Những giá trị

13/12/2015 08:08 GMT+7

Một thanh niên Hàn Quốc du học từ Mỹ về Seoul thăm gia đình nhân kỳ nghỉ đông. Bước vào nhà, việc đầu tiên của anh là quỳ xuống lạy cha mẹ đúng theo truyền thống Hàn Quốc.

Một thanh niên Hàn Quốc du học từ Mỹ về Seoul thăm gia đình nhân kỳ nghỉ đông. Bước vào nhà, việc đầu tiên của anh là quỳ xuống lạy cha mẹ đúng theo truyền thống Hàn Quốc. 

Ảnh minh họa: ShutterstockẢnh minh họa: Shutterstock
Cha mẹ anh ngồi trên ghế, vui vẻ đón nhận cách thi lễ của con trai, xem đó là điều mặc nhiên mà đứa con phải thể hiện với bậc sinh thành. Sau khi thi lễ, họ mới ôm nhau hàn huyên tâm sự.
Nhìn vào cảnh đó được thể hiện trong phim, không ít người VN chúng ta thấy hơi kỳ dị, cho rằng một chàng trai du học ở một nước có nền giáo dục cởi mở và tân tiến bậc nhất thế giới ở đầu thế kỷ thứ 21 này không ngờ lại “hủ lậu” đến vậy. Họ lại đối chiếu sang văn hóa VN, chỉ cần đứa con chào hỏi hoặc ôm cha mẹ là đủ lễ nghi. Chuyện con quỳ lạy cha mẹ xa lắm, đã quá lỗi thời rồi. Ngay trong ngày đám cưới, việc hai vợ chồng trẻ quỳ lạy cha mẹ hai bên để cảm tạ công đức sinh thành, dưỡng dục và xây dựng đời sống lứa đôi cho họ cũng được “chế” bớt. Thậm chí, chú rể hay cô dâu mới có nói với cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng một vài câu cụt lủn, không có chủ ngữ hoặc không có những từ ngữ thông thường để tỏ lòng kính trọng thì cũng… không sao.
Mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau. Con quỳ lạy cha mẹ là văn hóa trong gia đình của người Hàn Quốc. Còn việc chủ nhà phải mặc bộ kimono truyền thống và quỳ gối pha trà đãi khách - đó là văn hóa giao tiếp trong trà đạo Nhật Bản. Hai nước công nghiệp tiên tiến nhất của châu Á đã đạt được rất nhiều thành công trong xây dựng kinh tế nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa tinh thần cố hữu của dân tộc. Đáng buồn thay, những giá trị văn hóa truyền thống trong phạm vi gia đình, nhà trường của dân tộc ta mỗi ngày bị mai một dần đi.
Đã có một thời, ta đồng hóa những giá trị truyền thống trong gia đình và trong nhà trường là “ảnh hưởng của tàn dư chủ nghĩa phong kiến” và lầm lẫn khái niệm dân chủ trong các hoạt động của học sinh, sinh viên trong nhà trường. Nhầm lẫn tai hại đó đã góp phần tạo ra sự suy đồi của những biểu hiện đạo đức học hành động và làm mất đi những giá trị truyền thống quý giá.
Thế hệ chúng tôi ngày xưa được dạy rằng một đứa bé (khoảng 18 tuổi trở xuống) phải biết khoanh tay, cúi đầu chào một người lớn đến thăm nhà mình hoặc với thầy cô dạy mình khi gặp thầy cô đi trên đường. Thế hệ chúng tôi cũng được dạy rằng khi mình đang đi ngoài đường mà gặp một đám ma đi ngang qua thì phải biết ngả mũ, đứng lại để tiễn biệt người đã khuất mà không cần biết rõ người đó là ai. Thời chúng tôi được dạy rằng ngồi vào mâm cơm, đứa con phải biết so đôi đũa ra cho cha mẹ trước rồi sau đó mới so cho mình. Tôi còn nhớ, ngày tết đến, cha chúng tôi có vài ký nếp, một con gà, bảo chúng tôi phải đi cùng cha đến “tết” thầy trước khi thầy về quê nghỉ tết. Đó là những biểu hiện vừa tình cảm, vừa lễ nghĩa - bước đầu hình thành một dạng thô sơ nhất của đạo đức học hành động.
