi hàng triệu USD để thiết lập "lối đi an toàn" từ Mexico vào Mỹ, trong đó có hệ thống địa đạo bí mật. Với nguồn tài chính khổng lồ, bọn tội phạm đã xây dựng được những đường hầm hết sức quy mô, khiến giới thực thi pháp luật phải kinh ngạc.
Đường hầm dài khoảng 730m được đề cập ở trên là công trình phức tạp nhất của bọn tội phạm mà nhà chức trách Mỹ phát hiện được từ trước đến nay. Bọn tội phạm đã sử dụng bê tông làm vách và trần hầm. Dọc đường hầm có "nhà kho", hệ thống quạt gió, đèn chiếu sáng, ròng rọc, dây điện, điện thoại và máy bơm nước. Điều này cho phép bọn tội phạm có thể án binh bất động hàng tuần dưới hầm trong trường hợp bị truy quét gắt gao trên mặt đất. F.Marwood, người đứng đầu Đội đặc nhiệm truy tìm địa đạo tại thành phố San Diego của Mỹ, nhận định rằng chỉ có các tập đoàn tội phạm lớn cỡ như băng Arellano-Felix ở Tijuana, Mexico, mới đủ sức làm "siêu địa đạo" này. Trong nhiều trường hợp, bọn tội phạm có thể thuê kỹ sư xây dựng thiết kế và thi công đường hầm. Bên cạnh hệ thống "siêu địa đạo", còn có một số đường hầm thô sơ, có thể do các nhóm tội phạm nhỏ hoặc dân vượt biên đào.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, giới chức Mỹ và Mexico không ngừng tăng cường chiến dịch phát hiện địa đạo xuyên biên giới bởi người ta lo ngại rằng ngoài dân nhập cư trái phép và tội phạm ma túy, các mạng lưới khủng bố cũng có thể sử dụng hệ thống mật đạo này để chuyển người và vũ khí. Mỹ đã thiết lập hẳn một cơ quan đặc trách việc phát hiện hầm ngầm. Lực lượng này sử dụng các thiết bị hiện đại như máy phát hiện âm thanh đào đất để phục vụ cho chiến dịch "chống chuột chũi". Lực lượng an ninh Mỹ và Mexico cũng có nhiều chương trình hợp tác, chia sẻ thông tin, dẫn tới việc phát hiện nhiều đường hầm bí mật và các lô hàng ma túy khổng lồ.
Báo Union Tribune của Mỹ cho biết vào tháng 1/2006, cảnh sát Mexico đã phát hiện đường hầm dài khoảng 900m, nối một nhà kho ở Tijuana với một nhà kho ở Otay Mesa nằm phía bên kia biên giới. Dưới đường hầm này có 2 tấn cần sa mà bọn tội phạm chưa kịp tẩu tán. Phát hiện này khiến nhiều người giật mình lo ngại bởi ngoài các lô hàng ma túy, người nhập cư bất hợp pháp, bọn tội phạm có thể đã tuồn vũ khí hoặc đưa các phần tử khủng bố nguy hiểm xâm nhập nước Mỹ thông qua những mật đạo này.
Châu Minh Linh
Bình luận (0)