"Gần như trong mỗi sứ mệnh, chúng tôi lại hướng về trái đất và chụp ảnh ngôi nhà chung toàn thể nhân loại", Mashable hôm 23.4 dẫn lời ông Bill Bary, cựu sử gia của NASA. Đây là thói quen khó cưỡng của nhiều người xa quê hương.
Đến nay, theo thời gian, NASA sở hữu một số hình ảnh chụp địa cầu ở khoảng cách xa nhất và đặc biệt nhất.
Trái đất và mặt trăng
Từ khoảng cách 1,3 triệu km, trái đất vẫn hiển thị trước ống kính của tàu vũ trụ dưới hình ảnh vốn có, và thậm chí có thể thấy được mặt trăng gần đó.
Trên đường quá trình lao đến tiểu hành tinh Bennu để lấy mẫu, tàu OSIRIS-REx của NASA đã chụp bức ảnh này. Trong ảnh, trái đất và mặt trăng ở cách nhau 400.000 km.
Bên trong khu vực mô phỏng môi trường sống trên sao Hỏa của NASA
Một chấm nhỏ trên bầu trời sao Hỏa
Trong quá trình thám hiểm bề mặt sao Hỏa suốt 6 năm và tìm được chứng cứ cho thấy nơi đây từng có nước, tàu tự hành Spirit của NASA đã chụp được bức ảnh lịch sử vào năm 2004.
"Đây là hình ảnh đầu tiên chụp trái đất từ bề mặt của một hành tinh nằm ngoài mặt trăng", theo NASA.
Người xem có thể thấy những ngọn đồi của sao Hỏa ở bên dưới, và trái đất dưới dạng chấm nhỏ mờ nhạt trên bầu trời hành tinh.
Còn trên trái đất, con người có thể nhìn thấy sao Hỏa bằng mắt thường dưới dạng một chấm đỏ sáng màu trên bầu trời đêm quang đãng.
Đi ngang trái đất
Trên đường đến sao Mộc năm 2013, tàu Juno của NASA đã đi ngang trái đất để nhờ sự hỗ trợ trọng lực của hành tinh chúng ta nhằm tăng tốc cho hành trình. Lúc đó, một camera trên tàu đã ghi lại hình ảnh tàu Juno tiếp cận trái đất và mặt trăng ở khoảng cách gần 1 triệu km.
"Kết quả là một hình ảnh độ phân giải thấp nhưng ấn tượng phản ánh cái nhìn thoáng qua của một lữ khách khi nhìn về thế giới của chúng ta từ xa", theo Phòng thí nghiệm Động lực học NASA.
Năm 2016, Juno đến được "ông hoàng của các hành tinh" là sao Mộc, cách địa cầu gần 900 triệu km.
Tên lửa Starship khổng lồ phóng lên nổ tung, vì sao SpaceX vẫn lạc quan?
Cái nhìn từ sao Thổ diễm lệ
Năm 2013, tàu Cassini của NASA chụp được bức ảnh thật sự choáng ngợp về hành tinh của chúng ta nằm ngoài phạm vi của các vòng sao Thổ đầy sắc màu.
"Ở khoảng cách gần 1,45 tỉ km, trái đất tỏa sáng bên cạnh nhiều ngôi sao khác trên bầu trời, và được phân biệt rõ ràng nhờ màu xanh của nó", NASA viết.
Màu xanh đậm nét của địa cầu, cho phép trái đất có thể dễ dàng được nhìn thấy trong phần lớn phạm vi của hệ mặt trời, đến từ ánh sáng phản chiếu vào khí quyển của hành tinh chúng ta.
Bức ảnh huyền thoại về chấm xanh nhợt nhạt
Có lẽ hình ảnh đáng chú ý nhất về trái đất cũng là hình ảnh nhỏ bé nhất về trái đất. Hơn 3 thập niên trước, tàu Voyager 1 của NASA đã chụp bức ảnh này từ khoảng cách 6,11 tỉ km. NASA giải thích rằng trong ảnh, trái đất chỉ chiếm không đến 1 điểm ảnh và vì thế không thể phân giải hoàn toàn.
Một sự tình cờ đã mang đến điều đặc biệt cho bức ảnh, đó là một tia sáng mặt sáng đã bất ngờ giao nhau với hành tinh chúng ta.
Nhà thiên văn học và tư tưởng vĩ đại Carl Sagan cho rằng Voyager 1 đã chụp bức ảnh trước khi NASA tắt camera để tiết kiệm năng lượng. Và kết quả không phụ lòng mong đợi. Ông Sagan viết:
"Hãy một lần nhìn lại cái chấm đó. Ở đó, đó là nhà, đó là chúng ta. Trên hành tinh này có tất cả những người thân yêu nhất của bạn, mọi người mà bạn quen biết hoặc nghe đến tên của họ, tất cả những người trải qua hết cuộc đời trên bề mặt hành tinh. Nơi tập hợp mọi niềm vui, mọi nỗi thống khổ, hàng ngàn đức tin và tôn giáo, ý thức hệ, học thuyết kinh tế, mỗi người thợ săn và hái lượm, tất cả các anh hùng và kẻ hèn nhất, mọi nhà sáng tạo và phá hủy những nền văn mình, mỗi vị vua và nông dân, mọi cặp đôi trẻ tuổi trong tình yêu cuồng nhiệt, mỗi người cha, người mẹ hay đứa trẻ được kỳ vọng, nhà sáng chế và thám hiểm, mỗi một người thầy dạy đạo đức, mọi chính khách tham nhũng, tất cả "các siêu sao", "lãnh tụ tối cao", mọi vị thánh và kẻ tội đồ trong lịch sử của nhân loại đều trải qua cuộc đời ở đó, bên trên một hạt bụi nằm lơ lửng trong một tia nắng".
Bình luận (0)