*Chỉ có 3/10 gương mặt ở mùa đầu tiên còn hiện diện ở V-League 2020
Trong số 10 đội bóng góp mặt ở V-League đầu tiên, đến nay chỉ còn SLNA, Nam Định và Hải Phòng là 3 đội bóng hiếm hoi vẫn còn hiện diện ở V-League 2020. Trong đó SLNA là đội bóng duy nhất tham dự đầy đủ 19 mùa giải chuyên nghiệp đã qua. Nam Định đã từng phải xuống chơi ở giải hạng Nhất năm 2010, thậm chí còn phải xuống chơi ở giải hạng Nhì năm 2011 trước khi trở lại hạng Nhất năm 2015 và trở lại V-League năm 2018. Còn Hải Phòng cũng từng 2 lần phải xuống hạng Nhất (mùa giải 2001-2002 và 2006) để rồi trở lại V-League 2 năm sau đó (2004, 2008)
7 đội bóng còn lại thì 3 đội đang chơi ở giải hạng Nhất (Đồng Tháp, Khánh Hòa, Huế), 4 đội đã giải thể và không còn có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam (Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công An TP.HCM, Công An Hà Nội).
|
*1/3 số đội từng dự V-League đã “biến mất”
Quy luật đào thải khắc nghiệt đã khiến cho nhiều đội bóng từng đứng vững ở thời kỳ bóng đá bao cấp, giờ đây không thể tồn tại trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Trong số 32 đội bóng từng tham gia tranh tài V-League, vì nhiều lý do khác nhau mà cho đến thời điểm này, có tới 1/3 số đội (chính xác là 11 đội) đã không còn hiện diện trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Ngoài 4 đội từng góp mặt ở mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên kể trên (Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công An Thành phố Hồ Chí Minh, Công An Hà Nội), còn có 7 đội bóng khác là: Hà Nội.ACB, Hòa Phát Hà Nội, Navibank Sài Gòn, Ngân hàng Đông Á, Sài Gòn Xuân Thành, Quân khu 4, V.Ninh Bình.
|
*Đi tìm những đội bóng giàu truyền thống
Xét về “thâm niên”, không đội bóng nào có thể sánh được với SLNA. Đội bóng xứ Nghệ dù mới chỉ 2 lần vô địch V-League (mùa giải 2000-2001 và 2011) nhưng chưa hề vắng mặt ở bất kỳ mùa giải nào và là đội bóng duy nhất làm được điều này (thành tích khiêm tốn nhất là xếp thứ 9 ở V-League 2008, 2010 và 2016).
Xếp ngay sau SLNA là SHB.Đà Nẵng với 18 lần tham dự giải. Thăng hạng chuyên nghiệp ở mùa giải 2001-2002, đội bóng sông Hàn liên tiếp góp mặt kể từ đó đến nay với thành tích tốt nhất là vô địch V-League 2009 và 2012.
|
Ngoài SLNA và SHB.Đà Nẵng, còn có những đội bóng giàu truyền thống khác chưa từng phải xuống hạng kể từ khi giành được quyền lên chơi ở V-League như HAGL (góp mặt từ V-League 2003), Bình Dương (góp mặt từ V-League 2004)…
Trong khi đó, theo chiều ngược lại, Quân khu 4, Tiền Giang, Hùng Vương An Giang và Kiên Giang là những đội bóng “ít” truyền thống nhất. Cả 4 đội bóng này đều chỉ góp mặt ở V-League đúng 1 lần (quay trở lại hạng Nhất sau đúng 1 năm thăng hạng chuyên nghiệp).
Bình luận (0)