Cô hiệu trưởng xây dựng trường học hạnh phúc
“Hãy gọi tôi là cô giáo”, là chia sẻ đầu tiên của cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), mở đầu buổi trò chuyện. Bởi với cô Tâm, dù là cán bộ quản lý, cô vẫn là giáo viên, là người bạn, là người đồng hành cùng học trò xây dựng môi trường học tập hạnh phúc.
Gắn bó với Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh từ đầu những năm 2000, khi trường mới thành lập, “không tên tuổi, điểm chuẩn vào lớp 10 gần thấp nhất TP” nhưng cô Tâm đã cùng với đội ngũ giáo viên nhẫn nại và nhiệt tâm xây dựng với phương châm: “Đẹp như công viên; Sạch như bệnh viện; Kỷ luật như quân đội; Chất lượng ngang bằng các trường THPT trên địa bàn Q.1”.
Cô Đỗ Hoàng Phương Thảo (giữa) cùng đồng nghiệp |
NVCC |
Để kéo học sinh ra khỏi sức hút của trò chơi điện tử, cô Tâm đã xây dựng hàng loạt CLB từ học thuật, TDTT cho đến năng khiếu, nhiếp ảnh... Gần 15 CLB đã ra đời và tất cả đều do chính học sinh làm chủ nhiệm, xây dựng kế hoạch hoạt động, theo đuổi đam mê, khiến không khí học tập ngày càng vui vẻ.
Đặc biệt, trong những ngày TP.HCM oằn mình chống chọi với đại dịch Covid-19, hình ảnh cô hiệu trưởng đi vào “vùng đỏ” trao thiết bị học trực tuyến cho từng học sinh khó khăn đầu năm học 2021 - 2022 đã khiến bao phụ huynh và học sinh bày tỏ sự trân trọng. Đó không chỉ là sự san sẻ, đồng cảm mà còn như một lời nhắn nhủ để mỗi học sinh cùng gia đình vượt qua những khó khăn trong dịch bệnh. Hơn thế, đó là sự đồng hành, tình yêu thương của thầy cô với học sinh trong mọi hoàn cảnh.
Nhận Giải thưởng Võ Trường Toản vào năm 2021 và là một trong 25 gương mặt tiêu biểu cho chặng đường 25 năm của giải thưởng, cô Bùi Minh Tâm chia sẻ: “Xây dựng ngôi trường hạnh phúc là hoài bão lớn của tôi và thời điểm nhận giải thưởng là thời điểm đánh dấu tôi đã theo đuổi, đã thực hiện hoài bão ấy được 2 năm với những thành quả ban đầu rất khả quan. Nhưng tôi tin rằng mình còn có thể làm tốt hơn và cần phải tiếp tục làm tốt hơn. Bởi tôi đã nhận được sự tin yêu, đồng lòng chung sức của các đồng nghiệp, nhận được sự kỳ vọng của phụ huynh. Và hơn hết đã nhận được những sự phản hồi tích cực từ học sinh”.
Cô Bùi Minh Tâm |
NVCC |
Để trẻ mầm non vui đến lớp
Ở bậc mầm non, có lẽ những giải thưởng về thiết kế đồ dùng học tập, thiết kế đồ chơi cho trẻ mầm non không còn xa lạ với cô giáo Đỗ Hoàng Phương Thảo, Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM). Vượt qua tâm lý giáo viên mầm non chỉ cần giữ trẻ và chăm sóc, cô Phương Thảo đã bằng sự tận tâm, thấu cảm để trở thành người bạn gần gũi với trẻ trong những năm đầu đời hình thành nhân cách. Hiểu trẻ mầm non còn những hạn chế về biểu đạt, diễn đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ, cô Thảo đã bằng bản năng của mình thấu cảm con trẻ từ ánh mắt để trẻ tin, yêu, vui mỗi ngày đến trường.
Không dừng lại ở giải thưởng mà coi đó là thử thách không ngừng phấn đấu, nỗ lực hoàn thành thiên chức “trồng người” nên dù công việc ở trường mầm non được ví như con mọn, bận rộn “luôn tay luôn chân” nhưng cô Phương Thảo đã chọn cách tự học ở nhà, học qua internet, học từ chính kinh nghiệm truyền lại của phụ huynh để làm giàu hơn vốn sống và phương pháp giảng dạy của mình.
Theo cô Thảo, Giải thưởng Võ Trường Toản không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm. “Tôi nhận thấy rằng sự nỗ lực của mình như thế vẫn là chưa đủ so với nỗ lực của giáo viên cả nước. Tôi tự đặt ra mục tiêu cho mình với một tư duy mới - người thầy không còn đơn thuần là người truyền đạt tri thức đến cho học trò nữa mà còn là người có đủ lòng rộng lượng, vị tha và tình yêu vô điều kiện với học trò của mình, hướng dẫn trẻ cách tự khám phá để có được tri thức. Có quyền được sai và có cơ hội sửa sai nhưng luôn chủ động để chiếm lĩnh tri thức. Có tình yêu và sự rung cảm với những điều tốt đẹp xung quanh, không than vãn, không ngại khó khăn, trở ngại”, cô nói.
25 năm, 826 giáo viên nhận giải
Qua 25 mùa tri ân với 826 giáo viên đạt giải, Giải thưởng Võ Trường Toản đã tạo được tiếng vang, xây dựng được uy tín lớn và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, đặc biệt góp phần tạo động lực thúc đẩy tinh thần say mê sáng tạo của các thầy cô giáo tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục TP.
Thầy cô hãy tự hào với nghề, với sự tiên phong của TP qua các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế. Để thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, là trung tâm GD-ĐT của cả nước và vươn tầm quốc tế, thầy cô hãy đồng hành cùng học sinh để phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân, tính sáng tạo, kỹ năng tự học và năng động, giúp các em dễ dàng thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Bình luận (0)