Trong nhà trường, những bài học đạo đức học lý thuyết khá gần gũi, rút ra từ kho tàng văn học dân gian ngắn gọn súc tích, nhắc nhở chúng tôi nhớ về những bổn phận phải làm. Những bài học đó đi kèm theo những bài học văn hóa giản dị mà bất cứ ngày nào đi học, học sinh bậc tiểu học cũng có thể nhìn thấy trên bảng đen của lớp mình. Trước khi tan lớp, nhà giáo lau bảng thật sạch và viết lên đó hai dòng. Dòng chữ trên là một đề toán, đại để như “105,6 km = … m”. Dòng phía dưới viết một câu tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn hay ca dao, đại để “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Đứa bé vào trong lớp, nhìn lên bảng đen là thấy ngay hai dòng chữ ấy. Cái đề toán bỏ dở khiến đầu óc nó phải xoay chuyển, tính nhẩm ra thử là bao nhiêu mét. Nó phải để cho não bộ mình hoạt động, nhớ ra bài học hôm trước hay tuần trước về cách tính đổi độ dài từ kilômét ra mét. Nó đọc câu tục ngữ sau và tự nhiên hiểu ra rằng chơi với một người xấu mình có thể xấu theo, chơi với một người tốt mình có thể tốt theo. Có những đứa bé ngô nghê, chưa hiểu được nghĩa bóng, cứ nghĩ rằng để mực viết dính vào tay thì tay sẽ dơ, còn khi học bài ngồi gần chiếc đèn dầu thì mới có ánh sáng và đọc ra chữ được. Ngay cách hiểu ngô nghê đó cũng không tệ chút nào.
Những bài học văn hóa và đạo đức học lý thuyết giản dị như vậy cứ như mưa dầm thấm đất, thẩm thấu vào tâm hồn đứa bé, đi theo với đứa bé một đời. Nó góp phần hình thành nhân cách của con người, như những hạt phù sa nhỏ góp phần bồi bổ để hình thành một đám ruộng màu mỡ. Trí óc đứa bé sẽ xoay chuyển một cách vô thức để giải bài toán, con tim nó sẽ xúc động nhận ra cách thế nào để chọn người tốt mà chơi. Tự nó sẽ hình thành ý thức đề kháng trước sự hư hỏng, sự tệ hại. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu đó là cách giáo dục qua vô thức những giá trị truyền thống của dân tộc ta.
Ngày nay, tôi nhận thấy nhiều cháu đã mất thói quen khoanh tay chào bạn bè của cha mẹ khi họ đến nhà chơi. Có cháu còn nói được câu “chào chú, chào cô”, phần còn lại căn bản là… đưa mắt nhìn rồi đi. Học sinh ra đường cũng làm biếng chào thầy cô của mình. Còn đám ma đi ngang qua, các cháu có thấy đấy nhưng chẳng cháu nào đứng lại, có khi vẫn cười đùa bình thường.
Sự nghiệp giáo dục còn một hoạt động hơi lạ và... nguy hiểm: Cho học sinh, sinh viên góp ý nhận xét và đánh giá giáo viên, giảng viên của các cháu. Thế ban giám hiệu, công đoàn và hội đồng sư phạm của nhà trường lập ra để nhận xét, đánh giá đồng nghiệp mình chưa đủ sao, chưa khách quan sao mà còn nhờ đến các cháu nhận xét, đánh giá? Và khi đưa ra hoạt động này, ngành có tiên lượng liệu các cháu có đủ sáng suốt, công bằng để cho điểm từng nhà giáo hay bị chi phối bởi tâm lý đám đông, “ghét người nào thì trao của” ấy? Chúng ta đã hiểu rất sai về khái niệm “dân chủ” trong nhà trường. Thế giới từng lên án các lực lượng cực đoan buộc trẻ em phải cầm súng, thực hiện hành vi bắn vào người khác. Chúng ta nghĩ sao khi trao cho các cháu sinh viên, học sinh công cụ đánh giá, nhận xét về thầy cô?
Những giá trị đạo đức, văn hóa, tinh thần của các cháu đang thật sự bị mai một. Thỉnh thoảng ở nơi này nơi khác, có những thanh thiếu niên đánh chết hoặc giết chết ông, bà, cha, mẹ mà báo chí gọi là nghịch tử. Một số trong các cháu này sử dụng ma túy, được đổ tội cho ma túy; số còn lại không sử dụng ma túy thì ta đổ tội cho cái gì? Một số con em ra các quốc lộ ở Tây nguyên ném đá vào xe đò, gây thương tích cho hành khách và làm hư hỏng tài sản của người khác để… giải trí thì ta đổ tội cho cái gì? Phải chăng, cách dạy đạo đức học lý thuyết sáo mòn, công thức, không dựa trên những giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống của dân tộc đã tạo ra những thực tế đáng buồn ấy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.