Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Những cái ôm truyền... 'lửa'

22/07/2023 07:30 GMT+7

Những ai đã tới Trường Sa mới cảm nhận được những cái ôm ở đây không phải là cái ôm bình thường, mà là cái ôm truyền "lửa" cho nhau; thể hiện quân với dân một ý chí, để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Thấy đảo là thấy quê hương

Trên hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" đến với Trường Sa thân yêu, chúng tôi đã cảm nhận được sâu sắc khẩu hiệu "Đảo là nhà, biển cả là quê hương". Đã 10 lần đến Trường Sa và đã đặt chân tới tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng ông Cao Thanh Bảng, cán bộ Chi đội Kiểm ngư 3, cho biết lần nào tạm biệt đảo ông cũng khóc.

"Đã 10 lần đến đảo Trường Sa nhưng mỗi lần một cảm xúc và lần nào chia tay, tôi cũng thấy lưu luyến, bồi hồi và đều rơi nước mắt. Đối với một người thường xuyên phải lênh đênh trên biển, làm nhiệm vụ kiểm soát biên giới, bảo vệ chủ quyền, thì cảm xúc rất mãnh liệt. Tôi như một người xa nhà lâu ngày, nhìn thấy đảo là thấy quê hương, Tổ quốc", ông trải lòng.

Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Những cái ôm truyền... 'lửa' - Ảnh 1.

Bà Tôn Ngọc Hạnh cùng đoàn công tác thăm nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

THÙY LIÊN

Ông Bảng cho biết: "Đi bảo vệ biên giới trên biển cảm thấy rất chơi vơi, vì chỉ thấy vùng biển mênh mông, xung quanh là tàu thuyền của nước ngoài. Vì thế, khi đặt chân lên đảo là cảm nhận không khí đất liền, lên đảo như trở về nhà mình. Nhìn thấy chiến sĩ ở đó là hạnh phúc khó tả, thân thiết, lâng lâng, bối rối…".

Có những lần ông lênh đênh trên biển hàng tháng trời, để chỉ huy 10 con tàu làm việc trong mùa mưa bão. "Khi bão đến là giàn khoan nước ngoài lại di chuyển, nên chúng tôi cứ phải theo sát để bảo vệ chủ quyền. Năm 2020 có tới 10 cơn bão liên tục xảy ra, nên chúng tôi ở trên biển hơn 1 tháng liền. Cứ thay ca nhau trực liên tục cả ngày lẫn đêm trong sóng to, gió lớn. Dịp đó, còn đúng vào kỷ niệm ngày cưới của tôi. Con gái tôi bảo nhớ bố quá, thế là hai mẹ con ôm nhau khóc. Mẹ cháu phải đặt ảnh tôi cạnh bàn cháu học", giọng ông nghèn nghẹn.

Ông cũng cho biết để bảo vệ chủ quyền trên biển, rất nhiều đồng đội của ông đã phải hy sinh tình cảm cá nhân. Có người hoàn cảnh khó khăn, con bị bệnh hiểm nghèo nhưng cũng không thể ở bên để chăm sóc. Có người muốn sinh con mà mãi không thành vì cứ đi công tác liên miên. Còn ông, cũng có nỗi buồn của riêng mình khi gia đình đã một lần đổ vỡ, vì ông không có thời gian dành cho vợ con. Ông cho biết quê mình ở H.Diễn Châu (Nghệ An). Thanh niên quê ông vì nghèo nên thường bỏ học sớm để đi dã (đi đánh cá - PV).

"Mẹ tôi luôn động viên cố gắng học để sau này không phải đi dã. Thế nhưng tôi lại lựa chọn gắn bó với công việc này. Khi đi trên những con tàu nhỏ trên biển bão táp, thì không khác gì đi dã", ông trải lòng. Dù vậy, ông vẫn một lòng yêu biển đảo và đã 25 năm gắn bó với nghề. Như bao đồng đội khác, ông luôn coi "đảo là nhà, biển cả là quê hương" và có lẽ khẩu hiệu đó không còn là khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh trái tim và chân lý trong cuộc đời của những người lính biển.

Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Những cái ôm truyền... 'lửa' - Ảnh 2.

