Những giả thuyết chính lý giải về nguồn gốc của địa danh Sài Gòn

30/06/2022 14:23 GMT+7

Sài Gòn, một địa danh quen thuộc, song chúng ta đâu phải ai cũng biết hết về nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Sài Gòn, kể cả danh hiệu "Hòn ngọc Viễn Đông" và cụm từ "Sài Gòn hoa lệ" còn nhiều bí ẩn?

Trước hết, xin được giới thiệu sơ qua về địa danh mà ngày nay chúng ta gọi là Sài Gòn (hay TP.HCM ngày nay):

Năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả người con gái thứ hai là công nữ Ngọc Vạn (玉萬) cho vua Chân Lạp Chey Chetta II (ជ័យជេដ្ឋាទី២). Qua sự tác động của công nữ Ngọc Vạn, vua Chey Chetta II cho phép người Việt đến sinh sống và lập nghiệp ở Prei Nokor.

Bản đồ Sài Gòn (Saigon 1928)

ongvove.files.wordpress.com

Theo Từ điển tiếng Khmer, prei (ព្រៃ) có nghĩa là rừng; nokor (នគរ) là từ gốc tiếng Phạn ( नगर, nágara), nghĩa là thị trấn hoặc vùng đất. Vậy, Prei Nokor là thị trấn trong rừng hoặc vùng đất có rừng.

Về sau, vùng này thuộc Gia Định thành của người Việt. Năm 1859, người Pháp chiếm thành Gia Định, đến ngày 15 tháng 3 năm 1874, Tổng thống Pháp Jules Grévy ban hành lệnh thành lập thành phố Sài Gòn từ vùng Prei Nokor trước đây. Tuy nhiên, cái tên 嘉定 (Gia Định) trong Hán ngữ vẫn được sử dụng và viết trên các bản đồ của nhóm ngôn ngữ Hán (Sinitic languages) cho đến năm 1891.

Có 4 giả thuyết chính về nguồn gốc của địa danh Sài Gòn

Thứ nhất, Sài Gòn có nguồn gốc từ chữ 西貢, đọc theo tiếng Quan Thoại là xī gòng, âm Hán Việt là Tây Cống. Song trên thực tế, 西貢 (xī gong) chỉ là chữ phiên âm của Sài Gòn, không có nghĩa “cống phẩm phía Tây” như nhiều người nhận định.

Thứ hai, Sài Gòn là cách đọc trại của chữ 堤岸 (tiếng Quảng Đông phát âm là tai-ngon (thầy ngòn), âm Hán Việt là Đề Ngạn), bởi vì, theo lịch sử, trước năm 1698, người Minh Hương đã đến cư ngụ tại một vùng rộng khoảng 1 km2 thuộc địa phận Prei Nokor (Chợ Lớn ngày nay) và gọi khu vực này là “thầy gòn”, về sau người Việt đọc trại thành Sài Gòn.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngày xưa, Sài Gòn còn là địa danh dùng để chỉ những nơi khác ở Prei Nokor, ví dụ như khu vực rộng khoảng 3 km2 (thuộc quận 1 ngày nay), do đó không có khả năng Sài Gòn có nguồn gốc từ “thầy gòn”.

Bản đồ các quận tại TP.HCM

keenland.com.vn

Thứ ba, Sài Gòn là từ phiên âm của Prei Nokor (ព្រៃនគរ), người khởi xướng thuyết này là học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, nhận định trong tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi lại nghiêng về giả thuyết thứ tư, thuyết này cho rằng do ở Prei Nokor có nhiều cây gòn, đặc biệt là ở khu vực chung quanh chùa cây Mai nên nảy sinh cái tên Sài Gòn.

Điều này phù hợp với Biên niên sử Khmer, bộ sưu tập của Hội đồng Vương quốc, bởi vì, tên riêng của Prey Nokor là Preah Reach Nokor (ព្រះរាជនគរ): “Thành phố Hoàng gia”, về sau gọi theo địa phương thành Prey kor, nghĩa là “rừng kapok”. Trong tiếng Khmer và Chăm, kor có nghĩa là kapok, chuyển sang tiếng Việt là "gòn", tức cây gòn (Ceiba pentandra).

Bản đồ địa bạ Sài Gòn 1882

thanhnien.vn

Trong quyển Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823 của Adrien Launay (Missions étrangères de Paris) thì từ Sài Gòn được viết là Rai-gon, qua chữ Rai-gon-thong (Sài Gòn thượng) và Rai-gon-ha (Sài Gòn hạ) (trang 190). Rai-gon chính là cách phiên âm từ chữ Prey kor, rồi dần dần trở thành Sài Gòn như ngày nay. (Còn tiếp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.