Được biết, trước khi có tên gọi là Dinh Độc Lập thì Dinh Norodom đã được người Pháp xây dựng từ năm 1868. Sau khi Ngô Đình Diệm tái đắc cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa mới quyết định đổi tên thành Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất).
Kể những câu chuyện về phong thủy của Dinh Độc Lập, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Mười hé lộ nhiều “thâm cung bí sử” hấp dẫn qua cuốn Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975 vừa được tái bản, bổ sung (do NXB Mỹ thuật vừa ấn hành - 2020).
|
Sách đã dẫn cho biết: “Ngày 27.2.1962, hai viên phi công của quân đội Sài Gòn thuộc phe đảo chính là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái hai chiếc máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh thiệt hại nặng đến mức không thể khôi phục, vì vậy chính quyền Ngô Đình Diệm mới chủ trương cho xây dựng lại Dinh Độc Lập mới và thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tuyển chọn trong số 6 phương án dự thi”.
Dù là công trình đầu tay của một người trẻ vừa tốt nghiệp ở phương Tây nhưng kiến trúc sư Ngô Viết Thụ không thực hiện cứng nhắc theo phong cách hiện đại mà kết hợp độc đáo với triết học Đông phương, thể hiện qua những lam bê tông mặt tiền là biểu tượng của những lóng trúc, bên cạnh các chiết tự chữ Hán: CÁT, KHẨU, TRUNG, TAM, CHỦ, HƯNG có ý nghĩa mang đến sự tốt lành, hưng thịnh.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Mười phân tích: “Công trình đi sâu về phong thủy với mặt bằng Dinh bố cục theo hình chữ CÁT – có nghĩa là tốt lành, may mắn. Toàn bộ mặt tiền của Dinh, gồm: mặt trước dinh thự, toàn bộ bao lơn tầng 2 và tầng 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính, cùng với hai cột bọc gỗ phía dưới mái hiên, tạo thành chữ HƯNG mang ý nghĩa cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh muôn đời. Mặt bằng, mặt đứng có giải pháp bố cục theo chiết tự chữ Hán một cách thâm thúy, tạo nên nền tảng vững chắc tạo thế cho kiến trúc. Lầu thượng mang tên Tứ phương vô sự lâu hình chữ KHẨU có ý nghĩa đề cao sự giáo dục và tự do ngôn luận”.
|
|
Điều độc đáo về phong thủy ở Dinh Độc Lập là hình chữ KHẨU của Tứ phương vô sự lâu cùng với cột cờ chính giữa như một nét sổ dọc, tạo thành chữ TRUNG. Điều này được ông Mười lý giải: “Tứ phương vô sự lâu không dùng để tiếp tân hay giải trí mà chỉ dùng cho vị nguyên thủ quốc gia tĩnh tâm với mỗi chữ TRUNG. Các nét gạch ngang được tạo bởi: Mái hiên lầu Tứ phương vô sự lâu, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh, tạo thành chữ TAM rất đẹp mắt, theo như quan niệm dân chủ hữu tam: viết nhân, viết minh, viết võ. Chữ TAM được nối liền bằng nét sổ dọc tạo thành chủ chữ VƯƠNG và kỳ đài trên cùng tạo ra nét chấm trên chữ VƯƠNG, tạo thành chữ có ý nghĩa cho chủ quyền đất nước: chữ CHỦ”.
Như vậy, với công trình kiến trúc Dinh Độc Lập hiện đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, có thể khẳng định kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là một người am hiểu Hán học một cách thâm thúy, sâu sắc. Ông đã biết vận dụng linh hoạt, đảm bảo các yếu tố về phong thủy để tạo nên một tác phẩm kiến trúc độc đáo, tuyệt tác có một không hai nơi vùng đất phương Nam hào sảng và lộng gió, đã làm cho Dinh Độc Lập trở thành hồn cốt không thể thiếu trong không gian đô thị Sài Gòn – TP.HCM từ khi công trình này ra đời cho đến nay.
Bình luận (0)