Một cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thăm hỏi chiến sĩ trên đảo

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Sức mạnh của những cái ôm

Đã 26 năm gắn bó với Trường Sa, không biết bao nhiêu lần ra thăm và làm việc tại quần đảo, nhưng ông Lương Xuân Giáp, Phó chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, cho biết lần nào ông cũng thao thức không ngủ được. "Trái tim mình đã dành cho Trường Sa. Ra đảo là thấy như về nhà mình. Cứ về đảo là tôi không ngủ được, thao thức ngắm nhìn xem đảo thế nào. Thấy đảo mỗi ngày một phát triển và đời sống anh em ngày một tốt hơn, tôi mừng rơi nước mắt", ông xúc động chia sẻ.

Cùng đoàn công tác ra thăm đảo lần này, ông cảm nhận hành trình đã để lại nhiều ấn tượng cho bà con và các chiến sĩ. "Bà con ở mọi giai tầng trong xã hội, sẽ hiểu được khó khăn của bộ đội ở đảo với nhiều sóng gió. Họ chạm đến Trường Sa bằng con người thật, việc làm thật và cuộc sống thật. Được ra đảo, họ sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về những điều chưa biết và chạm đến trái tim, khối óc của nhiều con người, ở mọi vùng miền khác nhau; từ đó, họ sẽ có những hành động. Tôi thấy có những bạn trẻ đã thốt lên chân thành rằng: những thế hệ bằng tuổi các bạn phải rời bỏ gia đình, quê hương đến bảo vệ những vùng đất xa xôi của Tổ quốc… Từ đó, họ sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước", ông Giáp nhìn nhận.

Ông Giáp cho rằng một cái ôm đối với bộ đội hơn cả một bài diễn văn. Cái bắt tay thật chặt hơn một bài giảng. Bộ đội Trường Sa muôn đời nay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ luôn hy sinh cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Ngày nay, đời sống tốt hơn so với trước, nhưng thiếu thốn không có gì bù đắp được đó là tình cảm. Vì thế, khi có người từ đất liền ra đảo, cán bộ chiến sĩ đón nhận như người nhà của mình. Họ chỉ cần có người đến chia sẻ và thấu hiểu.

"Những ai đã tới Trường Sa mới cảm nhận được những cái ôm ở đây không phải là cái ôm bình thường, mà là cái ôm truyền "lửa", truyền nhiệt huyết, trách nhiệm cho nhau. Người trên đảo truyền lại cho người đất liền, người đất liền ra đảo cũng truyền niềm tin tưởng đối với bộ đội. Cái ôm thể hiện sức mạnh của quân với dân một ý chí để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc", ông Giáp chia sẻ.

Ông Giáp cũng cho biết hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" đã kết nối trái tim của hàng trăm con người, ở mọi lứa tuổi khác nhau để lan tỏa tới cộng đồng thông điệp "Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc".

Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Những cái ôm truyền... 'lửa' - Ảnh 3.

Ông Lương Xuân Giáp thăm các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông

V.T

Chung sức vì biển đảo quê hương

Là Phó trưởng đoàn công tác số 10 năm 2023 ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết đã rất xúc động khi tham gia hành trình này. Bà Hạnh mong muốn những người tham gia hành trình, sau khi về đất liền, sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, để không chỉ người dân Việt Nam mà cả kiều bào ta ở nước ngoài sẽ hiểu về giá trị lịch sử của từng tấc đất quê hương. "Với bao nhiêu mồ hôi, xương máu của các chiến sĩ, chúng ta mới có được biển đảo như bây giờ. Thực sự xúc động, khi hôm nay chúng ta đứng ở đây, thấy Trường Sa xanh như thế này. Có bao nhiêu xương máu của bộ đội, chiến sĩ, nhân dân ta đã đổ xuống đó, để khẳng định được chủ quyền biển đảo", bà Hạnh xúc động nói.

Đồng thời, bà Hạnh cũng chia sẻ: "Nghị quyết của T.Ư Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng tôi tin rằng mỗi "chiến sĩ Trường Sa" đi trên con tàu này sẽ không dừng tình cảm với biển đảo ở trong lòng, mà sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị này, sẽ có hành động, có trách nhiệm lớn hơn với biển đảo Tổ quốc".

Bày tỏ những tâm nguyện của mình, bà Hạnh nói: "Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ làm tốt công tác hậu phương: chăm lo, động viên vợ con, anh em chiến sĩ để họ yên tâm công tác. Tôi mong rằng hậu phương sẽ không chỉ là phụ nữ, mà là hàng trăm triệu dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài, sẽ cùng chung sức để hỗ trợ vững chắc cho tiền tuyến. Mong các anh luôn bản lĩnh, kiên cường, giữ vững biển đảo quê hương".

Hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023 do T.Ư Đoàn và Quân chủng Hải quân tổ chức có sự đồng hành của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.