Vắc xin Jynneos phòng đậu mùa khỉ |
afp |
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm từ loài khỉ và ca đầu tiên được phát hiện vào cuối thập niên 1950. Trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở người đầu tiên là một bệnh nhi ở CHDC Congo năm 1970. Đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng bệnh như đậu mùa, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Khả năng lây lan và triệu chứng mới
Đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể, giọt bắn trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với vết phát ban, vảy, vết loét hay chất dịch của người nhiễm bệnh, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Và ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy đậu mùa khỉ lây qua hoạt động tình dục. Việc tìm hiểu cơ chế lây lan đóng vai trò then chốt để kiểm soát nguy cơ lây lan.
Quần áo, ga trải giường, áo gối và các vật dụng khác đã chạm vào vết phát ban hay chất dịch cơ thể người bệnh cũng có thể trở thành nguồn lây virus. Thai phụ có khả năng truyền bệnh đậu mùa khỉ cho thai nhi.
Ngoài ra, với động vật nhiễm đậu mùa khỉ, chúng có thể lây cho con người qua vết cào, cắn. Con người cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu ăn hay sử dụng các sản phẩm làm từ động vật nhiễm đậu mùa khỉ.
Các triệu chứng thường thấy ở bệnh đậu mùa khỉ là sốt, ớn lạnh, đau đầu, uể oải, đau cơ và khớp, mệt mỏi, xuất hiện các vết phát ban và những nốt tổn thương da.
Tuy nhiên, trong lúc lây lan khắp châu Âu và thế giới, đậu mùa khỉ xuất hiện các triệu chứng bất thường. Báo cáo của nhóm do tiến sĩ Nicolo Girometti thuộc Quỹ NHS của Bệnh viện Chelsea và Westminster dẫn đầu phát hiện khoảng 94% bệnh nhân có ít nhất một tổn thương trên bộ phận sinh dục hoặc xung quanh hậu môn. Nhóm của ông quan sát tình trạng của 54 bệnh nhân, theo Medicinenet.
Các vết phát ban trên da |
afp/getty |
Tiến sĩ Ruth Byrne, Bệnh viện Chelsea và Westminster, cho biết: “Triệu chứng thường thấy của các bệnh nhân là tổn thương da ở vùng hậu môn, dương vật và thực tế là 1/4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh lậu hoặc chlamydia cùng lúc với nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Điều này cho thấy sự lây truyền của virus đậu mùa khỉ là khi da kề da, chẳng hạn như quan hệ tình dục”.
Trong số 54 bệnh nhân, có người yếu, mệt mỏi hoặc sốt ít hơn so với các đợt bùng phát trước đây; khoảng 18% không có triệu chứng trước khi xuất hiện các tổn thương trên da.
Làn sóng dịch càn quét toàn cầu
Đây là bệnh đặc hữu ở Trung và Tây Phi. Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại nhiều nơi ở Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ qua, bệnh này chưa gây ra đợt bùng phát lớn nào bên ngoài lục địa hay lây lan rộng rãi giữa người với người. Tuy nhiên, từ tháng 5, các nhà chức trách đã phát hiện hàng loạt ca nhiễm ở châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác.
Virus gây đậu mùa khỉ |
shutterstock |
Ngày 23.7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, cũng là mức cảnh báo cao nhất tổ chức này có thể đưa ra.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu nghĩa là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này là một “sự kiện bất thường”, có thể lan sang nhiều quốc gia hơn và cần phản ứng phối hợp trên toàn cầu. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu chủ yếu đóng vai trò như một lời kêu gọi để thu hút thêm các nguồn lực trên toàn cầu để giải quyết đợt dịch này.
Từ tháng 5 đến nay, WHO đã xác nhận hơn 68.000 ca đậu mùa khỉ tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là ở Mỹ và châu Âu và đáng quan ngại hơn là xảy ra cho những người không có lịch sử di chuyển đến vùng bệnh dịch. Ít nhất 25 người đã tử vong.
