Những 'hiệp sĩ bóng đêm' trên Quốc lộ 51

25/01/2020 12:50 GMT+7

'Ban đêm, khi đi hút đinh, vừa đề phòng 'đinh tặc' trả thù, vừa quan sát tình hình các tiệm sửa xe xung quanh vì mình đang ảnh hưởng 'chén cơm' của người ta', anh Nguyễn Hữu Lợi, đội trưởng Đội SOS 117 Đồng Nai, tâm sự.

Chàng trai hút đinh, vá xe và 'biệt đội SOS 117' chống đinh tặc 

Chứng kiến nhiều người dân đi trên Quốc lộ 51, đoạn thuộc hai xã Tam Phước và Phước Tân (huyện Long Thành, Đồng Nai) bị thủng bánh xe bởi “đinh tặc” và bị “chặt chém” khi đưa xe vào tiệm sửa, anh Nguyễn Hữu Lợi (29 tuổi, quê Đồng Nai), lập Đội SOS 117, để giúp đỡ người dân gặp khó khăn, gặp sự cố tai nạn về đêm trên Quốc lộ 51.
Trò chuyện với Thanh Niên, anh Lợi cho biết mình bắt đầu làm công việc hút đinh trên đường lúc 20 tuổi, khi đó anh kêu gọi được... 1 đồng đội tham gia. Lúc đó, anh Lợi tự chế máy hút đinh bằng các dụng cụ sơ sài và để có được dụng cụ hút đinh tự chế này, anh Lợi phải trải qua mấy lần thất bại. Sau này có máy hút đinh tiên tiến, mỗi đêm, khoảng 400 - 500 chiếc đinh được anh Lợi thu gom chỉ trên đoạn đường chỉ vài cây số.
Chia sẻ về quãng thời gian 7 năm “vác tù và hàng tổng”, anh Lợi cho hay “nghề” này rất vất vả, thậm chí nguy hiểm, không lương cũng không thưởng nhưng vì thương người dân không may gặp nạn nên anh hết lòng hỗ trợ. "Ngày nào còn người rải đinh thì ngày đó tôi còn làm công việc hút đinh", "hiệp sĩ bóng đêm" Nguyễn Hữu Lợi nói.
Anh Tiến, một người từng được anh Lợi và đồng đội giúp đỡ khi gặp nạn trên Quốc lộ 51, chia sẻ: “Tôi thường xuyên bị thủng lốp xe trên tuyến đường này và đã 3 lần nhận được sự giúp đỡ của Đội SOS 117. Vì công việc tôi hay đi sớm về muộn nhưng ở những tuyến đường này thì không có ai vá xe, thành ra nếu chẳng may bị thủng lốp, hư xe thì rất khó khăn. Rất may có sự hỗ trợ từ đội, tôi cảm thấy đường về nhà gần hơn”.
Kể về kỷ niệm những lần một mình đi hút đinh, anh Lợi cho biết năm 2007, anh bị một người đàn ông điều khiển xe máy có dấu hiệu say xỉn tông trực diện vào người khi anh đang hút đinh trên đường. Vụ tai nạn khiến anh Lợi gãy xương lồng ngực, xe máy của anh cùng chiếc máy hút đinh bị hư hỏng nặng. Sau biến cố đó, gia đình can ngăn nhưng anh Lợi vẫn kiên trì bám trụ với công việc hút đinh.
Ban đầu, anh Lợi chỉ nghĩ lập ra nhóm hút đinh để dẹp nạn “định tặc” trên Quốc lộ 51 nhưng rồi khi gặp nhiều người dân bị hư xe, thủng lốp, bị tai nạn giao thông rất cần sự giúp đỡ giữa đường nên anh Lợi kết hợp sửa xe, vá xe miễn phí, thậm chí tham gia điều tiết giao thông, bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn, bảo vệ tài sản cho nạn nhân. Chưa hết, nhóm của anh còn hỗ trợ công tác sơ, cấp cứu ban đầu và chuyển viện khi có tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 51. Những “hiệp sĩ bóng đêm” trên Quốc lộ 51 được nhiều người biết đến và nhắc đến nhiều hơn.

