VPF đã phân tích khá kỹ những hạn chế trong sự phối hợp giữa một số CLB và Ban điều hành VPF. Theo đó, một vài đội bóng còn xem nhẹ, chủ quan, triển khai rất hời hợt công tác đảm bảo an ninh an toàn trận đấu. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, Ban tổ chức CLB Hà Nội hai lần vi phạm quy định an ninh an toàn, gồm trận đấu ở vòng 6, không ngăn chặn được cổ động viên Hải Phòng đốt rất nhiều pháo sáng. Ở trận đấu bù vòng 22 đã để cổ động viên Nam Định đốt pháo thăng thiên gây chấn thương rất nặng cho một khán giả nữ, 2 cảnh sát cơ động bị hành hung.
Theo nhận định của ông Trần Anh Tú – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF, những vụ việc nổi cộm nêu trên đã để lại hình ảnh xấu cho giải và để triệt tiêu tình trạng vi phạm quy định an ninh an toàn ở mùa giải năm sau, VPF và các CLB sẽ phải tập trung nghiên cứu và đề nghị sửa đổi bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Quy định về kỷ luật cho phù hợp với thực tế.
|
|
Về chất lượng yếu kém của một số trọng tài, VPF đã nhận được nhiều chất vấn của báo chí, trong đó hỏi thẳng vai trò cũng như trách nhiệm của Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VPF) dưới sự điều hành của Trưởng ban Dương Văn Hiền. Lãnh đạo VPF thừa nhận, công tác trọng tài còn xảy ra sai sót khá nhiều và thường trực VFF đã phải có nhiều cuộc làm việc với Ban Trọng tài để chỉnh đốn lại. Ông Trần Anh Tú cho hay, tại hội nghị tổng kết, lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng phải lên tiếng nhắc nhở và yêu cầu mùa giải sang năm, VFF phải có sự chỉ đạo quyết liệt để trọng tài không còn mắc sai sót đến mức ảnh hưởng đến kết quả trận đấu nữa. Tuy nhiên, ông Tú cũng nhấn mạnh, trọng tài sai là do trình độ kém chứ không có vấn đề gì về tư tưởng. “Như vụ bẻ còi của trọng tài Trương Hồng Vũ ở trận Viettel gặp Bình Dương, sai sót về phương pháp và bản lĩnh yếu chứ không xấu về tâm”, ông Tú nói.
“Vậy khi nào công nghệ VAR sẽ được áp dụng tại V-League?”, ông Trần Anh Tú nói: “FIFA cũng đã sang Việt Nam để giúp VPF bắt đầu làm quen với VAR nhưng FIFA cũng khuyến nghị VPF không được trả lời báo chí về việc bao giờ áp dụng VAR vì mọi thứ cần phải làm đúng theo quy định. Hơn nữa, VAR không thể là giải pháp tốt nhất để nâng tầm trọng tài mà cái chính vẫn phải nằm ở khâu đào tạo chất lượng trọng tài, nâng cao tay nghề và chuyên môn”.
Chờ FIFA trả lời về việc đội Hải Phòng có sai luật hay không?
Báo Thanh Niên hỏi ông Trần Anh Tú: “Vụ cầu thủ Steven kiện CLB Hải Phòng và FIFA yêu cầu đội bóng này đền bù 5 tỉ đồng. Hiện tại, chưa có câu trả lời cuối cùng từ FIFA nhưng nếu trong trường hợp Hải Phòng không trả tiền và bị phạt nặng như cho xuống hạng thì VPF tính toán thế nào?”. Người đứng đầu VPF nói: “Chúng tôi vẫn đang chờ FIFA. Bộ phận pháp lý của VFF cũng như lãnh đạo VFF sẽ có hướng xử lý liên quan đến Hải Phòng sau khi có quyết định từ FIFA”.
Một sự việc khá “trớ trêu” khác nữa là theo lời “tố” của một số CLB dự V-League, đội Hải Phòng là đội duy nhất ở Việt Nam không chịu mua bảo hiểm cho cầu thủ. Ông Trần Anh Tú cho biết quan điểm: “Mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là quy định bắt buộc. Nếu Hải Phòng không mua, nghĩa là đã vi phạm Bộ luật Lao động, không đáp ứng đủ tiêu chí của AFC. Nếu CLB Hải Phòng không mua thì sẽ phải chịu trách nhiệm và AFC sẽ có hình thức xử lý vì nếu thật như vậy, đội bóng đã sai”. Xin được nhắc lại là đội Hải Phòng do ông Trần Mạnh Hùng - Phó chủ tịch VPF làm chủ tịch. Dư luận sẽ thắc mắc tại sao quan chức VPF mà lại để đội bóng mình phạm luật như vậy.
Còn về việc đội nào sẽ thay CLB Hà Nội dự các Cúp châu Á 2020, ông Tú nói: “Gần như 100% Hà Nội sẽ không được dự vì đã vi phạm tiêu chí của AFC là không cử đội U.15 dự giải U.15 toàn quốc. Dù Hà Nội đã có đơn khiếu nại nhưng VFF không đồng ý. VPF cũng chờ quyết định cuối cùng từ AFC để sớm công bố chính thức đội bóng thay Hà Nội dự các giải của AFC sang năm”.
Bình luận (0)