Những giai điệu biển đảo: Thêm một lần 'Tổ quốc được sinh ra'

22/06/2014 03:00 GMT+7

Tại Liên hoan m nhạc các tỉnh phía nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tháng 3.2013, giải A được trao cho ca khúc Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra của nhạc sĩ Văn Phượng. Cuối năm đó, ca khúc này cũng được trao giải ba, giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tại Liên hoan m nhạc các tỉnh phía nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tháng 3.2013, giải A được trao cho ca khúc Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra của nhạc sĩ Văn Phượng. Cuối năm đó, ca khúc này cũng được trao giải ba, giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.


Nhạc sĩ Văn Phượng - Ảnh: Tấn Cư  

“Cú đúp” ấy phần nào khẳng định đây là một trong những sáng tác thành công về chủ đề biển đảo trong thời gian gần đây.

Bén duyên với biển đảo

Nhạc sĩ Văn Phượng sáng tác không nhiều nhưng những ca khúc của anh phần lớn đều bén duyên với chủ đề về biển đảo. Hơn một năm qua, Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra luôn làm “nóng” các sân khấu mỗi khi cất lên giai điệu bi tráng: “Có nơi nào như đất nước chúng ta/Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/Khi giặc đến vạn người con quyết tử/Cho một lần Tổ quốc được sinh ra”. Gần như toàn bộ ca từ của bài hát này, Văn Phượng lấy trọn bài thơ của Nguyễn Việt Chiến. Tác giả chỉ thêm hoặc bỏ một ít từ và hoán chuyển vài đoạn thơ cho phù hợp với cấu trúc của một ca khúc đồng thời lấy câu thơ mà Nguyễn Việt Chiến lặp lại trong nhiều khổ thơ để đặt tựa đề cho bài hát.

Có những người tự mình viết ca từ cho bài hát nhưng cũng có những nhạc sĩ chuyên sưu tầm những bài thơ mà mình đồng cảm, tâm đắc để phả vào đó hồn âm thanh. Văn Phượng thuộc “dạng” thứ hai. Vốn là một nhạc công chơi violon, năm 1997 Văn Phượng theo học Khoa Sáng tác  Học viện m nhạc Huế. Sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu chuyên tâm vào sáng tác. Sau Kala (thơ Thanh Thảo), ca khúc đầu tay khá thành công, Văn Phượng cảm thấy như “vị thần thời gian Kala” đang mỉm cười với anh. Hợp xướng Chân sóng (thơ Thanh Thảo, cũng chủ đề về biển đảo) dù được trao giải cao nhất năm 2012 cho thể loại hợp xướng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (giải ba, không có giải nhất, nhì) nhưng phải đến Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, khán thính giả mới nhớ đến Văn Phượng như một “chuyên gia” sáng tác về chủ đề biển đảo.

Nhạc chắp cánh cho thơ

Cuối tháng 5.2012, bài thơ Tổ quốc ở Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đăng trên Báo Thanh Niên số chủ nhật, lập tức đã “hút hồn” Văn Phượng. “Tôi đọc bài thơ với một niềm xúc động khó tả. Nó vừa hào hùng nhưng cũng thật bi tráng biết bao! Tổ quốc mình đã bao lần rướm máu nhưng trong tận cùng của nỗi bi thương ấy, ngọn lửa quật khởi của dân tộc chưa bao giờ lụi tắt. Mấy năm qua, biển Đông luôn dậy sóng trước những toan tính của các thế lực ngoại bang. Không một người Việt Nam yêu nước nào lại thờ ơ trước sự tồn vong của đất nước. Bài thơ của anh Chiến như nói hộ cho những trăn trở ấy của bao người. Tôi thuộc lòng bài thơ ấy lúc nào không biết. Thế rồi, từng lời thơ cứ thôi thúc tôi phải “gõ” vào đấy những âm thanh, những giai điệu. Đúng một tuần sau thì bài hát được hoàn thành”, Văn Phượng hồi tưởng.

Ôm cây ghi ta cũ kỹ, Văn Phượng đã “hát nháp” cho một số bạn bè thân hữu ở Quảng Ngãi nghe ca khúc này. Mọi người đều thật sự xúc động trước những âm thanh trong trẻo nhưng cũng thật hào hùng. Anh lập tức ra Hà Nội để… hát cho Nguyễn Việt Chiến “nghiệm thu”. Văn Phượng kể: “Tôi với anh Chiến chưa hề quen nhau dù tôi đã đọc và thuộc khá nhiều thơ của anh. Vì vậy, nghe tin tôi có mặt ở Hà Nội để hát cho anh nghe ca khúc tôi phổ nhạc từ bài thơ của anh, Nguyễn Việt Chiến khá bất ngờ. Tôi trộm nghĩ, ông nhà thơ “bùi bụi” này chả biết Văn Phượng là ai, không khéo ông nghĩ “nó” lại phá hỏng thơ mình cũng nên. Nhưng khi tôi kết thúc bài hát và gác cây đàn sang một bên, anh Chiến chẳng nói gì mà chỉ cầm ly bia lên “cạn ly nhé!”. Tôi tự hiểu, bài hát đã hoàn thành công việc của nó, ít ra là tôi đã không làm hỏng bài thơ!”.

Từ bài thơ Tổ quốc ở Trường Sa sang bài hát Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra là một quá trình lao động nhọc nhằn của người nghệ sĩ. Sự sáng tạo của nhà thơ và nhạc sĩ có khác nhau nhưng họ đã gặp nhau ở một điểm, đó là tấm lòng của mình đối với đất nước, yếu tố quan trọng để nhạc chắp cánh cho thơ trong trường hợp này. 

Văn Phượng tên đầy đủ là Nguyễn Văn Phượng, sinh năm 1965, quê quán Hội An, Quảng Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ VN. Hiện anh là Trưởng ban Văn nghệ - giải trí của Đài phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi.

Trần Đăng

>> Triển lãm mỹ thuật về chủ quyền biển đảo
>> Những giai điệu biển đảo: Bay qua biển Đông
>> Những giai điệu biển đảo: Hoàng Sa - Trường Sa
>> Những giai điệu biển đảo: 'Gần lắm Trường Sa
>> Ca Huế hướng về biển đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.