Mái nhà 117 của những 'hiệp sĩ bóng đêm'

Hiện đội có hơn 30 thành viên, tuổi đời của các hiệp sĩ từ 17 đến 35 và do anh Nguyễn Hữu Lợi làm đội trưởng. "Anh em chúng tôi thấy người ta gặp khó khăn thì ra tay giúp đỡ, phần trả ơn thì chúng tôi mong người được giúp sẽ đi giúp lại người khác để nghĩa cử cao đẹp này được lan rộng trong cuộc sống", anh Lợi tâm sự.
Và cứ như vậy, "mái nhà 117" do anh Lợi xây dựng ngày nào không chỉ là nơi để anh em hội quân từ 20 giờ đêm đến rạng sáng hôm sau mà còn là gia đình thứ 2 giúp gắn kết anh em trong Đội SOS 117.
Anh Đỗ Vũ Luân (19 tuổi, sống ở Đồng Nai), thành viên Đội SOS 117, cho biết: “Biết anh Lợi qua mạng xã hội chuyên giúp sửa xe, vá xe và cấp cứu người bị nạn, mình xin vào đội dù chưa biết vá xe là như thế nào. Khi theo đội, mình không chỉ được dạy biết tôn trọng và lễ phép với mọi người xung quanh, mà giờ đã biết vá xe, biết sơ cấp cứu cho người gặp tai nạn giao thông”.
Vừa qua, Đội SOS 117 được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai công nhận và đưa vào hoạt động như một tổ chức trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Đồng Nai. “Anh em ở đây đa số đều từng một lần gặp nạn, số khác vì cảm mến đội nên ai cũng mong muốn gia nhập để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong đêm khuya. Biệt đội SOS 117 của chúng tôi lấy tinh thần tự nguyện làm đầu, tuy không lương nhưng rất hăng hái và nhiệt tình”, anh Lợi chia sẻ về những đồng đội của mình.
Anh Lợi cho biết từ ngày Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực,  tình trạng tai nạn giao thông giảm hẳn, anh em trong đội ai nấy đều phấn khởi và đỡ vất vả hơn.

'Môi trường sống rèn luyện cho mình tinh thần của một chiến binh'

Ban ngày, “hiệp sĩ bóng đêm” Nguyễn Hữu Lợi cũng tất bật với cuộc sống mưu sinh như bao người khác. Ba mất sớm, là con trai duy nhất nên anh Lợi trở thành trụ cột chính của mẹ và em gái. 
Anh Nguyễn Hữu Lợi, đội trưởng Đội SOS 117, T. Đồng Nai đang làm nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Hữu Lợi, đội trưởng Đội SOS 117 (Đồng Nai) đang làm nhiệm vụ

Để có tiền vừa nuôi sống bản thân, vừa chăm gia đình, vừa lo cho anh em trong đội, anh Lợi phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Số tiền nhận được từ hỗ trợ của các mạnh thường quân, anh cân nhắc thật kỹ để giành sắm sửa, trang bị cho Đội SOS 117 vì anh có trách nhiệm lo cho sự an toàn của anh em. Về phần mình, anh Lợi tính đến chuyện kinh doanh online. Lúc rảnh, anh cũng tranh thủ làm shipper, chở hàng thuê từ Đồng Nai vào TP.HCM để kiếm thêm tiền.
Năm lớp 9, nhà nghèo, ba mất sớm, gia đình lại đang nợ nần nên anh Lợi phải nghỉ học phụ mẹ gánh vác kinh tế gia đình. Khi bạn bè cùng tuổi được đến trường thì ngày ngày anh đi bán trái cây phụ mẹ ngoài chợ để lo cho em gái đi học. Vài năm sau, cuộc sống của 3 mẹ con dần ổn định, anh Lợi quyết tâm đi học tiếp. Hiện anh đang là sinh viên năm 3 hệ đào tạo từ xa ngành Luật sư của Đại học Huế.
“Môi trường sống rèn luyện cho mình tinh thần của một chiến binh, ban đêm giúp đỡ người dân, ban ngày làm việc nuôi sống bản thân, mình có khỏe thì mới lo lại được cho gia đình, cho anh em và giúp đỡ người khác. Có đôi lúc mệt mỏi nhưng ý thức tinh thần chiến binh là phải chiến đấu 200% năng lượng nên tôi cũng nhanh lấy lại tinh thần”, Đội trưởng Đội SOS 117 Nguyễn Hữu Lợi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.