Tháng 8, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp ở Mỹ, từ đó đẩy mạnh các nỗ lực tiêm vắc xin, xét nghiệm, điều trị và cảnh báo với mục tiêu loại trừ virus khỏi lãnh thổ Mỹ. Chính quyền Washington vẫn tìm cách kiểm soát đợt bùng dịch đậu mùa khỉ lớn nhất thế giới, với gần 26.000 ca xác nhận ở khắp 50 tiểu bang, vùng thủ đô Washington D.C và Puerto Rico. Ít nhất 2 người đã tử vong vì căn bệnh này ở Mỹ.
Lãnh đạo WHO khuyên người đồng tính nam giảm số lượng bạn tình để tránh nhiễm đậu mùa khỉ |
Tính đến cuối tháng 9, giới chức y tế Mỹ đã xác nhận 29 trường hợp mắc bệnh ở trẻ em ở nước này, trong khi tổng cộng 78 ca bệnh nhi đang được theo dõi trên toàn quốc. Bên cạnh đó, 96% số bệnh nhân là đàn ông và phụ nữ chiếm 408 trường hợp. Theo số liệu gần đây, Mỹ đã tiến hành tiêm vắc xin Jynneos phòng đậu mùa khỉ cho hơn 684.000 người.
Vắc xin và điều trị
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện Mỹ phê chuẩn hai loại vắc xin phòng đậu mùa khỉ. Trong đó, vắc xin Jynneos đóng vai trò chủ lực trong cuộc chiến chống dịch tại nước này. CDC cũng sử dụng một vắc xin khác là ACAM2000 để phòng dịch.
Giữa tuần trước, CDC đã công bố dữ liệu đầu tiên về hiệu quả thực tế của vắc xin Jynneos. Theo đó, nguy cơ nhiễm virus gây đậu mùa khỉ ở người tiêm vắc xin thấp hơn 14 lần so với người không tiêm.
Dựa trên số liệu thu thập tại 32 tiểu bang Mỹ, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9, vắc xin mang đến một số bảo vệ cho người tiêm, dù họ chỉ tiêm một mũi. Hiệu quả bảo vệ được ghi nhận trong vòng 2 tuần kể từ thời điểm tiêm mũi đầu tiên. CDC đang chờ thông tin về hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm thứ 2.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky khuyến cáo người tiêm vắc xin vẫn tiếp tục bảo vệ bản thân trước nguy cơ viêm nhiễm, chẳng hạn tránh tiếp xúc trực tiếp qua da với người mắc đậu mùa khỉ, hạn chế những hành vi có thể khiến họ phơi nhiễm với virus.
Hiện chưa có số liệu cho thấy tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể cho phép con người quay lại sinh hoạt tình dục mà không gây ra lây nhiễm hoặc mắc bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ trở thành tình trạng y tế khẩn cấp, Mỹ đặt hàng 2,5 triệu liều vắc xin |
Về vấn đề điều trị, sau khi có thông tin Tecovirimat (tên khác là TPOXX hoặc ST-246) được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) nói rõ không khuyến cáo dùng TPOXX cho mục đích này cho toàn bộ các trường hợp mắc bệnh.
Sau cuộc họp gần đây của Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA), CDC cập nhật thông tin liên quan đến TPOXX trong điều trị đậu mùa khỉ. Giới chức y tế Mỹ công bố dữ liệu cho thấy việc sử dụng rộng rãi TPOXX có thể gây nên kháng thuốc và dẫn đến thuốc không còn hiệu quả chữa trị ở một số bệnh nhân.
Trên cơ sở này, CDC khuyến cáo chỉ sử dụng hạn chế TPOXX trong trường hợp bệnh nặng, gây xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm não, nhiễm trùng mắt, hoặc những tình trạng viêm nhiễm khác buộc phải nhập viện điều trị.
Bình luận (0)