Cuối cùng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng kết luận tại cuộc họp ngày 20.4 về công tác triển khai, thực hiện xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng rằng: trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế điều hành xuất khẩu của các bộ, cơ quan còn bất cập trong tổ chức đăng ký hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4.2020, cũng như sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
Ông cũng yêu cầu hai bộ Công thương, Tài chính “cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để bảo đảm việc triển khai nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao được thực hiện một cách hiệu quả nhất”. Như vậy, đã có hai địa chỉ đích danh được Phó thủ tướng yêu cầu nhận trách nhiệm, dù nó chỉ mới ở mức độ “cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, dù vẫn phải vật lộn với các tờ khai hải quan có lượng gạo lớn nằm chờ tại cảng đang tốn kém rất nhiều chi phí cũng kịp thở phào nhẹ nhõm thay cho sự ấm ức dồn nén hơn 10 ngày qua không biết “xả” đi đâu.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng không đứng ngoài cuộc khi chính thức có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị xem xét và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định gây tổn hại đến lợi ích doanh nghiệp, người dân.
Rõ ràng, câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo thoạt chừng khá đơn giản nhưng cơ chế điều hành giữa liên bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khiến vấn đề trở nên phức tạp.
Câu chuyện gạo nếp là một ví dụ. Mặt hàng này từ lúc hai lần dự thảo cho đến khi được đặt lên bàn để Thủ tướng quyết định nối xuất khẩu trở lại sau khi bị gián đoạn tạm dừng, chưa từng bị xếp vào diện cấm, hay không được phép xuất khẩu.
Nhưng, nếu trong quyết định công bố hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4.2020 mà Bộ Công thương ban hành, chỉ cần “phết” vào vài chữ: không bao gồm gạo/thóc/tấm/nếp, thì có lẽ “ba bộ, bốn ngành” đã không phải gửi công văn hỏa tốc các kiểu chỉ để xin ý kiến cho nếp được tiếp tục xuất khẩu. Và hàng của doanh nghiệp cũng đã không bị hải quan “vịn” lại ở cảng do bị hiểu nằm trong diện buộc phải có hạn ngạch mới được giải quyết. Những đứt gãy khi vận hành cơ chế điều hành xuất khẩu gạo trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” thế này, lẽ ra không nên có.
Hy vọng, vẫn còn kịp để các bên có trách nhiệm “hàn” lại các mối nối còn lỏng, đặc biệt sau cuộc họp mà Bộ Công thương vừa tổ chức ở TP.HCM ngày 22.4 để tìm phương án xuất khẩu gạo cho tháng tới có được giải pháp khả dĩ nhất, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bình luận (0)